Ngày 16/7, Bộ Tài chính đã có phản hồi chính thức về thuế nhập khẩu xăng dầu trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước tăng liên tục trong thời gian qua. Ngoài ra, ông Ngô Hữu Lợi, vụ trưởng cụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cũng chia sẻ quan điểm vì sao giá xăng Việt Nam mắc hơn giá xăng ở Mỹ khoảng 4000 đồng.
Ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, mỗi lần điều chỉnh giá xăng dầu, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đều công bố công khai các yếu tố liên quan như diễn biến giá thế giới, công thức tính giá theo quy định, tình hình trích và sử dụng Quỹ bình ổn giá và mức trích lợi nhuận định mức.
Ảnh minh họa. |
Riêng về thuế nhập khẩu, theo Luật thuế xuất nhập khẩu thì mức thuế nhập khẩu quy định đối với xăng dầu tối đa là 40\%. “Nếu theo Barem và mức giá xăng dầu thế giới thời gian qua và hiện nay thì mức thuế nhập khẩu phải là 20\% nhưng mức thuế nhập khẩu hiện hành đối với xăng là 18\%, còn dầu là 14\%-16\% (tuỳ loại). Như vậy, vẫn thấp hơn mức thuế nhập khẩu công bố của Barem và thấp hơn nhiều mức tối đa do Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định”- ông Lợi lí giải.
Theo vị này, mỗi nước có các loại thuế, phí áp dụng đối với xăng dầu khác nhau, ngoài thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt,... một số nước có chung đường biên giới với Việt Nam còn áp dụng thêm các loại thuế, phí đặc thù khác đối với xăng dầu như: Trung Quốc có thêm thuế giáo dục, thuế kiến thiết; Lào có thêm phí cầu đường, phí rủi ro doanh nghiệp và chi phí hao phí; Campuchia có thêm phụ thu. Nếu tính bình quân thì tỉ lệ thuế, phí chiếm trong giá bán xăng dầu của Việt Nam thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới với Việt Nam hoặc nước có điều kiện tương đồng.
Cụ thể đối với mặt hàng xăng: Ở Việt Nam tỉ lệ thuế chiếm 32\% trong giá bán, thấp hơn so với mức 36,12\% của Lào; mức 35,91\% của Thái Lan và mức 33,95\% của Trung Quốc. Đối với mặt hàng dầu diesel, tỉ lệ thuế ở Việt Nam chỉ chiếm có 21\% trong giá bán nên giá cũng thấp hơn các nước này. Nếu Việt Nam lại điều chỉnh giảm thuế thì sẽ lại phát sinh tình trạng buôn lậu như đã từng xảy ra.
Về định hướng trong thời gian tới, ông Lợi cho biêt, thuế nhập khẩu xăng dầu cần tiếp tục giữ ổn định. Đây là yêu cầu cần thiết để giá xăng dầu có thể theo cơ chế thị trường. Ngoài việc tránh buôn lậu sang các nước có giá bán thấp hơn, còn để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng có sự chủ động cho kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.
Có ý kiến cho rằng giá xăng dầu ở Việt Nam cao hơn so với Mỹ khoảng trên dưới 4.000 đồng, vậy ông có bình luận gì về sự so sánh này? +Ông Ngô Hữu Lợi: Đúng là giá xăng dầu ở Mỹ thấp hơn Việt Nam nhưng để so sánh, cần phải xem xét nhiều yếu tố và những đặc thù khác nhau chứ không chỉ đơn thuần về mức giá: Thứ nhất, về điều kiện tự nhiên và xã hội: Mỹ là nước có nguồn tài nguyên dầu mỏ lớn và ngành lọc hoá dầu phát triển rất mạnh nên là nước xuất khẩu xăng dầu thành phẩm lớn. Đồng thời, cũng là nước có dự trữ xăng dầu lớn nhất thế giới trong khi Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 70\% nhu cầu tiêu dùng xăng dầu. Thứ hai, về căn cứ xác định mức giá cũng khác biệt như: Giá xăng dầu ở Mỹ thay đổi từng ngày, thậm chí theo giờ như giá buổi sáng có thể khác buổi chiều. Trong khi Việt Nam là tính bình quân 30 ngày (của dự trữ lưu thông xăng dầu) và thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá chỉ được thực hiện tối thiểu là 10 ngày đối với trường hợp tăng giá. Thứ ba, cơ cấu và mức giá xăng dầu giữa các Bang của nước Mỹ cũng rất khác nhau, cụ thể như: tại thời điểm ngày 14-7-2014, giá xăng dầu tại các Bang quy đổi theo đơn vị lít và tính theo VNĐ như sau: Califonia: 23.196 đồng/lít; Washington: 22.447 đồng/lít; New York: 21.880 đồng/lít; Colorado: 20.410 đồng/lít; Texas: 19.697 đồng/lít. Như vậy, không thể và không nên chỉ so sánh đơn thuần về mức giá bán xăng dầu của Việt Nam với một số nước đặc thù khác như Mỹ. Cũng có ý kiến cho rằng nhưng thu nhập bình quân của người dân Mỹ cao hơn nhiều, điều đó cũng đúng nhưng sự so sánh vẫn không có nhiều ý nghĩa. Chắc các bạn cũng đồng ý với tôi rằng, người dân ở một số nước Châu Phi dù có thu nhập thấp hơn ở Việt Nam nhiều thì cũng không nên so sánh giá gạo ở nước họ với giá gạo ở ĐBSCL. |