(ĐSPL) - Giá vàng trong nước khó nắm bắt khiến các chuyên gia khuyên nhà đầu tư không nên "đổ tiền" vào vàng. Trong khi đó, trên thế giới, các nhà đầu tư đua nhau gom thêm vàng vào danh mục đầu tư để bảo vệ chính mình...
Giá vàng trong nước khó nắm bắt: Không nên đầu tư vào vàng?
Giá vàng lên xuống thất thường trong tháng qua, tuy nhiên mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới lại được thu hẹp, đâu mới là tín hiệu cho giới kinh doanh vàng?
Từ mốc 1.348 USD/ounce vàng thế giới đã thẳng tiến mốc 1.360 USD/ounce trước khi giảm về mức 1.357,7 USD/ounce. Tính đến ngày 2-8, quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 36,55 triệu đồng/lượng.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng trong nước chỉ còn cao hơn 300.000 đồng/lượng. Mức chênh lệch này chỉ bằng 1/3 so với ba tuần trước.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên viện phó Viện Nghiên cứu thị trường giá cả trao đổi trên báo Tuổi trẻ, khoảng cách giữa giá vàng trong nước - thế giới được thu hẹp, giá vàng mua và bán lại chênh lệch không nhiều, điều này nói lên một điều là tình hình giá vàng trong nước đang ổn định.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Thanh Hải - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh vàng VN (VGB) - cho rằng chênh lệch hiện nay giữa giá vàng trong nước - thế giới (chênh lệch khoảng 200.000 đồng/lượng) và giá mua - giá bán (chênh lệch khoảng 300.000 đồng/lượng) là không đáng kể.
“So với cách đây một tháng, khi giá mua và bán chênh nhau 1 triệu đồng/lượng thì chênh lệch hiện nay là hợp lý” - ông Hải nhận xét.
Lý giải về hai sự thu hẹp khoảng cách này, ông Trần Thanh Hải cho rằng do độ giao động của giá vàng trong nước hiện nay không còn cao, biến động Brexit và việc tăng lãi suất của FED (Cục Dự trữ liên bang Mỹ) cũng không còn là yếu tố bất ngờ.
“Không còn rủi ro để phòng thủ nữa, các doanh nghiệp vàng và các ngân hàng chủ động duy trì mức giá trong nước gần với mức giá thế giới, cũng như thu hẹp khoảng cách giữa giá mua và giá bán.
Thêm vào đó, giá vàng hiện đang cao, mức giá lại có lợi cho cả người mua lẫn người bán cũng là một lý do chênh lệch bị thu hẹp” - ông Trần Thanh Hải phân tích.
Về việc giá vàng hiện nay biến động thất thường, ông Trần Thanh Hải cho rằng: Một mặt, vàng chịu tác động giảm giá bởi FED có kế hoạch tăng lãi suất đồng đôla Mỹ.
Mặt khác, sự kiện Brexit cùng với hiện tượng mất cân đối tiền mặt giữa đồng bảng Anh, đồng euro và yen Nhật làm người dân và các tổ chức tài chính, các ngân hàng thương mại hạn chế nắm giữ các đồng này và chuyển sang những tài sản khác an toàn hơn, đó là vàng và đôla Mỹ. Chính điều này lại làm vàng tăng giá.
“Như vậy, hai động thái ngược chiều nhau như trên đã làm giá vàng thế giới biến động thất thường trong thời gian gần đây. Giá vàng trong nước cũng từ đó mà biến động vì chịu ảnh hưởng trực tiếp và toàn diện từ giá vàng thế giới” - ông Trần Thanh Hải nói.
Theo chuyên gia kinh tế, trong tình hình chống vàng hóa hiện nay, đầu tư vào vàng lúc nào cũng có rủi ro lớn. Chỉ những người am hiểu, chuyên kinh doanh vàng thì mới nên đầu tư. (Ảnh minh họa). |
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng sự biến động thất thường của giá vàng hiện nay còn do những yếu tố mang tính bột phát như yếu tố tâm lý của người mua và người bán, yếu tố đầu cơ, yếu tố tình thế…
Theo ông Trần Thanh Hải, tuy giá vàng đang ở mức cao, chênh lệch ít, nhưng đây là cách thức đầu tư rủi ro, giá vàng trồi sụt thất thường, hơn nữa lại có yếu tố tiền tệ - yếu tố thay đổi hằng ngày, cho nên việc kinh doanh đầu tư vàng chỉ nên dừng ở mức ngắn hạn.
“Trong tình hình hiện nay chỉ nên mua bán vàng trong thời gian ngắn, một vài tuần là tốt. Còn người mua vàng để tích trữ lâu dài thì chưa nên vì yếu tố khiến giá vàng thế giới giảm vẫn còn chực chờ khi FED còn để ngỏ khả năng nâng lãi suất đồng đôla Mỹ” - ông Hải đưa ra lời khuyên.
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, trong tình hình chống vàng hóa hiện nay, đầu tư vào vàng lúc nào cũng có rủi ro lớn. Chỉ những người am hiểu, chuyên kinh doanh vàng thì mới nên đầu tư.
