(ĐSPL) - Nhiều ngân hàng đã chủ động khóa chiều thanh toán online của chủ thẻ tín dụng để phòng rủi ro sau vụ hacker tấn công ngày 29/7.
Thông tin trên báo Tri thức trực tuyến, sau vụ hacker tấn công ngày 29/7, nhiều ngân hàng cho rằng việc họ khóa thẻ tín dụng của khách hàng là nên làm, để bảo đảm an toàn cho hệ thống dù có chút bất tiện.
Không phải đợi đến khi Ngân hàng Nhà nước gửi công văn để cảnh báo việc hacker tấn công hệ thống công nghệ thông tin, mà ngay từ ngày 29/7, nhiều ngân hàng thương mại đã chủ động tiến hành những biện pháp bảo mật. Theo các ngân hàng chia sẻ, dù hệ thống bảo mật của ngân hàng đã tương đối tốt nhưng việc “gia cố” bằng các biện pháp thiết thực là điều nên làm.
Đại diện của Eximbank cho biết, việc tăng cường những biện pháp bảo vệ sau vụ tấn công công nghệ thông tin không phải là “mất bò mới lo làm chuồng”. Hệ thống bảo vệ của ngân hàng luôn được rà soát chặt chẽ, nhưng đôi khi sử chủ động vẫn nằm về phía khách hàng sử dụng dịch vụ. Do vậy, việc rò rỉ có thể đến thông qua việc giao dịch của khách hàng trên những trang thanh toán có hệ thống bảo mật không tốt.
Mặc dù ngân hàng tự tin vào hệ thống bảo mật của mình, nhưng việc tấn công của hacker thì thật sự khủng khiếp và khó lường trước được.
Đại diện TP Bank cũng cho rằng, việc tấn công của hacker là ngoài ý muốn, không ai đảm bảo được tính tuyệt đối trong bảo mật. Tuy nhiên, ngân hàng phải có trách nhiệm giám sát kỹ lưỡng những giao dịch của khách hàng. Điều quan trọng nhất việc giám sát không làm ảnh hưởng tới thanh toán online của khách.
Cũng theo ngân hàng này, khả năng tin tặc tấn công vào các trang mạng khác là rất dễ xảy ra, nên ngân hàng phải thường xuyên đưa ra những cảnh báo cụ thể cho khách hàng. Nhà băng cũng chủ động đưa ra những phương án tối ưu để bảo vệ tài khoản của khách hàng. Mà việc khóa thẻ tín dụng là bước đầu tiên để đảm bảo an toàn một cách tối ưu.
Nhiều ngân hàng đã chủ động khóa chiều thanh toán online của chủ thẻ phòng rủi ro.(Ảnh minh họa). |
Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng khoá một số thẻ của khách hàng từng giao dịch trong ngày 29/7 - ngày xảy ra sự cố. Ngân hàng này cũng tạm ngưng chương trình khuyến mãi mua vé máy bay nhận ưu đãi.
Ngân hàng Quốc dân cũng gửi tin nhắn thông báo tới các khách hàng: “Quý khách từng thanh toán vé máy bay qua mạng, để đảm bảo an toàn thẻ của quý khách sẽ được tạm khóa thanh toán online”.
Tin tức trên VnExpress, đại diện nhiều ngân hàng khác cho hay sẽ tiếp tục theo dõi chứ chưa cần phải khoá thẻ của khách hàng.
Đại diện Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng cho biết, dù thẻ của ngân hàng đều có dịch vụ "3D Secure" nhưng các bộ phận chức năng của đơn vị vẫn đang theo dõi sát sao các giao địch đáng ngờ, nếu thấy bất thường sẽ báo ngay với khách hàng.
Đại diện của một NHTM khuyến cáo các chủ thẻ
Theo thông tin trên báo Lao động, chủ thẻ chỉ nên thực hiện các giao dịch thanh toán thẻ qua các website có đủ độ tin cậy, tốt nhất là các website có áp dụng chế độ bảo mật gửi One time password (OTP) khi giao dịch thanh toán qua internet.
Đối với các giao dịch khác của Thẻ Quốc tế như thanh toán, rút tiền…khách hàng hoàn toàn yên tâm giao dịch thanh toán hàng hóa dịch vụ với rất nhiều tiện ích và các điểm ưu đãi dành cho chủ thẻ.
Khi sử dụng thẻ, quý khách thực hiện đầy đủ các khuyến cáo về bảo mật thẻ mà Ngân hàng gửi. Luôn theo dõi sát các giao dịch thẻ của mình và thông báo ngay cho Hotline của ngân hàng nếu phát hiện các giao dịch đáng ngờ, giả mạo.
Đại diện của Eximbank chia sẻ: “Hầu hết ngân hàng hiện nay đều khuyến cáo khách hàng tham gia giao dịch online phải lựa chọn những trang thanh toán có mức độ an toàn cao. Tuy nhiên, để kiểm chứng những thông tin này thực sự khó, nên sự chủ động trước của ngân hàng là cần thiết, dù điều này đôi khi làm ảnh hưởng tới việc sử dụng dịch vụ của khách hàng.
Ngân hàng Nhà nước cũng có văn bản gửi đến các tổ chức tín dụng, các tổ chức trung gian thanh toán, cảnh báo tình hình tội phạm tấn công các hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) quan trọng của Việt Nam.
Văn bản nêu rõ, để đảm bảo an toàn hệ thống CNTT ngành ngân hàng, Cục Công nghệ tin học Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức tín dụng và các tổ chức trung gian thanh toán thực hiện ngay việc rà soát, kiểm tra tình hình an toàn an ninh hệ thống CNTT của đơn vị mình, đặc biệt là các hệ thống cung cấp dịch vụ cho khách hàng trên mạng Internet như hệ thống website, Internet banking…
Tăng cường các biện pháp an ninh bảo mật hệ thống CNTT, đảm bảo hệ thống luôn hoạt động liên tục, dữ liệu được sao lưu và phục hồi khi cần thiết.
Bên cạnh đó, phân công cán bộ trực 24/7 và tăng cường các biện pháp giám sát, theo dõi hoạt động và nhật ký (log) của các hệ thống CNTT quan trọng để kịp thời phát hiện và xử lý các lỗ hổng bảo mật, các truy nhập trái phép, các cuộc tấn công, nếu có.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin