Ngày 22/5, Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu Ireland quyết định phạt Meta 1,2 tỷ euro (1,3 tỷ USD), cao hơn mức kỷ lục trước đó của Amazon là 746 triệu euro hồi năm 2021. Nguyên nhân là vì công ty liên tục gửi dữ liệu người dùng Facebook trong Liên minh châu Âu (EU) về máy chủ tại Mỹ.
Đây là một trong những hình phạt nặng nhất trong 5 năm qua, kể từ khi EU ban hành luật bảo mật dữ liệu chung. Án phạt nêu rõ, việc Meta chuyển dữ liệu sang Mỹ không thể giải quyết "rủi ro về quyền và tự do cơ bản" của người dùng EU, khi vẫn tồn tại nguy cơ bị theo dõi bởi các tổ chức gián điệp của Mỹ.
Đáng chú ý, phán quyết mới của EU chỉ áp dụng cho Facebook, không dành cho Instagram và WhatsApp dù 2 ứng dụng này cũng thuộc sở hữu của Meta.
Bên cạnh tiền phạt, công ty mẹ của Facebook có 5 tháng để "tạm dừng mọi hoạt động chuyển dữ liệu cá nhân sang Mỹ trong tương lai" và 6 tháng để "dừng việc xử lý, bao gồm lưu trữ bất hợp pháp tại Mỹ" với dữ liệu cá nhân của người dùng châu Âu.
Meta tuyên bố sẽ kháng cáo, đồng thời cho rằng hình phạt đặt ra “tiền lệ nguy hiểm” cho vô số công ty khác. Công ty bày tỏ mong muốn một hiệp ước mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển dữ liệu cá nhân của công dân EU sang Mỹ một cách an toàn sẽ được áp dụng đầy đủ trước khi phải đình chỉ chuyển giao dữ liệu.
"Nếu không có khả năng truyền dữ liệu xuyên biên giới, Internet có nguy cơ bị chia cắt thành các không gian theo quốc gia và khu vực, hạn chế nền kinh tế toàn cầu và khiến công dân tại các quốc gia không thể truy cập nhiều dịch vụ dùng chung", tuyên bố của Facebook cho biết.
Hồi tháng 3/2023, Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu Ireland tiết lộ, quan chức EU và Mỹ hi vọng khuôn khổ bảo vệ dữ liệu mới do Brussels và Washington thống nhất một năm trước có thể sẵn sàng vào tháng 7.
Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu Ireland đã phạt Meta tổng cộng 2,5 tỷ euro do các vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của khối có hiệu lực từ năm 2018, ngoài ra còn 10 cuộc điều tra vào các nền tảng khác nhau của “ông lớn công nghệ” này.
Đinh Kim (T/h)