“Nhà nước đã ban hành nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trong đó thể hiện mục tiêu chống vàng hóa, không khuyến khích người dân đầu tư vào vàng” - ông Ngô Trí Long nói.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Thanh Hải cho rằng việc chống vàng hóa phải được thực hiện quyết liệt tuy còn rất nhiều khó khăn.
“Văn hóa VN bao đời nay có truyền thống cất giữ vàng. Hiện nay đa số người dân lại chưa nghiên cứu sâu để chơi chứng khoán và chưa có nhiều tiền để đầu tư vào bất động sản, do vậy vàng là kênh đầu tư đáp ứng được mong mỏi của đa số người dân, đặc biệt là ở những vùng nông thôn.
Câu chuyện huy động vàng trong dân đã 4 năm rồi vẫn còn bỏ ngỏ. Giới kinh doanh vàng vẫn đang chờ đợi câu trả lời của Ngân hàng Nhà nước VN về vấn đề này” - ông Trần Thanh Hải nói.
Các chuyên gia cũng cho rằng hiện tượng vàng hóa, vàng tích trữ nhiều trong dân có ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế, tăng lạm phát, làm thị trường ngoại hối không ổn định, tác động xấu đến cán cân thương mại, cán cân thanh toán.
Việc chống vàng hóa sẽ làm giảm khả năng đầu cơ, thao túng thị trường trên thị trường vàng.
Thị trường thế giới: Vàng vào danh mục đầu tư để bảo vệ chính mình
Một cơn bão hoàn hảo’ xuất hiện trên thị trường đã khiến các nhà đầu tư đua nhau gom thêm vàng vào danh mục đầu tư để bảo vệ chính mình, theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC).
Các nhà đầu tư có một lựa chọn hàng đầu và tương đối an toàn là trái phiếu chính phủ của các nền kinh tế phát triển, nhưng điều đó đã bị bóp méo bởi ‘chính sách tiền tệ bất thường’, WGC cho biết trong bản cập nhật thị trường cho tháng Tám.
Lợi suất trái phiếu chính phủ tại các nền kinh tế phát đang có xu hướng thấp hơn, bởi nhu cầu tăng lên.
Những đơn vị đầy quyền lực như Ngân hàng Trung ương châu Âu đang thúc đẩy nhu cầu này thông qua việc mua trái phiếu của mình và kết quả là khiến lợi suất trái phiếu giảm.
Khi giá trái phiếu tăng, lợi tức của chúng giảm. Và cách tiếp cận chính sách này của các Ngân hàng trung ương đã khiến các nhà đầu tư phải đặt câu hỏi về tính hiệu quả các tài sản đầu tư ở nơi khác, ví dụ như vàng.
Giá vàng đã tăng 27\% trong năm nay, vượt xa nhiều mặt hàng khác và chỉ số S & P 500.
Hội đồng Vàng sử dụng sự yếu đi của trái phiếu Ngân hàng trung ương Nhật Bản như là một ví dụ về những gì mà các nhà đầu tư nhận định về các Ngân hàng trung ương.
Ngày 2/8, một cuộc đấu giá trái phiếu 10 năm của Nhật Bản đã thu hút nhu cầu yếu nhất trong 5 tháng gần đây. Đó là sau khi Nhật Bản công bố gói kích thích kinh tế trị giá trên 28 nghìn tỷ Yên (tương đương 275 tỷ USD) nhưng vẫn khiêm tốn hơn so với thị trường đã kỳ vọng.
Hội đồng vàng thế giới, đơn vị bảo trợ SPDR Gold Trust, một trong những quỹ giao dịch lớn nhất trên thế giới bảo đảm bằng vàng, lập luận:
“Nhiều nhà phân tích giải thích nhu cầu trái phiếu Chính phủ Nhật Bản yếu như một tín hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang bắt đầu mất niềm tin vào hiệu quả của chính sách tiền tệ bất thường, sau khi một loạt các Ngân hàng trung ương hành động nhằm hồi phục kinh tế toàn cầu. Trong môi trường này, chúng tôi tin rằng các nhà đầu tư đang sử dụng vàng để phòng ngừa rủi ro trong danh mục đầu tư khi họ mua thêm cổ phiếu”.
WGC cho biết, khi các ngân hàng trung ương bổ sung thêm trái phiếu trong bảng cân đối của họ, họ đang hạn chế số tiền có sẵn cho các nhà đầu tư.
“Trong thực tế, chúng tôi ước tính rằng ít hơn 40\% trái phiếu quốc tế của các thị trường phát triển (10 nghìn tỷ USD) có lợi suất dương và ‘có sẵn’ cho nhà đầu tư, trong đó chỉ có 17\% (4,4 nghìn tỷ USD) có lợi suất hơn 1\%”, WGC cho biết.
“Theo quan điểm của chúng tôi, chi phí cơ hội thấp hơn và sự hạn chế các tài sản đầu tư sẵn có, lần lượt đều giúp gia tăng đáng kể sự hấp dẫn của vàng”.
Tuyết Mai (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin