+Aa-
    Zalo

    Vì sao Giáng sinh nhất định phải có cây thông Noel?

    (ĐS&PL) - Từ lâu cây thông Noel đã được coi là biểu tượng của Giáng sinh nhưng không phải ai cũng biết lý do.

    Giáng sinh diễn ra vào mùa đông với thời tiết lạnh lẽo và khắc nghiệt, đặc biệt ở các nước phương Tây còn có tuyết rơi, nhiệt độ hạ xuống sâu. Trong khi các loại cây khác khô héo, thiếu sức sống, cây thông vẫn giữ được sắc xanh và vẻ tươi tốt.

    Màu xanh được coi là biểu tượng của sự sống nên người cổ đại coi đây là loại cây phục sinh. Đây cũng là lý do vì sao cây thông được chọn làm biểu tượng của ngày lễ Giáng sinh. Cây tượng trưng cho sự phục hồi lại năng lượng và thể hiện tình yêu thương vô bờ mà Thiên Chúa dành cho loài người.

    Có nhiều mối liên hệ thú vị giữa cây thông với các truyền thống cổ đại như phong tục ở Ai Cập và La Mã. Thế nhưng, đa số các học giả đều cho rằng cây thông Noel có nguồn gốc từ nước Đức.

    Theo truyền thuyết phổ biến nhất về nguồn gốc của cây thông, vào năm 722, Thánh Boniface - vị tông đồ người Đức - đã bắt gặp một số người theo tà đạo định tế sống một đứa trẻ dưới gốc cây sồi thần linh khổng lồ và già nua ở Geismar.

    Ngài đã chặt cây sồi để ngăn cản, rồi từ chính gốc sồi đó đã mọc lên một cây thông. Thánh Boniface nói rằng cây thông xanh với các nhánh hướng lên trời là một cây thánh, cây của chúa Jesus, tượng trưng cho quyền uy của Thiên chúa.

    vi sao giang sinh nhat dinh phai co cay thong noel
    Cây thông được coi là biểu tượng của ngày lễ Giáng sinh. Ảnh minh họa: Getty Images

    Một câu chuyện khác kể rằng, vào đêm Noel giá rét, người tiều phu nghèo gặp một đứa bé đói lả, run cầm cầm vì rét trên đường đi làm về. Tuy không dư dả nhưng ông vẫn quyết định dắt đứa bé về nhà và tiếp đã một bữa ngon.

    Sáng hôm sau, trước khi đi, đứa trẻ đã bẻ một nhành liễu tặng ông và nói: “Ngày này mỗi năm, lễ vật đầy cành, xin được để lại cành cây tốt đẹp này để báo đáp ý tốt của ông”. Đứa trẻ vừa đi mất, nhánh cây đột nhiên biến thành một cái cây nhỏ. Lúc này, người tiều phu mới nhận ra mình vừa tiếp đã thiên sứ của Chúa.

    Vào thời Trung cổ, cây thông còn được gọi là cây thiên đường, cũng được coi là biểu tượng của ngày hội Adam và Eva 24/12. Có truyền thuyết kể rằng, cây thông là loài cây mà Adam và Eva mang theo khi rời khỏi vườn địa đàng nhằm tự nhắc nhở bản thân về sai lầm ăn trái cấm, đồng thời mong chờ ngày được quay lại nơi nhà Cha yêu dấu. Câu chuyện trên giải thích lý do mọi người trang trí trên cây thông những trái táo đỏ - biểu tượng cho tình yêu của Adam và Eva.

    Những năm 1840 – 1850, Nữ hoàng Anh Victoria và Hoàng tử Albert đã trang trí một cây thông. Kể từ đó, vì tình yêu dành cho Nữ hoàng, người dân Anh cũng trang trí cây thông Noel, khiến loại cây này trở nên phổ biến ở xứ sở sương mù.

    Một câu chuyện khác về nguồn gốc của cây Giáng sinh cho hay, vào cuối thời Trung cổ, người Đức và người Scandinavia thường để cây thông trong nhà của họ hoặc ngay bên ngoài cửa để thể hiện hy vọng rằng mùa xuân sẽ đến sớm.

    Có một truyền thuyết chưa được chứng minh kể, Martin Luther là người “phát minh” ra cây thông Noel. Cụ thể, khoảng năm 1500, vào một đêm Giáng sinh, Martin Luther đi bộ qua khu rừng phủ đầy tuyết và bị vẻ đẹp của những cây tuyết lấp lánh thu hút. Cành cây của chúng phủ đầy tuyết, lung linh dưới ánh trăng. Về đến nhà, ông dựng một cây linh sam nhỏ và chia sẻ câu chuyện với các con. Ông trang trí cây Noel bằng những ngọn nến nhỏ mà ông thắp lên để kỷ niệm ngày sinh của Chúa Jesus.

    Theo nghiên cứu về phong tục của các nền văn hóa khác nhau, cây thông được đưa vào nhà vào thời điểm đông chí, tượng trưng cho cuộc sống ở giữa cái chết trong nhiều nền văn hóa. Người La Mã được biết đến với những ngôi nhà trang trí cây thông trong ngày 15/1 theo lịch La Mã cổ đại.

    Liên quan đến việc treo ngôi sao trên đỉnh cây thông, thói quen này xuất hiện từ đầu thế kỷ 14, nhằm tưởng nhớ đến ngôi sao dẫn đường cho Ba Vua từ phương Đông tìm đến hang Bethlehem và thờ phụng chúa Jesus, minh chứng cho tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa dành cho loài người.

    Nhìn chung, dù có bao nhiều truyền thuyết hay suy đoán về nguồn gốc của cây thông Noel, loại cây này vẫn có ý nghĩa quan trọng trong lễ Giáng sinh. Màu xanh của cây đại diện cho sự kết thúc của một năm đủ đầy và chào đón một năm mới đầy hy vọng.

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-giang-sinh-nhat-dinh-phai-co-cay-thong-noel-a559559.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Cùng khám phá chợ giáng sinh thú vị nhất thế giới

    Cùng khám phá chợ giáng sinh thú vị nhất thế giới

    Chợ Giáng sinh "Les Plaisirs d'Hiver" ở Bỉ là một sự kiện đặc biệt chỉ được tổ chức để chuẩn bị cho một ngày lễ lớn- Lễ Giáng sinh. Và năm nay, chợ Giáng sinh Brussels, mở cửa từ ngày 25/11 đến ngày 1/1/2023, dự kiến sẽ thu hút 2,4 triệu lượt khách.