(ĐSPL) - Hành vi không đi khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự khi có giấy gọi của bạn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP.
Hỏi: Tháng 7 năm 2015 em thi vào ngành Công An thông qua xét tuyển kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, cùng lúc này em có nhận được giấy gọi khám sức khoẻ nghĩa vụ quân sự của ủy ban xã nhưng do bị ốm nên em không đến được.
Sau đó ủy ban xã xử phạt em phải ra nộp kho bạc 1.200.000 đồng nhưng theo quy chế của nghành Công An nếu nộp tiền thì không đủ điều kiện vào nghành do đã vi phạm pháp luật, nên em đã không nộp. Tháng 11/2015 uỷ ban xã lại có giấy gọi khám sức khoẻ nghĩa vụ quân sự nhưng lúc này em đã đi học đại học ở 1 trường dân sự, để được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự em đã hoàn thành thủ tục giấy tờ và được Uỷ ban xã chấp nhận.
Sau 1 thời gian học em thi lại nghành Công An, 15/3/2016 em làm lý lịch tự khai theo mẫu của Bộ Công An khi lên Uỷ ban xã để xin dấu xác nhận thì cán bộ xã bảo em là: "sai luật nghĩa vụ quân sự" nên đến nay em vẫn chưa xin được dấu . Hiện nay đã sắp hết thời hạn nộp hồ sơ mà Uỷ ban xã vẫn không cho xác nhận dấu nên em và gia đình rất bối rối không biết làm thế nào.
Vi phạm luật nghĩa vụ quân sự có được thi vào ngành Công an nhân dân không? (Ảnh minh họa) |
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Với thắc mắc của bạn, xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Việc bạn không thực hiện đúng theo giấy gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự
Theo quy định tại Nghị định số 38/2007/NĐ-CP của Chính phủ : Về việc tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ thời bình đối với công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ thì những trường hợp sau đây sẽ được hoãn hoặc miễn gọi nhập ngũ:
Những công dân nam sau đây được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình:
1. Chưa đủ sức khoẻ phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khoẻ.
2. Là lao động duy nhất phải trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng người khác trong gia đình không còn sức lao động hoặc chưa đến tuổi lao động.
3. Là lao động duy nhất trong gia đình vừa bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra, được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận.
4. Có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan binh sĩ đang phục vụ tại ngũ.
5. Người đi xây dựng vùng kinh tế mới trong ba năm đầu.
6. Người thuộc diện di dân, dãn dân trong ba năm đầu đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn có phụ cấp khu vực hệ số 0,5 trở lên, ở hải đảo có phụ cấp khu vực hệ số 0,3 trở lên theo dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên quyết định.
7. Cán bộ, viên chức, công chức quy định tại Điều 1 Pháp lệnh Cán bộ, công chức, thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện, trí thức trẻ tình nguyện làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội đang cư trú tại địa phương hoặc người địa phương khác được điều động đến làm việc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn có phụ cấp khu vực hệ số 0,5 trở lên, ở hải đảo có phụ cấp khu vực hệ số 0,3 trở lên.
8. Đang nghiên cứu công trình khoa học cấp nhà nước được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ hoặc người có chức vụ tương đương chứng nhận.
9. Học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định tại khoản 1 Điều 48 của Luật Giáo dục 2005 bao gồm:
a) Trường trung học phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường chuyên, trường năng khiếu, dự bị đại học;
b) Trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề;
c) Trường cao đẳng, đại học;
d) Học viện, viện nghiên cứu có nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.
10. Học sinh, sinh viên đang học tại các nhà trường của tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam hoặc học sinh, sinh viên được đi du học tại các trường ở nước ngoài có thời gian đào tạo từ mười hai tháng trở lên.
11. Công dân đang học tập tại các trường quy định tại điểm b, điểm c khoản 9 và khoản 10 Điều này chỉ được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong một khoá đào tạo tập trung, nếu tiếp tục học tập ở các khoá đào tạo khác thì không được tạm hoãn gọi nhập ngũ. Hàng năm, những công dân thuộc diện tạm hoãn gọi nhập ngũ quy định tại Điều này phải được kiểm tra, nếu không còn lý do tạm hoãn thì được gọi nhập ngũ.
Những công dân sau đây được miễn gọi nhập ngũ trong thời bình:
1. Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng 1, con của bệnh binh hạng 1.
