Vì mâu thuẫn việc đào đất đắp bờ ao, ông N. đánh vào chân Thiện. Bực tức Thiện dùng cuốc giết người. Hậu quả người chết, kẻ vào tù, đứt tình làng nghĩa xóm.
Giết người vì cái ao
Ngày xét xử bị cáo Ngô Đức Thiện (61 tuổi), trú tại xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An về tội Giết người có rất đông bà con lối xóm đến tham dự phiên tòa. Nạn nhân không ai khác chính là ông N.N.N., hàng xóm của Thiện.
Theo người dân địa phương, Thiện và ông N. là hàng xóm hơn 30 năm, tối lửa tắt đèn có nhau. Trước đó, hai gia đình không có mâu thuẫn gì. Họ sống với nhau rất hòa thuận. Nhưng gần đây, vì mâu thuẫn trong việc đắp bờ ao giữa Thiện và hàng xóm xảy ra mâu thuẫn.
Bị cáo Ngô Đức Thiện tại tòa. |
Cụ thể vào sáng 6/8/2020, giữa Ngô Đức Thiện và ông N.N.N. xảy ra cãi vã quanh việc đào đất đắp bờ ao. Ông N. thuê máy xúc về để đắp bờ ao. Thấy vậy, Thiện ra nói ông N. chỉ đắp bên bờ nhà ông N.. Còn bờ nhà Thiện thì sẽ tự đắp. Ông N. nói Thiện ích kỷ. Nghe hàng xóm nói vậy, Thiện cũng đáp trả lại nặng lời. Bực tức, ông N. dùng gậy tre đánh vào chân Thiện.
Theo yêu cầu của Ngô Đức Thiện, vợ ông N. đã đưa người đàn ông này đến trạm xá lấy thuốc. Sau đó, Thiện có sang nhà ông N. Chủ nhà rót rượu ra mời Thiện nhưng Thiện không uống, rồi bỏ về. Tưởng rằng mọi chuyện đã kết thúc ở đó.
Đến 10h cùng ngày, Ngô Đức Thiện vác cuốc đi thăm đồng thì phát hiện người hàng xóm đang đi xe máy từ phía sau tới. Thiện nảy sinh ý định trả thù ông N.. Khi ông N. điều khiển xe máy lại gần, Thiện dùng cuốc tấn công vào đầu nạn nhân. Sau đó, Thiện cầm cây cuốc vào nhà giấu.
Phát hiện ông N. nằm bất tỉnh dưới đất, nhiều máu, mọi người vội đưa ông đi bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, do vết thương nặng, nạn nhân đã tử vong.
Khi biết nạn nhân tử vong, Ngô Đức Thiện đến công an đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội. Nguyên nhân chết của nạn nhân được xác định vỡ, lún xương hộp sọ, xuất huyết não, giập não do chấn thương.
Mất tình làng nghĩa xóm
Người nhà của bị hại đem di ảnh nạn nhân đến phiên tòa. Vợ bị cáo chỉ biết gục mặt giữa bàn, thỉnh thoảng rơi nước mắt.
Đứng sau bục khai báo, bị cáo không quanh co chối tội mà thừa nhận việc đánh ông N. nhưng khẳng định không có ý đoạt mạng sống của nạn nhân. Nạn nhân chết là nằm ngoài ý muốn của bị cáo. “Vì bức xúc việc trước đó bị ông N. đánh vào chân nên đã không kiềm chế được bản thân. Bị cáo cũng thừa nhận việc làm của mình là sai”, bị cáo Thiện lí nhí nói.
Bị cáo cũng quay lại phía người nhà bị hại xin lỗi và mong nhận được tha thứ.
Tuy nhiên, trước sự mất mát của người thân, người nhà bị hại yêu cầu HĐXX xử bị cáo Thiện thật nghiêm để răn đe người khác. Theo trình bày của vị đại diện hợp pháp cho người bị hại, trước khi chết mấy ngày, ông N. có đi nhận giấy khen về làm kinh tế giỏi. Ông N. là người chịu khó, làm ăn kinh tế giỏi. “Hành vi của Thiện là quá tàn độc. Thiện đã sát hại em tôi, khiến cho vợ mất chồng, con mất cha. Do đó, chúng tôi yêu cầu tòa xử lý nghiêm bị cáo”, anh trai nạn nhân trình bày trước tòa.
Bị cáo phải nhận mức án 19 năm tù và bồi thường cho gia đình nạn nhân hơn 200 triệu đồng.
Về phần dân sự, đại diện bị hại đề nghị bị cáo phải bồi thường 420 triệu đồng. Với số tiền lớn, bị cáo Thiện trình bày hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bị cáo xin được bồi thường 300 triệu đồng.
Do hai bên không thỏa thuận được mức bồi thường nên đã yêu cầu HĐXX xử theo quy định của pháp luật.
Được nói lời sau cùng, bị cáo cúi đầu xin lỗi gia đình nạn nhân và xin HĐXX giảm nhẹ tội để sớm về với gia đình. Giờ nghị án, vợ bị hại không kiềm chế được bản thân đã ôm di ảnh chồng gây náo loạn tại tòa. Cán bộ hỗ trợ tư pháp phải đưa vợ bị hại ra khỏi phòng xét xử. Vợ bị cáo cũng chỉ biết khóc.
Trong vụ án này, HĐXX nhận định, hành vi phạm tội của bị cáo có tính côn đồ, đã tước đi mạng sống của người khác chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt nên cần xử mức án nghiêm minh. Xem xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt Ngô Đức Thiện 19 năm tù, buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình bị hại hơn 200 triệu đồng.
Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ mà Thiện khiến người chết, bản thân mình dính vào vòng lao lý, gia đình hai bên khốn đốn. Đây là bài học đắt giá cho những ai thích xử lý mâu thuẫn bằng bạo lực.
Hà Hằng
Bài viết trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 2 (30)