Reuters đưa tin, các đám cháy rừng tại Los Angeles (California, Mỹ), bắt đầu kể từ tối 7/1 (giờ địa phương) đến nay, đã khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và thiêu rụi gần 10.000 công trình. Hiện lực lượng cứu hỏa vẫn đang vật lộn để dập tắt các đám cháy lan rộng, khi gió sa mạc khô thổi bùng ngọn lửa trở nên dữ dội hơn.
Nguyên nhân chính của các vụ cháy được cho là do điều kiện khô hạn kéo dài ở khu vực này, kết hợp sức gió mạnh của bão gió Santa Ana với vận tốc lên tới 160km/h, đã khiến tình hình trở nên tồi tệ. Các đám cháy lan nhanh gây khó khăn trong việc cứu hỏa.
"Chúng tôi biết rằng thảm thực vật trước đó đã rất khô, cộng thêm gió Santa Ana khô và giật mạnh đã khiến nguy cơ cháy rừng ở mức rất cao", ông Luca Carmignani, phó giáo sư tại Đại học San Diego và cựu cố vấn cháy rừng tại miền nam California cho biết. "Vì vậy, một khi đám cháy bắt đầu, không có gì ngạc nhiên khi nó lại lan nhanh như vậy".
Ngoài gió Santa Ana, việc California phải trải qua mùa khô nghiêm trọng trước đó cũng góp phần thúc đẩy các vụ cháy lan nhanh.
Theo báo cáo mới nhất của Chỉ số hạn hán Mỹ, 83% diện tích Los Angeles đang trải qua tình trạng hạn hán. AccuWeather, công ty truyền thông tư nhân của Mỹ chuyên cung cấp dịch vụ dự báo thời tiết trên toàn cầu, cũng cho biết khu vực này ghi nhận lượng mưa cực kỳ thấp kể từ tháng 4/2024.
Ông Janisse Quiñones, Giám đốc điều hành và kỹ sư trưởng của Sở tài nguyên Nước Los Angeles, cho biết lượng nước bị rút từ đường ống chính trong suốt trận cháy quá lớn, khiến số nước còn lại quá ít và không thể bơm lên các bể chứa trên cao.
Nguồn cung cấp nước chỉ là một trong nhiều thách thức, khi các đội cứu hỏa Los Angeles bị quá tải vì các đám cháy ở nhiều khu vực.
Tại khu vực Altadena, nơi đám cháy Eaton thiêu rụi hơn 5.000 hécta đất và tới 5.000 công trình, lính cứu hỏa cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu nước.
Traci Park, thành viên Hội đồng Thành phố Los Angeles đại diện cho khu vực Pacific Palisades, cho biết hệ thống nước của thành phố đã không được đầu tư nâng cấp phù hợp. Một số đường ống nước đã có tuổi đời hơn 1 thế kỷ.
Các nhà chức trách dự đoán rằng các đám cháy sẽ tiếp tục hoành hành trong vài ngày tới, đe dọa lớn ở khu vực này.
Thị trưởng thành phố Los Angeles Karen Bass trong một tuyên bố gọi tình hình cháy rừng là chưa từng có tiền lệ: “Tôi biết thế giới đang nhìn vào hình ảnh về sự tàn phá của thành phố chúng ta. Tôi đã chứng kiến tuyến đầu của đám cháy Palisades và nó thật kinh hoàng. Nhiều người đã nhận được lệnh sơ tán. Nếu nhận được lệnh, mong mọi người hãy rời đi ngay lập tức. Tôi đã nói chuyện với Tổng thống Biden hôm nay và Thống đốc California Gavin Newsom vào đầu ngày hôm nay và họ đảm bảo với tôi rằng sẽ có sự hỗ trợ toàn diện của địa phương”.
Theo thông tin từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có chuyến công du cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông tới Italia trong tuần này. Tuy nhiên, kế hoạch đã bị hủy và ông Biden sẽ ở lại Mỹ để điều phối hoạt động liên bang nhằm khống chế vụ cháy và hỗ trợ người bị ảnh hưởng. Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đó đã ký tuyên bố tình trạng khẩn cấp và yêu cầu nhà chức trách gửi viện trợ để giúp dập tắt đám cháy.
Các đám cháy ở miền Tây nước Mỹ ngày càng trở nên thường xuyên và lớn hơn. Biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ cháy rừng lên khoảng 25% ở California. Mười trong số các đám cháy lớn nhất ở California đã xảy ra trong hai thập kỷ qua, trong đó 5 đám cháy trong số này xảy ra chỉ trong năm 2020.
Các nhà nghiên cứu đã tính toán rằng cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra đã góp phần làm tăng 172% diện tích đất bị cháy ở California kể từ những năm 1970. Dự báo con số này sẽ còn tăng trong những thập kỷ tới.