2. Một người anh trai hoặc em trai của liệt sĩ.
3. Một con trai của thương binh hạng 2.
4. Cán bộ, viên chức, công chức, thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện, trí thức trẻ tình nguyện quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị định này đã phục vụ từ hai mươi bốn tháng trở lên."
Vì bạn chưa nêu rõ hoàn cảnh của mình nên chúng tôi chưa xác định cụ thể trường hợp của bạn có thuộc đối tượng được hoãn hay miễn gọi nhập ngũ. Bạn có thể đối chiếu trường hợp của mình với các trường hợp nêu trên để xác định mình có được hoãn hay miễn gọi nhập ngũ hay không.
Hành vi không đi khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự khi có giấy gọi của bạn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu. Cụ thể như sau:
- Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong giấy gọi kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện kiểm tra hoặc khám sức khỏe theo kế hoạch của Hội đồng nghĩa vụ quân sự;
Theo hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư số 95/2014/TT-BQP ngày 07/07/2014 của Bộ quốc phòng hướng dẫn thi hành Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu, “Lý do chính đáng” là một trong các lý do sau:
"- Người phải thực hiện việc sơ tuyển nghĩa vụ quân sự; kiểm tra hoặc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự; khám sức khỏe tuyển chọn sĩ quan dự bị; chấp hành lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi đi đào tạo sĩ quan dự bị; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu (sau đây viết gọn là người thực hiện nghĩa vụ quân sự) nhưng bị ốm hoặc trên đường đi bị ốm, tai nạn.
- Thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự gồm bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp đang bị ốm nặng.
- Thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự gồm bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp chết nhưng chưa tổ chức tang lễ.
- Nhà ở của người thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc nhà ở của thân nhân người thực hiện nghĩa vụ quân sự nằm trong vùng đang bị thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn làm ảnh hưởng đến cuộc sống.
- Người thực hiện nghĩa vụ quân sự không nhận được giấy gọi sơ tuyển nghĩa vụ quân sự; kiểm tra hoặc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự; khám sức khỏe tuyển chọn sĩ quan dự bị; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi đi đào tạo sĩ quan dự bị; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu do lỗi của người hoặc cơ quan có trách nhiệm hoặc do hành vi của người khác gây khó khăn hoặc cản trở quy định tại Điều 8 Chương II Thông tư này.
Trường hợp quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều này phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc bệnh viện, trạm y tế cấp xã; trường hợp quy định tại Điểm c, Điểm d Khoản 1 Điều này phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã; trường hợp quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều này phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền."
Trường hợp của bạn, bạn không có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc bệnh viện, trạm y tế cấp xã nên không được coi là có lý do chính đáng vì thế bạn có thể bị xử phạt hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định chúng tôi đã nêu trên. Nhưng bạn lại không chấp hành đúng việc xử phạt này nên bạn đã vi phạm pháp luật nghĩa vụ quân sự và đó là vi phạm pháp luật.
Vấn đề bạn làm lý lịch tự khai
Theo Điều 5 Nghị định 129/2015/NĐ-CP quy định về Tiêu chuẩn tuyển chọn
Công dân được tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân khi có đủ các tiêu chuẩn sau đây:
1. Có lý lịch rõ ràng.
2. Nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không có tiền án, tiền sự, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, quản chế, không trong thời gian bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục bắt buộc; có phẩm chất, đạo đức tư cách tốt, được quần chúng nhân dân nơi cư trú hoặc nơi học tập, công tác tín nhiệm.
3. Bảo đảm tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.
4. Tốt nghiệp trung học phổ thông. Các xã miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tuyển công dân tốt nghiệp trung học cơ sở. Ưu tiên tuyển chọn công dân đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học trở lên, có chuyên môn cần thiết cho công tác, chiến đấu của Công an nhân dân.
5. Thể hình cân đối, không dị hình, dị dạng và đáp ứng các tiêu chuẩn sức khỏe để thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an"
Vì bạn đã vi phạm pháp luật về nghĩa vụ quân sự vi phạm khoản 2 Điều này nên bạn sẽ không được tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân nên cán bộ xã không thực hiện xác nhận cho bạn là chấp hành đúng pháp luật của Nhà nước là hoàn toàn có cơ sở.
Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.
Luật gia Đồng Xuân Thuận