+Aa-
    Zalo

    Vị đại gia “bùng” nợ nghìn tỷ của các ngân hàng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Lấy lý do xuất cảnh sang Mỹ để trị bệnh, Khuân và vợ đã cao chạy xa bay và bỏ lại khoản nợ ngân hàng ngàn tỷ đồng.

    (ĐSPL) – Lấy lý do xuất cảnh sang Mỹ trị bệnh, Khuân và vợ đã cao chạy xa bay và bỏ lại khoản nợ ngân hàng ngàn tỷ đồng.
    Báo Người lao động đăng tải, hôm nay (20/7), TAND tỉnh Sóc Trăng mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP Chế biến thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng) và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại các ngân hàng (NH). Đây là 1 trong 10 vụ “đại án” đặc biệt nghiêm trọng từng được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo xử lý.
    Lừa ngân hàng ngàn tỷ mang về xây lâu đài
    Công ty TNHH Phương Nam được thành lập vào năm 1998, 2 năm sau chuyển thành Công ty CP Chế biến thực phẩm Phương Nam (Công ty Phương Nam). Ngành nghề kinh doanh của công ty là thu mua, chế biến tôm; mua bán thức ăn cho tôm, vật tư phục vụ nuôi tôm. Cổ đông của công ty gồm: Lâm Ngọc Khuân (SN 1953, nguyên chủ tịch HĐQT), Trần Thị Mỹ (vợ Khuân), Lâm Ngọc Hân (con gái Khuân, Việt kiều Mỹ, nguyên giám đốc công ty) và Huỳnh Phúc Quế (cháu Khuân).

    Bị can Khuân cùng con gái là bị can Lâm Ngọc Hân đang trốn ở Mỹ. 

    Từ năm 2008 đến cuối tháng 9/2012, dù kinh doanh thua lỗ trên 996 tỉ đồng nhưng Khuân chỉ đạo cho con gái và cấp dưới thực hiện nhiều hành vi gian dối để vay tiền các NH. Theo đó, Khuân chỉ đạo lập 19 báo cáo tài chính khống cho thấy công ty kinh doanh có lãi gần 41 tỉ đồng và nâng khống lượng hàng hóa tồn kho có giá trị từ 123 tỉ đồng lên trên 747 tỉ đồng để thế chấp tại các NH vay vốn.
    Ngoài ra, Khuân còn chỉ đạo sử dụng một bộ chứng từ mua tôm nguyên liệu, chi phí sản xuất rồi copy ra thành nhiều bản, sau đó xác nhận sao y bản chính từ con dấu của công ty để gửi đến các NH giải ngân, sau đó chiếm đoạt, sử dụng vào mục đích chi tiêu cá nhân.
    Cụ thể, từ năm 2008-2011, Khuân và vợ dùng trên 28 tỉ đồng từ nguồn vay của các tổ chức tín dụng để xây biệt thự bề thế tại TP Sóc Trăng. Sau đó, Khuân làm thủ tục hợp thức hóa biệt thự cho vợ đứng tên chủ sở hữu. Cũng trong thời gian này, bị can Khuân chỉ đạo con gái và kế toán trưởng là bị can Lâm Ngọc Mẫn chi tạm ứng gần 72 tỉ đồng với lý do đi công tác nước ngoài, tiếp khách…
    Cuối năm 2011, Khuân và vợ lấy lý do xuất cảnh sang Mỹ để trị bệnh. Khi các NH phát hiện Công ty Phương Nam mất khả năng trả nợ, yêu cầu Khuân trở về giải quyết công nợ nhưng bị can này vẫn bặt tăm cho đến nay.
    Sau hơn 8 tháng thay cha điều hành công ty, giữa tháng 7-2012, bị can Hân cũng xuất cảnh sang Mỹ, để lại món nợ trên 1.752 tỉ đồng tại 8 NH, trong đó nợ gốc gần 1.600 tỉ đồng.
    Vay nhiều, làm lớn, chết nặng
    Báo Vietnamnet thông tin, hàng loạt vụ vỡ nợ, đổ bể của các đại gia ngành thủy sản gần đây cho thấy một thực tế làm ăn không dễ dàng và nợ nần chồng chất của rất nhiều DN tại khu vực ĐBSCL.
    Theo báo cáo tự lập, tới cuối 2014, AVF âm vốn chủ sở gần 370 tỷ đồng trong khi đó nợ ngắn hạn lên tới 1.562 tỷ đồng. Doanh thu cũng chỉ đạt chưa tới 230 tỷ đồng.
    Ông Lưu Bách Thảo thành lập Anvifish năm 2007, cổ đông lớn là các thành viên trong gia đình. Sự lên ngôi của con cá tra, cá basa đã giúp Anvifish phát triển như vũ bão với 2 xí nghiệp chế biến 250 tấn/ngày. Quy mô vốn của AVF liên tục tăng từ 50 tỷ lên 225 rồi 433 tỷ đồng. Tổng tài sản cũng tăng vèo vèo lên hàng nghìn tỷ đồng, đi kèm theo đó là hàng loạt các khoản vay NH khổng lồ phục vụ cho những dự án đầu tư nhà xưởng, kho bãi hoành tráng. Thị trường đi xuống, kinh doanh khó khăn, chi phí tăng cao đã khiến AVF nhanh chóng lao dốc.

    Biệt thự như khách sạn 5 sao của đại gia Thủy sản Phương Nam Lâm Ngọc Khuân

    Trong báo cáo giải trình hồi đầu tháng 2/2015, AVF cho biết điều kiện sản xuất kinh doanh khó khăn, cùng với sự biến động của các cổ đông chủ chốt và những chênh lệch lớn về chỉ tiêu tài chính,... là những nguyên nhân khiến DN lao dốc.
    Năm 2014, từ 512 tỷ đồng hàng tồn kho đầu năm, sau khi đánh giá lại, AVF chỉ còn gần 16 tỷ đồng. Hàng tồn kho kém phẩm chất đã là mối đe dọa trực tiếp đến kết quả kinh doanh của công ty.
    Cuối năm 2014, ông Trần Tấn Hải, nguyên Giám đốc Công ty TNHH chế biến và xuất nhập khẩu Việt Hải - một đại gia thủy sản ở Cà Mau, đã bị bắt để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cho tới khi bị bắt, ông Hải đã vay cả trăm tỷ đồng từ NH và lãi không đóng lũy kế lên đến 50 tỷ đồng. DN nhiều năm chỉ sản xuất cầm chừng, không tiền trả lương cho công nhân.
    Với “đại gia” Lâm Ngọc Khuân do không nắm bắt được thị trường đã khiến Phương Nam liên tục thua lỗ. Tình cảnh nợ nần càng thêm trầm trọng bởi sở thích xài sang ít ai bì kịp. Tuy nợ đầm đìa nhưng Khuân vẫn xây lâu đài hoành tráng, mua căn hộ cao cấp tại khu Phú Mỹ Hưng,... Tính tới trước khi bỏ trốn, ông Khuân nợ các NH gần 1.600 tỷ đồng, con số thất thoát lên tới 500 tỷ đồng.
    PV(Tổng hợp)
    [mecloud]bW9oUFtejc[/mecloud]
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-dai-gia-bung-no-nghin-ty-cua-cac-ngan-hang-a102747.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.