Vào lúc 9h sáng ngày 12/6 tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ gặp nhau tại Singapore, tham dự sự kiện lịch sử được cả thế giới mong chờ.
Sự kiện lịch sử
Trong năm 2017, Triều Tiên đã tiến hành hàng loạt các vụ thử nghiệm tên lửa, và đỉnh điểm căng thẳng là vụ thử hạt nhân hồi tháng 9. Ông Trump và ông Kim cũng liên tiếp đưa ra những bình luận chỉ trích có thiên hướng cá nhân. Thế nhưng, cách đây 3 tháng, Washington và Bình Nhưỡng đã quyết định sẽ ngồi vào bàn đàm phán về phi hạt nhân hóa bán đảo.
Tại khách sạn Capella trên đảo Sentosa (Singapore), lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ đương nhiệm sẽ họp bàn với một nhà lãnh đạo Triều Tiên về vấn đề vũ khí hạt nhân. Sự kiện được đánh giá là mang tính lịch sử và "cảm giác mạnh mẽ không thể tin được".
Hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên sẽ gặp nhau tại Singapore vào ngày 12/6 tới. Ảnh: Getty |
Lộ trình cuộc đàm phán, tính đến thời điểm này giống như một chuyến đi tàu lượn siêu tốc vì những thay đổi liên tục của 2 bên. Từ nay cho đến ngày 12/6, thế giới sẽ “nín thở” để theo dõi một trong những sự kiện quan trọng bậc nhất của thế giới năm 2018.
Ông Kim Jong-un trước đó đã bày tỏ lo ngại về vấn đề an ninh vì Singapore sẽ là nơi xa xôi nhất ông đến kể từ khi nên nắm quyền. Cảnh sát đã tuyên bố tình trạng thắt chặt an ninh xung quanh khu vực tổ chức hội nghị thượng đỉnh. Ngoài ra, tất cả người dân Singapore đều đã nhận được cảnh báo hành động thận trọng trong thời điểm nhạy cảm.
Theo phương tiện truyền thông thế giới, ông Kim Jong-un sẽ bay qua Trung Quốc bằng máy bay phản lực riêng từ thời Liên Xô. Tuy nhiên, sáng hôm nay, tờ SCMP suy đoán rằng Bắc Kinh có thể sẽ cung cấp một máy bay chiến đấu cho Bình Nhưỡng.
Chiến thắng đầu tiên
Theo lời bà Jean Lee, một cựu phóng viên ở Bình Nhưỡng, việc ngồi vào bàn đàm phán, đối mặt với một Tổng thống Mỹ đã là một chiến thắng cho Chủ tịch Kim Jong-un vì đó là điều mà cha và ông nội của ông không thể đạt được.
Trong khi đó, ông Joseph Yun, đại diện đặc biệt của Mỹ tại Triều Tiên cho đến khi ông từ chức vào tháng 2/2018 đánh giá rằng hội nghị thượng đỉnh của 2 nhà lãnh đạo là "trái ngược" với cung cách làm việc của Washington. Cam kết gặp gỡ trước khi thu được một số kết quả thông qua liên lạc có thể sẽ gây ra những hạn chế nhất định.
Tuy nhiên, ông Yun cũng so sánh cuộc họp lần này với sự kiện cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon tới Trung Quốc năm 1972. "Chúng ta phải tránh chiến tranh và đây là một động thái quan trọng", ông Yun nói trong một cuộc phỏng vấn với Viện Kinh tế Mỹ tại Hàn Quốc.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã 2 lần gặp mặt người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình để tham vấn. Ảnh: Getty |
Trong khi đó, Tổng thống Trump từng nhiều lần tuyên bố muốn gặp mặt trực tiếp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, thậm chí ông từng khẳng định trong cả chiến dịch tranh cử năm 2016. Không giống như nhiều nhà phân tích khác, ông Yun tin rằng ông Trump đã "chuẩn bị đầy đủ".
Trong tuyên bố vào hôm nay (8/6), ông chủ Nhà Trắng nói: "Tôi nghĩ mình đã chuẩn bị rất tốt. Tôi không nghĩ mình phải chuẩn bị quá nhiều... Vấn đề quan trọng nhất là về thái độ, về sự sẵn sàng để hoàn thành công việc".
Về phần mình, bà Susan Rice, cựu Cố vấn An ninh quốc gia dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama tuyên bố bà "không thể tưởng tượng" được rằng Washington không tổ chức cuộc họp cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia khi chuẩn bị cho hoạt động ngoại giao quan trọng nhất nhiều năm qua". Tuy nhiên, trên thực tế, ít nhất 5 vòng đàm phán đã được tổ chức giữa các quan chức Triều Tiên và Mỹ trong 2 tuần qua.
