Nếu vi phạm bản quyền truyền thông World Cup 2018 thì các đơn vị có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Còn chưa đầy một ngày nữa sẽ diễn ra lễ khai mạc World Cup 2018 tại Nga. Việc đài truyền hình Việt Nam (VTV) công bố đã đạt thỏa thuận bản quyền phát sóng World Cup 2018 khiến người hâm mộ nức lòng.
Được biết, hiện tại VTV đã ký hợp đồng chia sẻ bản quyền với đài truyền hình TP.Hồ Chí Minh (HTV) trên kênh HTV7, HTV9 và HTV Thể thao. Đồng thời, ký hợp đồng cấp quyền tiếp phát sóng World Cup 2018 nguyên kênh của VTV trên hạ tầng mạng IPTV, OTT, di động với các đơn vị Viettel, FPT, VNPT.
Như vậy, những hành vi nào bị coi là vi phạm bản quyền truyền thông World Cup 2018? Và làm thế nào để bảo vệ bản quyền World Cup 2018 trên lãnh thổ Việt Nam?
Để giải đáp câu hỏi này, PV báo điện tử Người Đưa Tin cũng đã trao đổi với Ths. Luật sư Đặng Văn Cường (văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn Luật sư TP.Hà Nội).
Sắp diễn ra lễ khai mạc World Cup 2018 tại Nga. |
Cụ thể, ông Đặng Văn Cường cho biết: “Theo quy định của pháp luật, các hành vi bị coi là vi phạm bản quyền truyền thông World Cup 2018 có thể hiểu là các hành vi xâm phạm các quyền liên quan quy định tại điều 35 Luật sở hữu trí tuệ.
Có thể hiểu các hành vi được coi là vi phạm bản quyền truyền thông World Cup như:
- Các đài truyền hình địa phương hoặc là các kênh truyền hình trả tiền khác tiếp sóng chương trình mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu bản quyền (FIFA) và bên mua bản quyền phát sóng (đài truyền hình Việt Nam - VTV)
- Các Website, các trang ứng dụng, các đơn vị, nhà mạng truyền dẫn phát sóng chương trình mà không được phép của chủ sở hữu bản quyền.
- Các đơn vị trích dẫn về nội dung trận đấu, sửa chửa, cắt ghép, dựng clip về trận đấu để chiếu mà không được phép của chủ sở hữu bản quyền.
- Các địa điểm tổ chức chiếu trận đấu ở nơi đông người mà không được phép của chủ sở hữu bản quyền.
- Các tổ chức báo chí, trang báo mạng, trang web, trang mạng sử dụng hình ảnh, clip để đưa tin về chương trình mà không có sự trích dẫn ghi chú về đơn vị sở hữu bản quyền và không được sự đồng ý của chủ sở hữu bản quyền.
- Các tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị điện tử quay lại chương trình rồi đăng tải lên mạng internet hoặc livestream,…mà không được phép của chủ sở hữu bản quyền.
Ths. Luật sư Đặng Văn Cường chỉ ra hành vi bị coi là vi phạm bản quyền truyền thông World Cup 2018. |
Về xử lý vi phạm, tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, tổ chức, cá nhân xâm phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, trong một số trường hợp còn phải bồi thường thiệt hại và bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như dỡ bỏ bản sao chương trình phát sóng, hoàn trả cho chủ sở hữu quyền lợi vật chất thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm”.
Từ việc chỉ ra hành vi bị coi là vi phạm bản quyền truyền thông World Cup 2018, Ths. Luật sư Đặng Văn Cường khuyến cáo: “Tôi cũng xin khuyến cáo người dân, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải theo dõi trận đấu trên kênh chính thức của VTV đã có bản quyền phát sóng, không quay lại clip để chiếu lại hoặc xem trên các trang mạng, ứng dụng không chính thống, tiếp tay cho việc vi phạm bản quyền.
Chỉ khi chúng ta tuân thủ đúng quy định về bản quyền phát sóng, thì việc theo dõi mới không bị gián đoạn, không bị chủ sở hữu bản quyền ngừng phát sóng do có hành vi vi phạm bản quyền. Đồng thời, không gây thiệt hại cho bên mua lại bản quyền cũng như cho chính chúng ta”.
Điều 35. Hành vi xâm phạm các quyền liên quan 1. Chiếm đoạt quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng. 2. Mạo danh người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng. 3. Công bố, sản xuất và phân phối cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không được phép của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng. 4. Sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào đối với cuộc biểu diễn gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn. 5. Sao chép, trích ghép đối với cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không được phép của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng. 6. Dỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan. 7. Cố ý huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền liên quan thực hiện để bảo vệ quyền liên quan của mình. 8. Phát sóng, phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng cuộc biểu diễn, bản sao cuộc biểu diễn đã được định hình hoặc bản ghi âm, ghi hình khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử đã bị dỡ bỏ hoặc đã bị thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan. 9. Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó giải mã trái phép một tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá. 10. Cố ý thu hoặc tiếp tục phân phối một tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá khi tín hiệu đã được giải mã mà không được phép của người phân phối hợp pháp. |
Theo Người Đưa Tin