Trong những tuần qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhiều lần tuyên bố không ủng hộ Phần Lan và Thuỵ Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nguyên nhân là bởi Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc 2 quốc gia Bắc Âu, đặc biệt là Thuỵ Điển, có liên hệ với các chiến binh người Kurd, vốn bị Ankara coi là một mối đe doạ an ninh.
Được biết, những người Kurd thường sinh sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iran và Iraq nhưng không có nhà nước riêng của họ. Trước đây, Tổng thống Erdogan đã đe dọa tiến hành cuộc tấn công vào Syria để đối đầu với Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân Người Kurd ở Syria (YPG), tổ chức được coi một phần của đảng Công nhân Kurdistan của Thổ Nhĩ Kỳ (PKK) từng cầm vũ khí chống lại Ankara vào năm 1984.
Tuy nhiên, YPG được cho là đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến đẩy lùi tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo Tự xưng (IS) ở Đông Bắc Syria. Điều này khiến nhiều chuyên gia cho rằng các nước phương Tây bao gồm Mỹ và ngay cả Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có phần lưỡng lự trong việc khống chế hoàn toàn nhóm này.
Ông Sam Heller, một thành viên của Tổ chức Thế kỷ, nhận xét việc từ bỏ hẳn lực lượng người Kurd ở Syria "có thể sẽ dẫn đến sự sụp đổ và bạo lực hỗn loạn như những gì đã xảy Afghanistan năm ngoái".
Ankara từ lâu đã phản đối sự hỗ trợ của phương Tây dành cho YPG, vì nhóm có quan hệ chặt chẽ với PKK. Việc này thậm chí còn từng khiến quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước thành viên NATO.
Được biết, Mỹ đã nỗ lực để khiến Thổ Nhĩ Kỳ có cái nhìn mềm mỏng hơn bằng cách thành lập Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), một tổ chức bảo trợ do người Kurd lãnh đạo. Mỹ và nhiều nước phương Tây khác bao gồm Thuỵ Điển đã ủng hộ lực lượng này. Với sự hỗ trợ này, SDF đã đẩy lùi IS vào năm 2019.
Theo ông Heller, hiện nay Mỹ vẫn tiếp tục dựa vào SDF để thực hiện các hoạt động chống lại IS, ổn định khu vực hậu IS và ngăn chặn sự trỗi dậy của phong trào khủng bố. Dù lực lượng IS giờ đã suy yếu hơn nhiều so với trước đây nhưng vẫn có thể gây ra một vài cuộc tấn công khủng bố riêng lẻ ở phía Bắc Syria.
Liên quân do Mỹ dẫn đầu ước tính có khoảng 8.000 đến 16.000 chiến binh vẫn hoạt động ở Syria và Iraq. Khoảng 10.000 người nghi là phần tử IS và hàng nghìn thành viên khác trong gia đình của họ đang bị giam trong các nhà tù và trại do lực lượng SDF điều hành. Các quan chức cấp cao của người Kurd trong nhiều năm đã cảnh báo rằng các cơ sở giam giữ này không được trang bị đầy đủ và rất dễ bị tấn công. Vào tháng 1, IS đã tiến hành cuộc vượt ngục ở Hasakeh, cuộc tấn công nghiêm trọng nhất của nhóm ở Syria trong nhiều năm. Vụ việc đã gây ra trận chiến kéo dài 10 ngày.
Trong nỗ lực thúc đẩy hoạt động kinh tế, Washington tháng trước đã cho phép tiến hành một số khoản đầu tư nước ngoài vào các khu vực do SDF kiểm soát. Các quan chức Mỹ cho biết họ đã tham khảo ý kiến của Ankara về động thái này. Tuy nhiên, ông Heller nhận xét: "Tôi biết Thổ Nhĩ Kỳ đã không hài lòng về điều đó. Họ đã bày tỏ thái độ với Mỹ và những quốc gia khác".
Hồi tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ sẽ không vội vàng đảo ngược quyền phủ quyết của mình đối với việc Phần Lan và Thuỵ Điển gia nhập NATO. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ mong đợi hai quốc gia Bắc Âu sẽ có "những hành động cụ thể đầu tiên" về các yêu cầu của họ bao gồm việc công nhận YPG là "khủng bố".
Câu hỏi đặt ra là sự hỗ trợ của phương Tây đối với YPG sẽ tiếp tục ảnh hưởng thế nào đến các mối quan hệ giữa các đối tác NATO. Bà Dareen Khalifa, nhà phân tích cấp cao về Syria tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế chia sẻ: "Đó là một lỗ hổng bảo mật cần được giải quyết".
Minh Hạnh (Theo Financial Times)