Theo VnExpress, nạn kích điện giun đất rộ lên khoảng một tháng gần đây tại các tỉnh Hòa Bình, Bắc Giang, Sơn La, Tuyên Quang, Bắc Giang... Những người săn bắt dùng máy kích gồm hai que nhọn nối với bình ắc quy hoặc pin công suất lớn để cắm xuống đất, khiến toàn bộ giun trong khoảng một mét vuông sẽ chui lên.
Giun bắt về được loại bỏ nội tạng, sấy khô và bán cho những đầu mối đưa qua Trung Quốc.
Trên báo Nông nghiệp Việt Nam, một chủ vườn cam cho biết, giá giun tươi được thu mua từ 70.000-80.000 đồng/kg. Một nhóm vài người đi kích điện có thể thu về 100-120kg giun mỗi đêm. Các lò sấy giun theo đó cũng mọc lên khắp nơi, hoạt động thu mua rầm rộ.
Vấn nạn kích giun này khiến các chủ vườn cam Cao Phong bất an. Bởi, không chỉ giun bị tận diệt, kích điện xuống đất sẽ ảnh hưởng đến bộ rễ tơ của cây. Hậu quả, cam vàng lá và chết, năng suất giảm.
Để ngăn chăn tình trạng kích điện giun đất, nhiều chủ vườn cam phải dựng hàng rào dây thép, lắp camera quanh vườn, thức trắng đêm canh người kích giun trộm. Thậm chí, một số chủ vườn còn treo biển “Cấm kích giun, cam hỏng rễ bắt được đền cả vườn. Nếu ai bắt được thưởng 2 triệu đồng”.
Vậy nhưng, lợi nhuận từ hoạt động kích điện bắt giun đất thu về quá cao, có thể kiếm được tiền triệu mỗi ngày khiến nhiều người bất chấp, đổ xô đi kích điện tận diệt giun đất.
Tại Trung Quốc, giun đất được gọi là địa long (rồng đất) và đã được coi là nguyên liệu trong y học cổ truyền gần 2.000 năm qua. Dược điển Trung Quốc cho rằng giun đất có công dụng "thanh nhiệt, trấn an, nhuận phế, lợi tiểu".
Theo lời của người kích điện, hiện nay ngày càng nhiều bệnh nhân mắc các bệnh về tim mạch và mạch máu não ở Trung Quốc cần sử dụng giun đất làm thuốc. Nhu cầu tăng cao khiến hàng trăm nghìn tấn giun đất bị săn bắt bằng phương pháp kích điện ở nước này.
Thành phố Bạc Châu, tỉnh An Huy, được gọi là "thủ phủ dược liệu Trung Quốc" và là thị trường buôn bán thảo dược Trung Quốc lớn nhất thế giới. Ông Trần, thương lái ở Bạc Châu, cho hay ông thu mua giun đất tự nhiên ở Quảng Tây, Tứ Xuyên, An Huy, Hà Nam, sau đó bán cho các nhà máy dược phẩm.
Theo số liệu năm 2021, hơn 57% số giun đất bán ra trên thị trường được sử dụng cho các nhà máy sản xuất dược phẩm, các nhà thuốc đông y nhập khoảng 28,5%, số còn lại được dùng trong lĩnh vực xuất khẩu và thực phẩm chức năng.
Trung Quốc có 40 dược phẩm chứa thành phần giun đất, tiêu biểu là các loại thuốc chữa ho, đau đầu tức ngực, viên nén tiêu sưng. Cơ sở sử dụng nhiều giun đất nhất là một công ty dược ở Thiểm Tây, nơi sản xuất thuốc tim mạch và mạch máu não, trong đó có viên nang thông tâm não.
Mặc dù thường xuyên cố gắng ngăn chặn việc đào giun nhưng việc sử dụng điện để bắt giun đất không phải là hiếm ở Trung Quốc, nơi chúng chủ yếu được bán để sử dụng làm thuốc cổ truyền Trung Quốc hoặc làm mồi câu cá.
Theo ông Yang Jin, một nhà sinh vật học của Đại học Tam Hiệp Trung Quốc ở Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc miền trung Trung Quốc, cho biết kích điện để đào giun làm phá hủy sự cân bằng sinh thái khi giết chết tất cả các sinh vật nhỏ khác sống trong đất, cũng như loại bỏ loài giun cũng có tầm quan trọng riêng của chúng.
Nếu giun và các động vật khác đều bị giết, đất sẽ mất dinh dưỡng và trở nên cứng. Về lâu dài, vùng đất đó sẽ không thể trồng được và sẽ bị chết.
Vietnamnet dẫn lời ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, Cục Trồng trọt đã có văn bản đề nghị kiểm tra, rà soát phát hiện và xử lý ngăn chặn hoạt động sử dụng kích điện đánh bắt giun đất.
Trong đó nêu rõ, hành động tận diệt giun đất và các sinh vật có ích khác trong đất, làm giảm chất lượng đất đất canh tác, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng phát triển của cây trồng. Không chỉ vật, hoạt động này nguy hiểm, dễ gây tai nạn ảnh hưởng đến tính mạng của con người và động vật.
Cục Trồng trọt đề nghị Sở NN-PTNT các địa phương kiểm tra, rà soát phát hiện và xử lý ngăn chặn hoạt động trên. Đồng thời, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là những người trực tiếp có hành động kích điện giun đất, các cơ sở, hộ gia đình sơ chế, thu mua, buôn bán giun đất.
Khuyến khích người dân tích cực phát giác, thông báo cho lực lượng chức năng khi phát hiện hoạt động kích điện, sơ chế giun đất trái phép để có biện pháp xử lý vi phạm.
Lãnh đạo Cục Trồng trọt cho rằng, cần hoàn chỉnh, bổ sung các hành vi hủy hoại đất trong các văn bản pháp luật về đất đai, môi trường, nhất là khi chúng ta đang sửa đổi bổ sung Luật Đất đai 2013.
Riêng về giun đất, ông Nguyễn Như Cường khẳng định, đây không phải động vật quý hiếm. Do đó, nếu thị trường có nhu cầu cần thực hiện các chương trình, dự án nhân nuôi quy mô lớn. Đây cũng có thể là một hướng phát triển kinh tế mới.
Thùy Dung (T/h)