Trong thời gian gần đây, ông Kim Jong-un đã 2 lần họp bàn với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thành công tham dự hội nghị thượng đỉnh Hàn – Triều với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Theo ông Yun, rất có thể hội nghị Mỹ - Triều cũng sẽ diễn ra suôn sẻ.
Phá hủy kho vũ khí hạt nhân hoàn toàn, vĩnh viễn và không thể đảo ngược
Mỹ muốn phi hạt nhân hóa hoàn toàn để đảm bào an ninh, hòa bình trên báo đảo Triều Tiên. Ảnh: Getty |
Dù có nhiều bình luận, đánh giá và dự đoán, rõ ràng kết luận hội nghị thượng đỉnh có thành công hay không sẽ phụ thuộc vào việc 2 nhà lãnh đạo có thể ký kết một thỏa thuận hủy bỏ chương trình hạt nhân và bảo đảm an ninh cho Triều Tiên hay không. Ngoài ra, việc xác định các bước cụ thể trước mắt trong tiến trình phi hạt nhân hóa cũng được coi là rất quan trọng.
Ông Yun cũng cảnh báo rằng nhiều người Mỹ không muốn thấy bất cứ điều gì có thể làm suy giảm liên minh với Hàn Quốc hay Nhật Bản, chẳng hạn như cắt giảm quân đội trên bán đảo Triều Tiên hoặc giảm các cuộc tập trận quân sự. "Mỹ phải có sự hiện diện ở Đông Bắc Á", ông nói.
Tuy nhiên, liệu ông Kim có từ bỏ chương trình hạt nhân của mình nếu Mỹ không đưa ra nhiều nhượng bộ mang lại lợi ích thực sự cho Triều Tiên? Nếu ông không yêu cầu rút quân đội Mỹ khỏi bán đảo thì cũng có thể là việc loại bỏ Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) vốn gây tranh cãi? Việc lắp đặt THAAD vốn bị Bắc Kinh phản đối, nói rằng Washington đang sử dụng nó để thám sát sâu vào lãnh thổ Trung Quốc.
Nguy cơ từ chính quan chức Mỹ
Tại hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á Shangri-La vào cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tiếp tục kêu gọi tiến trình phi hạt nhân hóa phải đảm bảo “hoàn toàn, vĩnh viễn và không thể đảo ngược”. Tuy nhiên, ông Mattis sẽ không tham dự sự kiện quan trọng sắp tới.
Các quan chức Mỹ có thể là biến số cho hội nghị thượng đỉnh. Ảnh: Getty |
Trong đoàn tháp tùng của Tổng thống Trump sẽ là Ngoại trưởng Mike Pompeo - người đã thực hiện 2 chuyến đi đến Bình Nhưỡng để gặp ông Kim Jong-un, Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton. Sự hiện diện của ông Bolton, cho dù ông không xuất hiện ở trong phòng họp cũng có thể dẫn đến những biến số, các nhà phân tích nhận định.
Hội nghị thượng đỉnh đã bị “trật bánh” một thời gian ngắn sau khi ông Bolton yêu cầu Triều Tiên phá hủy hoàn toàn vũ khí hạt nhân trước khi Mỹ có bất kỳ nhượng bộ nào. Nhiều nhà quan sát Triều Tiên ngay lập tức đánh giá đề nghị đó là phi thực tế. Thậm chí, ông Bolton cũng công khai yêu cầu Bình Nhưỡng chấp nhận mô hình Libya, làm người Triều Tiên tức giận và dọa hủy họp.
Thật khó để dự đoán bất cứ điều gì từ cuộc họp lần này. Kết quả như thế nào, có lẽ toàn thế giới chỉ có thể biết được khi sự kiện kết thúc.
Ông Leonid Petrov, một chuyên gia về vấn đề Triều Tiên tại Đại học Quốc gia Úc lại nhìn nhận hội nghị theo một cách khá tích cực. Ông cho rằng các cuộc đàm phán song phương trong năm 2018 giữa Triều Tiên với Trung Quốc, Hàn Quốc và bây giờ là Mỹ vốn đã là một bước đột phá lớn trong cách thế giới đối phó vấn đề khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Ông Petrov cho rằng điều này "hiệu quả hơn nhiều" so với các cuộc đàm phán đa phương thất bại trong nhiều thập kỷ qua.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo The Sydney Morning Heral)