(ĐSPL) - Nước giếng nhìn qua vẫn trong vắt và không có mùi lạ nhưng khi cho chút nước chè xanh vào thì sủi bọt, chuyển màu tím đen.
[mecloud]Wd6KVzAG6r[/mecloud]
Theo tin tức từ báo Gia đình & Xã hội, người dân khu 10, xã Bằng Giã (Hạ Hòa, Phú Thọ) cho biết, nhiều tháng nay, nước giếng khoan trong khu vực này vẫn trong vắt, không có mùi khác lạ, nhưng khi cho một chút nước chè xanh vào thì nước lập tức đổi màu tím đen, sủi bọt và có mùi tanh bốc lên rất khó chịu.
Chậu nước chuyển màu tím đen. (Ảnh: N.Văn/Báo Gia đình & Xã hội). |
Anh Nguyễn Trường Xuân (ở khu 10, xã Bằng Giã) cho biết, gia đình anh mới đầu tư một chiếc giếng khoan. Ban đầu, anh Trường thấy nước bơm lên trong vắt nên nghĩ là an toàn và dùng làm nước sinh hoạt cho cả gia đình. Nhưng sau nhiều lần chú ý đến nồi nước rau muống luộc, anh thấy nước có màu xanh như màu mực. Khi đổ một chút nước chè xanh vào chậu nước trong vắt bơm từ dưới giếng lên thì màu nước biến thành tím ngắt, sủi bọt, có mùi tanh.
Lo ngại về chất lượng nước, anh Trường không dám dùng nước giếng khoan để sinh hoạt, thậm chí khi dùng để tưới cây gia đình anh cũng dè dặt.
Được biết, hầu hết nước giếng khoan của các gia đình (khoảng 400 gia đình) sống dọc bờ Ngòi Lao, sông Hồng (xã Bằng Giã) đều có hiện tượng tương tự.
Người dân ở đây hoang mang không dám dùng làm nước sinh hoạt. Họ chấp nhận dùng can nhựa đi xin nước ở các vùng lân cận về dùng, thậm chí đi mua nước.
Đài truyền hình VN thông tin thêm, trong kết quả phân tích mẫu nước giếng khoan, giếng đào ở xã Bằng Giã, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ, tất cả đều có hàm lượng amoni vượt quá giới hạn cho phép từ 33,3 - 34,9 lần.
[mecloud]Ll3XDlmO6Y[/mecloud]
Sau khi nhận được thông tin về thực trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm và cuộc sống khó khăn do thiếu nước sinh hoạt của hàng trăm hộ dân xã Bằng Giã, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ đã tiến hành lấy 6 mẫu nước giếng khoan, giếng đào của các hộ dân tại khu vực này để phân tích đánh giá chất lượng nước ngầm.
Kết quả phân tích chất lượng nước của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ cho thấy, tất cả các mẫu nước đều có hàm lượng amoni vượt quá giới hạn cho phép từ 33,3 - 34,9 lần.
Các cán bộ thuộc Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế cho biết, nguyên nhân chủ yếu khiến nguồn nước bị nhiễm amoni là do các hợp chất chứa nitơ có trong chất thải sinh hoạt và hoạt động sản xuất thải ra môi trường ngày càng nhiều, sau đó amoni thẩm thấu qua đất, ngấm vào các mạch nước ngầm.
LINH SAN(Tổng hợp)