+Aa-
    Zalo

    Vì sao giá tham chiếu trong các phiên đấu thầu vàng khá cao?

    (ĐS&PL) - Trong các phiên đấu thầu vàng vừa qua, Ngân hàng Nhà nước luôn đưa ra giá tham chiếu rất cao và bám khá sát giá vàng SJC trên thị trường.

    Theo báo Pháp luật TP.HCM, trong 6 phiên đấu thầu vàng SJC vừa qua, Ngân hàng Nhà nước luôn đưa ra giá tham chiếu rất cao và bám khá sát giá vàng SJC trên thị trường.

    Trước hết, nhìn về đấu thầu vàng năm 2013 với tổng cộng 76 phiên đấu giá và bán ra 1.819.900 lượng vàng (khoảng 70 tấn), trị giá 3 tỉ USD, đã giúp thu hẹp chênh lệch vàng trong nước và thế giới.

    Sự thành công này của Ngân hàng Nhà nước nhờ vào năm 2013, giá vàng thế giới có xu hướng giảm.

    Giá vàng SJC tăng cao kỷ lục.

    Giá vàng SJC tăng cao kỷ lục.

    Đấu thầu vàng lúc bấy giờ nhằm mục đích tăng nguồn cung nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế về vàng, đặc biệt là để các ngân hàng thương mại đóng trạng thái âm.

    Năm 2024, đấu thầu vàng diễn ra trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng cao. Kinh tế Việt Nam đối diện với tỉ giá căng thẳng, thị trường bất động sản chưa ấm lên, lãi suất tiền gửi tiết kiệm thấp, chứng khoán chưa nhiều sôi động.Điều này đã làm thay đổi chiến lược đấu thầu vàng năm 2024 của Ngân hàng Nhà nước.

    Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước trong đấu thầu vàng SJC là đưa nguồn cung vàng ra thị trường. Sau 3 phiên đấu thầu thất bại, thì các phiên còn lại với sự điều chỉnh điều kiện đấu thầu hợp lý hơn thì nguồn cung vàng bắt đầu gia tăng với 14.100 lượng vàng SJC đã được đưa ra thị trường.

    Chiến lược này có thể giảm thiểu việc tích trữ đầu cơ và giảm sự khan hiếm vàng vật chất trên thị trường.

    Nếu năm 2013, trong các đợt đấu thầu vàng SJC, Ngân hàng Nhà nước thường đưa ra mức giá chỉ cao hơn vài triệu đồng so với giá vàng thế giới, thì lần này lại khác.

    Về giá, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể thiết lập mức giá tham chiếu hợp lý nhưng các điều kiện lúc này chưa thể thực hiện.

    Vì nếu để giá quá sát với giá vàng thế giới, sẽ kích hoạt lực mua vàng của thị trường trong bối cảnh các lĩnh vực đầu tư chưa hấp dẫn và lãi suất tiền gửi tiết kiệm đang thấp, chưa kể kỳ vọng giá vàng còn tăng cao trong tương lai nhờ vào giá vàng thế giới được dự báo tăng mạnh.

    Một khi lực mua vàng tăng mạnh, khả năng vàng hóa trong nền kinh tế có thể diễn ra. Việc người dân xếp hàng đi mua vàng khi giá vàng cao đỉnh điểm và người dân mua bán vàng của nhau ngay trên vỉa hè, quán cà phê có thể chứng minh sự manh nha cho điều này.

    Nếu vàng hóa quay trở lại, Ngân hàng Nhà nước sẽ càng vất vả hơn trong việc điều hành chính sách tiền tệ.

    Theo chuyên trang Đầu tư chứng khoán, ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam cũng cho rằng, đấu thầu vàng không cẩn thận sẽ gây ra tác dụng ngược.

    Giá tham chiếu trong các phiên đấu thầu mà NHNN đưa ra cũng cao hơn giá vàng trên thị trường, nên kết quả trúng thầu thấp, lượng vàng đưa ra thị trường ít, khó đáp ứng được nguồn cung. Từ đó, tạo tâm lý thị trường càng kỳ vọng giá vàng sẽ tiếp tục tăng, khiến nhiều người chưa mua được vàng đứng ngồi không yên. Không loại trừ việc một số người đã rút tiền mua vàng, song để mua được lượng vàng miếng SJC lớn trong bối cảnh hiện nay cũng không dễ. Bởi cung vàng SJC trên thị trường khan hiếm, ít người bán, nên doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng không còn nhiều hàng để đáp ứng hết cầu vàng miếng SJC của khách hàng.

    Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 213/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.

    Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu NHNN khẩn trương rà soát, đánh giá toàn diện kết quả triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian qua và diễn biến thị trường trong nước, quốc tế để thực hiện kịp thời hơn, hiệu quả hơn các giải pháp, công cụ điều hành theo quy định pháp luật để ổn định, bình ổn ngay thị trường vàng theo mục tiêu đề ra, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, sát với tình hình thực tiễn hoạt động của thị trường vàng.

    Khắc phục ngay tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, hiệu quả, lành mạnh, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, không để vàng hóa nền kinh tế và ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.

    NHNN khẩn trương thực hiện ngay việc thanh, kiểm tra chuyên ngành đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng, việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3 tháng 4 năm 2012, quy định pháp luật về cạnh tranh và các quy định pháp luật có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 5 năm 2024, không để chậm trễ hơn nữa.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/vi-sao-gia-tham-chieu-trong-cac-phien-au-thau-vang-kha-cao-a423729.html
    Sự kiện: Giá vàng hôm nay
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan