Những khái niệm “organic”, “Vietgap”, “PGS”, “nông nghiệp bền vững”, “nông nghiệp công nghệ cao”… có gì hấp dẫn mà bầu Đức, tỷ phú Phạm Nhật Vượng, tỷ phú Trần Đình Long, tỷ phú Trịnh Văn Quyết và gần nhất là tỷ phú Trần Bá Dương lại chịu chi hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư?
Khi đại gia Việt lấn sân nông nghiệp
Ngay đầu năm 2021, thương trường Việt Nam chứng kiến một “cú sang tay” đình đám trong lĩnh vực nông nghiệp. Vào ngày 8/1/2021, công ty CP Sản xuất, Chế biến và Phân phối nông nghiệp Thadi (Thadi) của tỷ phú Trần Bá Dương – Chủ tịch tập đoàn Ô tô Trường Hải (THACO) - chi hơn 7 nghìn tỷ đồng để thâu tóm nốt phần cổ phiếu còn lại tại công ty CP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) của bầu Đức. Từ đây Thadi đổi tên thành Thagrico còn “ghế nóng” Chủ tịch HAGL Agrico thì được chuyển giao từ bầu Đức sang cho ông chủ Trường Hải.
Kể từ cú bắt tay trị giá 1 tỷ USD (22 nghìn tỷ đồng) giữa Hoàng Anh Gia Lai và THACO ngày 8/8/2018, cho đến giờ ông Trần Bá Dương đã đầu tư 40 nghìn tỷ đồng vào công ty của bầu Đức, trong đó chủ yếu là đầu tư cho nông nghiệp. Sau khi tiếp quản gia sản nông nghiệp mà bầu Đức đã gây dựng trong gần một thập kỷ, ông Dương khẳng định không bán cho cổ đông ngoại mà sẽ phát triển bằng được công nghệ cao.
Nông nghiệp hữu cơ với đầu ra là nông sản sạch – mảnh đất màu mỡ của đại gia Việt hiện nay (ảnh minh hoạ). |
Điều gì hấp dẫn ở nông nghiệp công nghệ cao (hay còn gọi là nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp bền vững) mà hai vị đại gia vốn phất lên nhờ bất động sản (BĐS) lại quyết định gác lại BĐS để “lao tâm khổ tứ” vì nó như vậy?
Có thể thấy, trong những năm gần đây, nông nghiệp được xem là một “miếng bánh” hấp dẫn đối với các “ông lớn” có tiềm lực tài chính. Khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường hàng hóa thế giới nhưng tình trạng canh tác nông nghiệp manh mún với điệp khúc được mùa mất giá, nông nghiệp chạy theo năng suất mà xem nhẹ yếu tố an toàn, bền vững của các nông hộ nhỏ, ...khiến cho bức tranh ngành nông nghiệp Việt tuy được quan tâm nhưng vẫn thiếu đi sự chuyên nghiệp.
Còn nhớ, bầu Đức chính là vị đại gia BĐS tiên phong bỏ BĐS sang làm “nông dân thế hệ mới”. Những năm 2009 khi thị trường bắt đầu biết đến người giàu trên sàn chứng khoán thì cái tên được nhắc đến nhiều nhất chính là bầu Đức. Năm đó, vượt qua khoảng 4.000 ứng viên trong bảng xếp hạng, bầu Đức đã giành vị trí quán quân với 6.160 tỷ đồng cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai (thời điểm đó Vingroup chưa niêm yết).
Thế rồi, đùng một cái, bầu Đức rút lui khỏi thị trường BĐS, "sống chết" với nông nghiệp. Thời gian đầu, ông đặt cược vào mía đường, cao su, dầu cọ..., sau đó chuyển sang trồng chuối, chanh leo, ớt, nuôi bò, ...rồi lại thu hẹp đàn bò chỉ giữ lại số ít để lấy phân bón cho cây trồng... Con đường làm “nông dân” của bầu Đức không hề dễ dàng. Do ngày càng “lún sâu” vào nông nghiệp (có ý kiến cho rằng bầu Đức dập khuôn Isarel trong làm nông nghiệp), HAGL ngày càng khó khăn, nợ nần chồng chất và chính thức mất thanh khoản năm 2016.
