Theo báo Pháp luật TP.HCM, Sở VH&TT TP cho biết hiện nay trên địa bàn TP có 311 tuyến đường dùng chung 132 tên. Việc dùng chung tên đường chủ yếu là do lịch sử để lại (quá trình sáp nhập, mở rộng về đơn vị hành chính).
Lý giải về nguyên nhân nhiều tuyến đường trùng tên nhau, Sở VH&TT TP cho biết, TP.HCM hiện nay được hình thành từ 3 đơn vị hành chính riêng là Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định. Vào thời điểm còn 3 đơn vị hành chính riêng, tên đường tại các khu vực này được từng địa phương lựa chọn và đặt tên. Do đó, khi sáp nhập lại thì xuất hiện tình trạng trùng tên, không thống nhất trong vấn đề tên gọi.
Ngoài ra, từ sau năm 1975 đến trước năm 1995, không có quy định cụ thể về thẩm quyền đặt tên của từng cấp nên các quận, huyện đã tự ý đặt tên đối với tuyến đường mới. Bắt đầu từ ngày 11/7/2005 với sự thành lập của Hội đồng đặt tên mới, sửa đổi tên đường trên địa bàn TP.HCM được thành lập và thực hiện Nghị định 91/2005/NĐ-CP, Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT, TP.HCM bắt đầu có các quy định về việc không được đặt tên cùng một nhân vật lịch sử cho các tuyến đường khác nhau trên địa bàn TP.
"Do đó, đối với các tuyến đường trùng tên tại các quận, huyện khác nhau do lịch sử để lại, căn cứ theo điều 5, mục 1 nguyên tắc chung, chương II Nguyên tắc về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng, TP hạn chế tối đa việc đổi tên vì có khả năng gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân", báo cáo của Sở VH&TT TP nêu.
Thời gian qua, Sở VH&TT TPHCM đã đề xuất bổ sung ngân hàng tên đường và công trình công cộng trên địa bàn các quận, huyện, TP Thủ Đức. Sở cũng ký hợp đồng với các hội chuyên ngành để nghiên cứu tên các doanh nhân, nhân vật lịch sử và các địa danh nhằm làm phong phú thêm ngân hàng tên đường.
Thời gian tới, Sở VH&TT TPHCM phối hợp với các quận, huyện rà soát lại những trường hợp tên đường bị trùng nhau trên cùng một địa bàn hoặc một số tuyến đường mới trong các dự án để xem xét, đưa ra phương án giải quyết hợp lý, báo Dân Trí thông tin.