+Aa-
    Zalo

    Vì sao chỉ có duy nhất 1 bị hại trong vụ xét xử "đại án" đánh bạc nghìn tỷ?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chuyên gia pháp lý cho rằng, trong 6 tội danh mà 92 bị cáo bị truy tố trước tòa thì chỉ có tội Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản là bắt buộc có b

    Chuyên gia pháp lý cho rằng, trong 6 tội danh mà 92 bị cáo bị truy tố trước tòa thì chỉ có tội Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản là bắt buộc có bị hại.

    TAND tỉnh Phú Thọ đang xét xử vụ án đánh bạc nghìn tỷ đối với ông Phan Văn Vĩnh (nguyên Tổng cục trưởng tổng cục Cảnh sát - bộ Công an) cùng 91 bị cáo đồng phạm.

    Ông Phan Văn Vĩnh bị đưa ra xét xử trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ

    Vụ án đã gây chấn động dư luận không chỉ bởi tính chất, quy mô, thủ đoạn tinh vi mà còn cả về số lượng người tham gia vào đường dây này là đặc biệt lớn. Số tiền các bị cáo hưởng lợi lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

    Có tất cả 92 bị cáo phải hầu tòa về 6 tội danh, cụ thể về các tội: Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; Tổ chức đánh bạc; Đánh bạc; Mua bán trái phép hóa đơn; Rửa tiền; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

    Có 73 người và đơn vị có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ. 30 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo, 3 luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho những người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

    Tuy nhiên, có duy nhất 1 nữ bị hại trong vụ án là chị V.M.P. (SN 1983, tạm trú tại TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).

    Chị P. là nạn nhân bị đối tượng Lê Văn Huy (SN 1997, trú tại khu phố 5, phường 3, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) sử dụng mạng internet lừa mua hộ 110 thẻ cào viễn thông, mệnh giá 500.000 đồng.

    Tại tòa, bị cáo Huy khai nhận đã “nướng” toàn bộ số tiền trên vào đánh bạc trực tuyến bằng hình thức “Tài - Xỉu” và thua hết. Bị hại V.M.P. đã có đơn xin xét xử vắng mặt trong vụ án này.

    Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp

    Giải thích về sự “khập khiễng” này trong một vụ “đại án”, Ths.Luật sư Đặng Văn Cường – văn phòng luật sư Chính Pháp (đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Theo quy định tại khoản 1, Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì “Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra”.

    Như vậy, theo quy định pháp luật nêu trên thì khi giải quyết vụ án hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xác định cá nhân nào trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.

    Đối với vụ án đánh bạc qua mạng mà TAND tỉnh Phú Thọ đang xét xử, luật sư Cường cho biết: Trong số 6 tội danh mà 92 bị cáo đang bị cáo buộc thì tội Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản bắt buộc phải có bị hại. Còn các tội danh khác như: Tổ chức đánh bạc; Đánh bạc; Mua bán trái phép hóa đơn; Rửa tiền; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ thì thường sẽ không có người bị hại.

    “Tuy nhiên, đối với tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, có thể có người bị hại nếu kết quả điều tra, giải quyết vụ án cho thấy có tổ chức, cá nhân nào đó thỏa mãn một trong các điều kiện quy định tại khoản 1, Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự nêu trên (có thiệt hại về tài sản, uy tín..)”, luật sư Cường cho biết thêm.

    Tư Viễn

    Theo Người Đưa Tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-chi-co-duy-nhat-1-bi-hai-trong-vu-xet-xu-dai-an-danh-bac-nghin-ty-a251268.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan