Có lẽ không một ai cảm thấy vui vẻ khi nghe tin Microsoft sẽ chấm dứt cuộc hành trình vào thế giới smartphone.
Vì sao Microsoft thất bại?
Thế nhưng điều đó cuối cùng đã trở thành hiện thực, Joe Belfiore – Phó chủ tịch phát triển mảng Windows của Microsoft – vừa đưa ra một thông báo trên Twitter để trả lời cho những thắc mắc của người dùng về số phận của Windows Phone cũng như chia sẻ về sự thay đổi chiến lược của Microsoft.
“Chúng tôi vẫn sẽ hỗ trợ Windows 10 Mobile trong việc sửa lỗi, cập nhật bảo mật,... nhưng sẽ không còn tập trung xây dựng các tính năng mới nữa”.
Thông báo này của Joe Belfiore bất ngờ được đưa ra dù chỉ vài ngày trước đó Microsoft còn hứa hẹn trên The Register rằng họ sẽ tiếp tục phát triển Windows 10 Mobile và hỗ trợ các điện thoại Lumia như Lumia 650, Lumia 950 và 950XL cũng như các thiết bị từ đối tác OEM.
Thực tế mà nói, thị phần của Windows Phone và Windows 10 Mobile trên di động đã “teo tóp” đến mức gần như bằng không trong nhiều năm, và cái chết của nền tảng này là điều đã được báo trước. Lý do đã được Joe Belfiore xác nhận – rất đơn giản – đó là không có đủ ứng dụng:
“Chúng tôi đã cố hết sức mình để thúc đẩy các nhà phát triển, từ việc chi tiền, viết ứng dụng hỗ trợ họ, nhưng do số lượng người dùng quá ít nên hầu hết các công ty đều không muốn đầu tư”.
Không chỉ Windows Phone, tất cả những hệ điều hành thất bại trong quá khứ đều gặp vấn đề với việc lôi kéo lập trình viên phát triển ứng dụng, qua đó thúc đẩy sự phát triển. Từ webOS của Palm, nhiều nhánh của Linux (tất nhiên không có Android) đến BlackBerry 10,... có chung số phận và chết dần với một kho ứng dụng nghèo nàn, thiếu các ứng dụng cơ bản cũng như các trò chơi có thể thu hút người dùng.
Chúng ta đã từng nghe nhiều chuyên gia nói về việc Microsoft đã quá chậm chân trong lĩnh vực smartphone. Trong khi iOS và Android đã xây dựng được một hệ sinh thái với hàng trăm ngàn ứng dụng, hàng triệu nhà phát triển và số lượng người dùng tới con số vài tỷ thì cơ hội nào cho Windows Phone có thể chen chân vào?
Thay vì viết một ứng dụng mới cho Windows Phone và... chờ vào vận may, các lập trình viên có thể thu tiền ngay lập tức với một ứng dụng tương tự cho iOS hay Android, vì thế họ đâu cần mặn mà với hệ điều hành của Microsoft.
Trong hoàn cảnh đó, việc Microsoft tung ra một chiếc smartphone cao cấp cỡ như Lumia 950 trước đây hay Surface Phone như kỳ vọng của các fan là bất khả thi. Rất khó để tạo lợi nhuận từ việc bán một sản phẩm chạy Windows Phone hay Windows 10 Mobile với tình cảnh của hệ điều hành này, trong khi quá trình nghiên cứu, chế tạo cực kì tốn kém. Do đó không khó hiểu khi gần 2 năm qua Microsoft không tung ra một thiết bị di động mới nào.
Quá khứ đầy tham vọng
Khi Microsoft mua lại Nokia, rất nhiều người kỳ vọng vào một tương lai xán lạn cho sự kết hợp này. Một bên là nhà phát triển phần mềm hàng đầu thế giới, còn bên kia là hãng sản xuất phần cứng điện thoại với hàng chục năm kinh nghiệm và đã từng thống trị thị trường trong một thời gian dài.
Những chiếc điện thoại Nokia chạy Windows Phone 7 bắt đầu xuất hiện, được giới công nghệ đánh giá rất cao. Nhiều người còn “mạnh miệng” đưa ra dự đoán Windows Phone và Nokia sẽ vượt mặt iPhone trong năm 2015. Nhưng “đời đâu như mơ”!
Vấn đề mà chúng ta vừa nêu ra ở trên cần được nói lại một lần nữa: số lượng ứng dụng không phát triển như kỳ vọng. Thời gian dần trôi qua, hết cuộc họp báo này đến cuộc họp báo khác và Microsoft cũng như Nokia cứ nói đi nói lại về việc Windows Phone đang có được bao nhiêu ứng dụng trong top 50 của Apple Store. Đúng là các ứng dụng này có xuất hiện, nhưng chất lượng thì bèo nhèo và không được hỗ trợ đến nơi đến chốn.
Điều đáng nói là lượng bán ra của các thiết bị chạy Windows Phone không thề tệ. Từ con số không, Windows Phone trở thành một trong những nền tảng hệ điều hành phổ biến nhất thế giới và đó là thành tựu rất đáng ghi nhận.
Nhưng thiết bị dẫn đầu thị trường lại là Nokia Lumia 520, sản phẩm giá rẻ ra mắt vào năm 2013. Chiếc smartphone này có mức giá rất hấp dẫn so với cấu hình và đem lại trải nghiệm mượt mà tương tự như các điện thoại có giá gấp 4 lần.
Và vấn đề đến từ đây. Các nhà phát triển làm ứng dụng cho một nền tảng chỉ toàn thiết bị rẻ tiền và cấu hình thấp. Khỏi phải nói, người dùng của nền tảng này cũng toàn những người... tiết kiệm trong việc mua ứng dụng giống như chiếc điện thoại mà họ mua. Lại thêm một lý do nữa để Windows Phone không thể phát triển kho ứng dụng. Và việc hệ điều hành này đi đến kết cục ngày hôm nay là tất yếu!
Tuy nhiên, Microsoft rút chân khỏi thị trường thiết bị di động, chứ không phải thị trường phần mềm di động. CEO của hãng - Satya Nadella từ lâu đã chuyển hướng cung cấp dịch vụ và ứng dụng cho các nền tảng đối thủ.
Chẳng hạn như Samsung Galaxy S8 được bán ra với phần mềm Office cài sẵn, hay thỏa thuận mới đây của Microsoft với Apple trong việc ra mắt phần mềm làm việc cho iPad Pro. Từ kẻ đối đầu, giờ đây Microsoft trở thành đối tác của Android và iOS, và điều này giúp họ thu về nhiều lợi ích hơn là chạy đua phát triển Windows Phone.
Do đó, cái chết của Windows Phone hay Windows 10 Mobile không có gì phải hối tiếc!
Ngọc Quang