(ĐSPL) - Ga Hà Nội là ga đường sắt lớn nhất Việt Nam, đóng góp 20\% doanh thu cho toàn ngành. Việc cả Tập đoàn T&T của bầu Hiển và Vingroup muốn mua nhà ga này thể hiện sức nóng của lĩnh vực giao thông vận tải khi thực hiện chính sách xã hội hóa.
Điều gì tạo nên "sức hút" của Ga Hà Nội với các đại gia?
Mới đây, bầu Hiển kiến nghị Bộ GTVT xin được đầu tư Ga Hà Nội theo hình thức xã hội hóa. Trước đó, Vingroup cũng đã đề xuất lên Bộ kế hoạch mua 3 nhà ga, trong đó có Ga Hà Nội...
Mới đây nhiều báo đưa tin, ông Đỗ Quang Hiển (tức bầu Hiển), Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn T&T vừa ngỏ ý muốn đầu tư Ga Hà Nội sau khi có chủ trương xã hội hóa ga này của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).
“Với năng lực tài chính và kinh nghiệm quản lý, điều hành thực hiện các dự án của mình, Tập đoàn T&T kính đề nghị Bộ GTVT xem xét và chấp thuận cho chúng tôi được làm nhà đầu tư ga Hà Nội”, lãnh đạo Tập đoàn T&T bày tỏ.
Đồng thời, bầu Hiển cam kết, sẽ thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành về dầu tư xây dựng, đúng tiến độ của Bộ GTVT, TP Hà Nội nhằm đóng góp, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
Ga Hà Nội (trước kia gọi là Ga Hàng Cỏ, do Pháp xây dựng và khánh thành năm 1902), đặt tại 86 Lê Duẩn, là nhà ga đường sắt chính của Hà Nội, đầu mối giao thông quan trọng vận chuyển hành khách, hàng hoá. Từ đây, hành khách có thể làm thủ tục mua vé tàu hỏa đi các tuyến trong nước, với 5 tuyến đường sắt trong nước và liên vận Quốc tế, gồm đường sắt Bắc Nam, đường sắt Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Quan Triều, Hà Nội – Đồng Đăng, và Hà Nội – Hải Phòng.
Việc cả Tập đoàn T&T của bầu Hiển và Vingroup của Phạm Nhật Vượng muốn mua nhà ga này thể hiện sức nóng của lĩnh vực giao thông vận tải khi thực hiện chính sách xã hội hóa. |
Ga Hà Nội gồm khu A và khu B. Phía đường Lê Duẩn là khu A, chuyên phục vụ các chuyến tàu Thống Nhất. Phía bắc khu A là khu B nằm trên phố Trần Quý Cáp (đoạn gần ngã ba Nguyễn Khuyến - Trần Quý Cáp) chuyên phục vụ đi các tuyến Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn (cũng là tuyến liên vận quốc tế) và Hải Phòng.
Ga Hàng Cỏ (cũ) ban đầu có diện tích 216.000 m², trong đó diện tích xây dựng là 105.000 m², còn lại là sân ga, đường sắt. Ga Hà Nội ngày nay đã có những thay đổi cả về diện tích và các nhánh và hiện là ga đường sắt lớn nhất tại Việt Nam.
Theo số liệu gần nhất, năm 2011, số lượng hành khách lên tàu theo vé bán đạt gần 3 triệu lượt, doanh thu vận tải của ga Hà Nội ở mức 771,1 tỷ đồng.
Về phía T&T, được thành lập từ năm 1993, doanh nghiệp này định hướng trở thành Tập đoàn đa ngành với 3 trụ cột: Công nghiệp - Tài chính - Bất động sản... Năm ngoái, Tập đoàn đã nâng vốn điều lệ lên 2.500 tỷ đồng. Trước đó, vào tháng 3/2015, bầu Hiển cũng đã có kiến nghị với Bộ GTVT được "mua" lại sân bay Phú Quốc theo 2 phương án là mua toàn bộ tài sản sân bay hoặc nhận chuyển nhượng quyền khai thác có kế thừa lao động.
