Chiều 30/6, tại cuộc họp báo Bộ Công an, Đại tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) đã lý giải vì sao đề xuất đưa thông tin ADN vào dữ liệu của CCCD.
Theo đó, hiện nay các dữ liệu trong CCCD của các quốc gia trên thế giới thì việc thu thập sinh trắc học, đặc biệt dữ liệu về ADN là rất quan trọng, nhất là đối với ngành y.
Bên cạnh đó, hàng năm có nhiều nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông, đuối nước... không có giấy tờ tùy thân nên không xác định được danh tính, do đó việc đưa thông tin ADN vào dữ liệu CCCD sẽ giúp cơ quan chức năng xác định được danh tính, người thân của nạn nhân một cách nhanh chóng.
"Việc bổ sung thông tin ADN vào dữ liệu CCCD rất có lợi cho người dân. Trong quá trình chúng tôi thu thập, cũng như bảo mật thông tin về ADN hoàn toàn đúng quy định của pháp luật, sẽ không bị lộ lọt thông tin. Mục tiêu của công an là bảo vệ quyền là lợi ích cho người dân, do đó chúng ta hoàn toàn yên tâm về vấn đề thu thập thông tin ADN.
Hiện nay trong ngành y, khi chúng ta đi khám, chữa bệnh thì thông tin ADN đã có rồi, nhưng chưa được luật hóa. Do đó, chúng tôi đề xuất đưa thông tin ADN luật CCCD để đảm bảo quyền, lợi ích của người dân", ông Dũng khẳng định.
Trước đó, trên cơ sở rà soát Luật Căn cước công dân, Bộ Công an đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung Luật này như sau:
Thứ nhất, bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin khác của công dân (ngoài thông tin về CCCD) vào thẻ CCCD và thay thế việc sử dụng một số loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp chứa thông tin đã được tích hợp;
Bổ sung quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục để thu thập, tích hợp thông tin; bổ sung quy định về hình thức tích hợp, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thực hiện tích hợp thông tin; bổ sung quy định về loại thông tin được tích hợp...
Thứ hai, chỉnh lý quy định về Cơ sở dữ liệu CCCD và bổ sung các nhóm thông tin vào trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD, theo đó bổ sung một số nhóm thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm: Thông tin về số chứng minh nhân dân của công dân, ngày cấp, nơi cấp; người giám hộ, người được giám hộ;
Bổ sung một số nhóm thông tin vào Cơ sở dữ liệu căn cước gồm: Thông tin sinh trắc học (mống mắt, ADN, giọng nói); Thông tin về người không quốc tịch nhưng đã sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam (người gốc Việt Nam được sinh ra tại Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam được sinh ra tại nước ngoài nhưng đã trở về Việt Nam sinh sống liên tục từ 05 năm trở lên); tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam (có hoặc không có).
Thứ ba, bổ sung quy định cấp thẻ CCCD cho công dân là trẻ em dưới 14 tuổi; bổ sung quy định giải quyết vướng mắc trong cấp thẻ CCCD cho người không có nơi thường trú, không đầy đủ một số thông tin cá nhân khác như ngày, tháng sinh, quê quán (theo 3 cấp hành chính), có thông tin kê khai về dân tộc, tôn giáo khác không nằm trong danh mục quy định của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành; bổ sung quy định về cấp giấy chứng nhận căn cước cho người không quốc tịch nhưng đã sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam.
Thứ tư, hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; định danh điện tử; cấp, hủy số định danh của cá nhân; quy định về việc sử dụng thống nhất thẻ Căn cước công dân và việc hạn chế phát sinh thủ tục hành chính có liên quan.
Việt Hương (T/h)