Ngày 10/12, VFF chính thức mở bán vé trận chung kết lượt về AFF Cup giữa Việt Nam - Malaysia trên sân Mỹ Đình. Với hình thức bán vé online, VFF khiến người hâm mộ ức chế khi trang Web liên tục bị lỗi. Trong khi đó, nhiều người đã tụ tập tại trụ sở VFF với mong muốn sở hữu được tấm vé. Một số người hâm mộ quá khích đã gây hỗn loạn khiến cho VFF phải cầu cứu cơ quan chức năng.
Sau khi VFF quyết định mở bán online, nhiều CĐV là cựu chiến binh không biết cách thức để mua vé, nên họ tìm đến trụ sở để mua vé là lựa chọn duy nhất của những CĐV này. |
Đám đông gây hỗn loạn làm “đau đầu” VFF
Thông tin từ VFF cho biết, BTC đã xác nhận đơn đăng ký mua vé của khoảng 240 thương binh trong ngày 10/12 và sẽ không tiếp tục nhận thêm bất cứ đơn mua vé nào nữa. Sau khi VFF thông báo ngừng bán vé cho thương binh, vẫn có rất nhiều người tụ tập ở trụ sở tổ chức này để phản đối và đến tối ngày 10/12, đám đông vẫn chưa giải tán.
Để đảm bảo công tác an ninh khu vực trụ sở VFF, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh đã ký công văn hỏa tốc gửi đến bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội với mong muốn các đơn vị này hợp tác để ngăn chặn tình trạng đám đông tụ tập, gây rối tại trụ sở VFF.
Nội dung công văn ghi rõ: "Ngày 10/12, một số thương binh cũng như các đối tượng giả dạng thương binh đã gây rối, tụ tập, làm mất trật tự tại trụ sở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam với yêu sách phải được mua vé trận chung kết lượt về AFF Cup. Điều này đã ảnh hưởng đến trật tự và hoạt động làm việc của Liên đoàn bóng đá Việt Nam".
"Liên đoàn Bóng đá Việt Nam trân trọng đề nghị các quý cơ quan phối hợp với Công an thành phố Hà Nội hỗ trợ và có các biện pháp ngăn chặn các hành vi kích động, gây rối, coi thường pháp luật của các cá nhân quá khích từ ngày 11 đến hết ngày 15/12 tại trụ sở Liên đoàn bóng đá Việt Nam. "Bên cạnh đó, công văn của VFF cũng khẳng định, đơn vị này sẽ không bán thêm bất cứ một chiếc vé chung kết lượt về AFF Cup nào tại trụ sở kể từ ngày 11/12.
Theo ghi nhận của PV báo ĐS&PL, ngay từ sáng sớm ngày 10/12, tại trụ sở VFF đã xuất hiện hàng trăm người dân “quây” kín cổng vào. Thậm chí, các cổ động viên (CĐV) này còn tiếp tục tái diễn hình ảnh trèo cổng, vượt rào, xông vào bên trong VFF làm loạn, buộc Liên đoàn phải yêu cầu lực lượng an ninh chốt trước cửa các phòng chức năng.Hơn 10h sáng cùng ngày, số lượng người dân tụ tập trước trụ sở tại Liên đoàn Bóng đá Việt Nam ngày càng đông. Đa phần mọi người đều không mua được vé online và đến đây với hy vọng được mua vé trực tiếp. Còn một số người hâm mộ nghĩ rằng VFF bán vé trực tiếp tại trụ sở và đến mua.
Anh Minh Tuần (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có mặt tại trụ sở VFF cho biết: "Sau khi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) chính thức mở bán vé đợt một, tôi đã huy động 5 máy tính 3 chiếc điện thoại thông minh cùng cả gia đình ngồi canh nhưng cuối cùng tôi cũng vẫn không mua được vé".
"Tôi đã tạo tài khoản trước khi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam mở bán vé, tôi đã chuẩn bị thẻ ngân hàng thanh toán, kiểm tra đường truyền mạng Internet để đảm bảo cho việc mua vé thành công. Nhưng sau chỉ ít phút bán vé thì tôi đã nhận được thông tin trang quá tải và hết vé nên tôi đến trụ sở VFF xem có thể mua vé trực tiếp hay không”.
Cách bán vé mang tính “chắp vá”
Trước câu chuyện về vé xem trận chung kết Việt Nam – Malaysia, cũng như về cách bán vé lần này của VFF. PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi nhanh với nhà báo, Tổng biên tập Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo Lương Hoàng Hưng. Là một người đặc biệt yêu thích bóng đá, ông Lương Hoàng Hưng cho hay, sáng ngày 10/12 ông cũng đã truy cập vào trang web bán vé của VFF, thế nhưng không chỉ có ông mà những người bạn của ông cũng không thể truy cập được để mua vé.
Ông Lương Hoàng Hưng tỏ rõ sự thất vọng về cách thức bán vé của VFF hiện nay: “Với hệ thống bán vé hiện nay thì tôi nghĩ VFF sẽ vẫn bị tình trạng nghẽn mạng. Bởi nó mang tính chắp vá”.
Theo ông Lương Hoàng Hưng, lý do hệ thống bán vé online của VFF vẫn bị nghẽn mạng, không truy cập được là do VFF quá chủ quan. “VFF chủ quan và không chịu hợp tác thêm với các đối tác thương mại điện tử bên ngoài, không chịu đầu tư bài bản, dài hạn mà chỉ làm chắp vá nên mới vậy”, ông Hưng nói. Ông Hưng cũng bày tỏ sự lo ngại: “Đâu thể trận nào tính trận đó, mà phải tính việc bán vé dài hạn, cần đầu tư bài bản. Nếu tiếp tục bán vé như hiện nay, tôi cho rằng hoàn toàn không ổn”.
Hiến kế để VFF tránh khỏi khủng hoảng trong việc bán vé như hiện nay, ông Lương Hoàng Hưng chia sẻ: “Trong lần bán vé này, đúng ra VFF phải mời thêm khoảng vài chục đơn vị hoặc web- site thương mại điện tử cùng bán để tạm thời giải quyết nghẽn mạng, sau này đầu tư lại. Theo tôi, VFF cần lập tức thiết kế một hệ thống thương mại điện tử để bán vé một cách dễ dàng, thuận tiện hơn”.
Nhóm Phóng viên