Ông Đức bắt đầu phải bán dần nông nghiệp. Năm 2017 ông bán mảng mía đường cho đại gia Đặng Văn Thành (công ty Thành Thành Công). Và tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” này chỉ được giải quyết khi được THACO cứu vào năm 2018 như đã nói ở trên.
Tiếp sau bầu Đức, hàng loạt tập đoàn khác như Vingroup, Hoà Phát, FLC và gần nhất là THACO... cũng lấn sân vào lĩnh vực này thông qua việc trở thành cổ đông chiến lược của các công ty sản xuất nông nghiệp hoặc lập doanh nghiệp mới.
Năm 2015, tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long (vị đại gia đang là người giàu thứ hai trên sàn chứng khoán Việt Nam) cũng đã gây bất ngờ khi thông báo sẽ đổ một số vốn lớn để nhảy vào mảng nông nghiệp. Cụ thể, Hoà Phát mở nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, công ty chăn nuôi lợn thịt và lợn nái, nuôi gà lấy trứng, nuôi bò...
Bầu Đức – vị đại gia tiên phong bỏ bất động sản đi làm “nông dân”. |
Tập đoàn Vingroup của người giàu nhất Việt Nam – tỷ phú Phạm Nhật Vượng – bắt đầu làm nông nghiệp công nghệ cao vào năm 2015 với tên gọi VinEco. Công ty này tập trung vào sản xuất rau củ quả sạch các loại. Dù đi sau nhưng Vingroup có một lợi thế to lớn mà nhiều đại gia khác không có chính là đầu ra sản phẩm dễ dàng nhờ hai hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ rộng khắp cả nước.
Tập đoàn FLC cũng gia nhập lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao vào năm 2017 với thương hiệu FLC FAM, các sản phẩm mà công ty định hướng tập trung sản xuất bao gồm các loại cây ăn trái, các loại rau màu và dược liệu. FLC xác định nông nghiệp công nghệ cao là một trong những lĩnh vực trọng điểm với tổng vốn đầu tư dự kiến đạt 1,5 tỷ USD trong giai đoạn 2018 - 2020 và quỹ đất lên tới 15.000 ha trải dài tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất vào quy trình sản xuất, đảm bảo cung cấp cho thị trường những sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Lại nói về tỷ phú Trần Bá Dương, sau khi Hoà Phát chi 22 nghìn tỷ đồng hợp tác với HAGL năm 2018, ngày 18/3/2019, công ty Thadi (công ty con của Hoà Phát) được thành lập để “dọn đường” cho kế hoạch lấn sân nông nghiệp và thâu tóm HAGL của ông chủ Ô tô Trường Hải.
Chỉ 6 tháng sau đó, Thadi nhận chuyển nhượng 3 công ty nông nghiệp trị giá hàng nghìn tỷ đồng của bầu Đức và cho đến giờ đã hoàn toàn thâu tóm mảng nông nghiệp của HAGL, sau khi nhận chuyển nhượng gần chục công ty nông nghiệp của tập đoàn này.
Không chỉ “giải cứu” HAGL, ông Trần Bá Dương còn “giải cứu” công ty CP Hùng Vương (HVG) của “vua cá tra” Dương Ngọc Minh khi công ty này đang chìm trong thua lỗ. Tháng 1/2020, Thadi đã mua vào hơn 53,9 triệu cổ phiếu, tương ứng tỉ lệ 24,28% vốn HVG và chính thức trở thành cổ đông lớn tại Hùng Vương. Trước đó ngày 9/1/2020, THACO và HVG ký kết hợp tác chiến lược để Thadi sở hữu 35% vốn HVG và nắm 65% vốn trong liên doanh giữa Hùng Vương và Thadi để phát triển mảng sản xuất heo giống.
Một số giải pháp thúc đẩy
Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thế giới (WB) và hiệp hội Lương nông thế giới (FAO), tiêu thụ phân bón và phát thải khí nhà kính của Việt Nam vẫn tăng qua từng năm.
Theo TS. Nguyễn Trọng Nguyên - nguyên Phó Viện trưởng viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp, bộ NN&PTNT - làm nông nghiệp bền vững ở Việt Nam còn khó vì mục tiêu gia tăng sản lượng là một áp lực lớn, khiến nhiều nông dân có thể dùng các sản phẩm vô cơ thiếu an toàn trong sản xuất.
