Tào Tháo (155-220) là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đặt nền móng hình thành Tào Ngụy thời Tam quốc.
Lúc sinh thời, Tào Tháo rất khao khát chiêu mộ nhân tài, ngay cả khi họ từng là kẻ thù. Tuy nhiên, ông lại có một nhược điểm chí mạng, đó là quá đa nghi. Vị quân chủ này thà "giết nhầm" còn hơn là để sót mầm mống ảnh hưởng tới đại nghiệp thống nhất thiên hạ của mình.
Theo sử sách ghi chép lại, từng có một thần đồng khiến Tào Tháo tán thưởng, nhưng vẫn bị ông diệt trừ để tránh hậu họa về sau. Đó chính là Chu Bất Nghi - cháu của quan Biệt giá Lưu Tiên dưới trướng của Lưu Biểu.
Chu Bất Nghi tự là Nguyên Trực, người Linh Lăng (thuộc Hồ Nam sau này). Sinh trưởng trong một gia đình danh giá, thiếu niên họ Chu từ sớm đã bộc lộ tài trí hơn người. Sau này, ông được người cậu Lưu Tiên gửi gắm cho danh sĩ Lưu Ba - bậc kỳ tài mà ngay tới Gia Cát Lượng còn phải thú nhận “tự thẹn không bằng”.
Tuy nhiên, Lưu Ba đã nói rằng Chu Bất Nghi có tài năng lạ, nếu theo mình học tập sẽ không học được gì. Không có sự hướng dẫn của Lưu Ba, tài năng của thiếu niên này cũng không vì thế mà biến mất, hơn nữa còn vang danh thiên hạ.
Tiếng tăm của Chu Bất Nghi đã nhanh chóng tới tai vị quân chủ họ Tào. Tào Tháo khi ấy mới đoạt được Kinh Châu từ tay Lưu Tôn, muốn đem con gái của mình gả cho Chu Bất Nghi để lôi kéo vị thiếu niên này nhưng cậu ta từ chối.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Chu Bất Nghi không muốn tận lực vì Tào Tháo. Khi Tào Tháo tấn công Liễu Thành, vị thiếu niên đã hiến kế, giúp đỡ cho Tào Tháo rất nhiều.
Sau đó, Chu Bất Nghi tương giao thân thiết với Tào Xung- con trai Thào Tháo. Do đó, tuy rằng không trở thành con rể của Tào Tháo nhưng Chu Bất Nghi vẫn được Tào Tháo xem trọng.
Tương truyền rằng, Tào Tháo đánh giá thiếu niên họ Chu thông minh chẳng kém người con thần đồng Tào Xung của mình.
Đến năm 208, Tào Xung bất ngờ mắc bệnh nặng một cách kỳ lạ và qua đời khi mới 12 tuổi. Tào Tháo từng đích thân cầu trời cứu mạng cho con trai mình. Tuy nhiên, người con trai tài hoa này lại không may qua đời.
Khi Tào Xung chết, Tào Tháo đã vô cùng đau buồn. Bởi Tào Xung tuy là người ít tuổi nhất trong số những người con tài hoa của Tào Tháo, nhưng lại là đứa con tài năng nổi tiếng thông minh khiến ông yêu quý và hãnh diện nhất.
Khi Tào Phi an ủi cha, Tào Tháo nói rằng: "Đây là bất hạnh của ta, nhưng lại là may mắn của các ngươi". Vừa nói câu này, ông vừa rơi nước mắt. Câu nói này cũng cho thấy rằng Tào Tháo ban đầu quả thực từng cân nhắc tới việc chọn Tào Xung làm người thừa kế, mặc dù cậu con trai này không phải là con trưởng.
Sau khi Tào Xung qua đời, Chu Bất Nghi đang là "thần đồng" bỗng nhanh chóng trở thành "cái gai" đối với Tào Tháo.
Theo ghi chép trong Tam Quốc chí, Chu Bất Nghi lúc còn sống không những có tài văn chương mà tài năng quân sự còn vượt qua cả mưu kế của Tào Tháo. Điều này khiến Tào Tháo vừa tán thưởng nhưng cũng vừa ngầm ghen tị. Tuy nhiên, nếu Tào Xung vẫn còn sống, Tào Tháo nghĩ rằng với một người thông minh như con trai mình thì hoàn toàn có thể kiềm chế được Chu Bất Nghi. Đáng tiếc, Tào Xung lại chết trẻ.
Đến năm 209, Tào Tháo cho người ám sát Chu Bất Nghi, đây cũng là cái kết bi thảm của "thần đồng" yểu mệnh thời Tam Quốc.
Mộc Miên (T/h)