Về việc đầu tư Ga Hà Nội, trước đó, Vingroup đã đưa ra đề xuất mua nhà ga này cùng với ga Đà Nẵng, Sài Gòn. Một tập đoàn khác là Tập đoàn Sungroup cũng đề xuất mua lại quyền khai thác một số đoàn tàu trọng điểm trên tuyến có đông khách du lịch như Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Đà Nẵng, Sài Gòn - Đà Nẵng.
Lợi ích nhưng cũng nhiều... bất cập
Dù được nhiều đại gia “giành giật”, doanh thu ngành đường sắt, cụ thể là ga Hà Nội hiện nay đang gặp sức ép lớn khi một loạt đường cao tốc đi vào hoạt động.
Trong một hội thảo về ngành giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho rằng: “Mặc dù mọi người phàn nàn cao tốc Nội Bài – Lào Cai phí đắt, nhưng người ta đi là chính. Đường sắt chở khách coi như không cạnh tranh được rồi. Giờ người ta đi ô tô 3 – 3,5 tiếng chứ không thể đi đường sắt của anh Thành (ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam – PV) mất 10 tiếng”.
Dù được nhiều đại gia “giành giật”, doanh thu ngành đường sắt, cụ thể là ga Hà Nội hiện nay đang gặp sức ép lớn khi một loạt đường cao tốc đi vào hoạt động. |
TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT cho rằng, việc để tư nhân đầu tư vào các các công trình, dự án giao thông là chuyện hết sức bình thường.
"Ở đây, nếu việc đầu tư của tư nhân đạt hiệu quả thì sẽ mang lại những lợi ích rất tốt về nhiều mặt đối với ngành đường sắt.
Trước hết, nhà nước sẽ không mất nguồn vốn để đầu tư mà có thể dùng vốn đó chuyển sang cho ngành, lĩnh vực khác như là xây dựng các cầu ở miền núi để trẻ em không phải đu, lội suối đi học hay nâng cao hệ thống vận tải khác...
Thêm vào đó, nó sẽ nâng cao chất lượng của ngành đường sắt và góp phần tạo hiệu quả của nền kinh tế, đưa các thành phần kinh tế của đất nước phát triển đồng đều theo đúng chính sách của Nhà nước", TS Thủy nói.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết, riêng đối với ngành đường sắt thì việc để tư nhân đầu tư sẽ có nhiều vấn đề phức tạp và bất cập có thể xảy ra.
Bởi thực tế, theo TS Thủy, việc tư nhân đầu tư vào bất cứ ngành, lĩnh vực nào sẽ phải có được lãi thì họ mới đổ vốn vào. Nếu mà đầu tư không có lãi thì họ sẽ rút dần ra.
Đồng quan điểm đó, TS Trần Đình Bá, Hội viên Hội Kinh tế & vận tải ĐSVN cũng cho rằng, việc để tư nhân đầu tư vào là rất tốt nhưng với đường sắt già cỗi, lạc hậu của Việt Nam thì doanh nghiệp nào dám đầu tư (?).
Theo ông Bá, với đường sắt quốc gia, trên thế giới có 3 mức đốc độ: Tốc độ thấp dưới 90 km/h, tốc độ thường từ 100 đến 140 km/h, tốc độ cao từ 150 - 200 km/h.
Đường sắt nước ta khổ chỉ 1 mét nên dù kiên cố hóa đến đâu cũng chỉ là đường sắt tốc độ thấp, trung bình hiện nay chỉ dưới 50 km/h.
Ở tốc độ này, hành trình nhanh nhất Hà Nội - TP.HCM trên 30 tiếng, thua xa cả đường bộ và tàu thuyền trên sông.
“Tốc độ này là nguyên nhân gây thua lỗ trong kinh doanh. Đã thế, các vụ lật tàu, trật bánh liên tiếp xảy ra gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản", TS Bá chia sẻ.
Ngọc Anh(Tổng hợp)
Video: Thương lái thu mua cau non để làm gì?[mecloud]KzUgNOke12[/mecloud]