Trao đổi với tạp chí Đời sống & Pháp luật (ĐS&PL), bà Hoàng Thị Hậu – Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Thanh Xuân (Hà Nội), đang làm chủ mô hình canh tác ra an toàn theo tiêu chuẩn PGS – cho biết, đã đầu tư rất nhiều tiền của công sức vào mô hình này bởi canh tác hữu cơ cho năng suất thấp, thời gian thu hoạch dài, giá thành lại cao, kém cạnh tranh với nông sản canh tác hoá học.
Trong khi đó, TS. Phạm Hồng Đức Phước – nguyên giảng viên ĐH Nông Lâm TP.HCM, chủ trang trại Stone Hill ở Đồng Nai, người cải tạo đồi đá hàng trăm ha để trồng cacao hữu cơ – chia sẻ rằng, nếu không có kiến thức và sự quyết tâm, thật sự không thể làm được nông nghiệp hữu cơ. Nông nghiệp hữu cơ, theo ông Phước, không phải là cuộc dạo chơi kiểu “Cuộc cách mạng một cọng rơm” (cuốn sách nổi tiếng viết về nông nghiệp hữu cơ của Nhật Bản) mà ở Việt Nam, nó cần đến hàng triệu “cọng rơm”, tức là cần nhiều hơn là một ý tưởng lãng mạn.
Từ thực tế trên, việc cải thiện hệ thống pháp lý, đầu tư cho phát triển khoa học kỹ thuật, tăng cường chủ trương thu hút đầu tư, hỗ trợ nông dân, tuyên truyền sâu rộng... là những biện pháp cấp bách để Việt Nam sớm có nền nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với các FTA (Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, gọi là thế hệ mới do được bổ sung tiêu chí bảo vệ môi trường của sản phẩm - PV) vốn khắt khe về tiêu chí an toàn cho sức khoẻ con người và bảo vệ môi trường.
TS. Nguyễn Trọng Nguyên cũng lưu ý, dù EVFTA có ưu đãi về thuế, nhưng đây là thị trường khó tính, nhất là trong vấn đề kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm... Nếu vi phạm, doanh nghiệp sẽ bị trả hàng, gây thiệt hại không chỉ riêng doanh nghiệp, mà cả ngành.
Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, một chuyên gia nông nghiệp khác cũng cho rằng, nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở canh tác hữu cơ, hiệu quả bền vững sẽ sớm đạt được nếu Việt Nam sớm hoàn thiện chính sách ưu đãi đối với nông nghiệp hữu cơ, chú trọng khơi thông nguồn vốn đi kèm với phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ kết hợp với du lịch nông nghiệp, thúc đẩy các hình thức liên kết, hợp tác thích hợp...
Đầu tư cho nông nghiệp không bao giờ là muộn "DN ngoài ngành đổ vốn vào nông nghiệp là dấu hiệu quá tốt vì dòng vốn Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực này quá thấp. Những DN đầu tư vào nông nghiệp đều có chủ đích từ trước, có cái nhìn dài hạn, đón cơ hội từ hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với TPP, Việt Nam có những lợi thế sẵn có về các mặt hàng nông sản cơ bản mà hầu hết người tiêu dùng trên thế giới đều phải sử dụng. Thuế bằng 0, cơ hội nông sản xuất khẩu sang các nước sẽ rất phát triển. Đầu tư cho nông nghiệp không bao giờ là muộn.“ (Ông Nguyễn Đình Bích - viện Nghiên cứu Thương mại, bộ Công Thương) |
"Theo bộ NN&PTNT, tính đến nay, diện tích canh tác hữu cơ tại Việt Nam tăng từ 53.350 ha năm 2016 lên khoảng 237.693 ha năm 2019. Cả nước có 46/63 tỉnh thành đang thực hiện và có phong trào sản xuất hữu cơ. Số lượng doanh nghiệp sản xuất hữu cơ là 97 doanh nghiệp; tham gia xuất khẩu là 60 doanh nghiệp với kim ngạch khoảng 335 triệu USD/năm". |
Minh Minh