(ĐSPL) - Theo cáo trạng của VKSND TP. Hà Nội, nguyên 4 công an xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh bị truy tố về tội giết người.
Phiên tòa xét xử vụ bốn công an xã “tra tấn” chết người tại trụ sở của Tòa án nhân dân tối cao vừa kết thúc vào ngày 6/4.
Theo đó, các bị cáo bị cáo buộc tội Giết người, gồm: Hoàng Ngọc Tuyên (SN 1980, nguyên Phó trưởng Công an xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) cùng 3 bị cáo Nguyễn Trọng Kiên (SN 1991), Đoàn Văn Tuyến (SN 1983), Hoàng Ngọc Thức (SN 1988, đều nguyên là công an viên xã Kim Nỗ) đều bị y án sơ thẩm. Nạn nhân trong vụ án là ông Nguyễn Mậu Thuận (SN 1958, trú tại thôn Đoài, xã Kim Nỗ) đã bị 4 công an xã này mời lên làm việc và đánh chết tại trụ sở.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKSND tối cao đề nghị tăng mức án phạt đối với bị cáo Hoàng Ngọc Tuyên.
Phía gia đình bị hại kháng cáo bản án sơ thẩm, đề nghị phải truy tố ông Nguyễn Đức Vọng - Trưởng công an xã Kim Nỗ vào vụ án vì có liên quan tới cái chết của ông Thuận. Khán phòng xét xử chật cứng người đến xem. Mọi người đều đau xót, bất bình khi nghe các bị cáo trả lời rành mạch quá trình đánh chết ông Thuận.
Chủ tọa phiên tòa nghiêm nghị, hỏi bị cáo Hoàng Ngọc Tuyên: “Bị cáo khai rõ nội dung kháng cáo của mình thế nào? Tại sao kêu oan? Oan như thế nào?”.
Bị cáo Tuyên: “Bị cáo chỉ đánh nạn nhân có mấy cái vào đùi, bị cáo không thúc vào ngực nạn nhân. Vậy bị cáo không phạm tội giết người, không cố tình đánh chết ông Thuận”.
Chủ tọa: “Ông Thuận có hành vi gì để công an xã mời lên làm việc? Việc mời lên có lệnh gì không? Có giáy triệu tập không?”.- Đáp: “Trong quá trình xác minh có việc ông Thuận đánh người khác, công an xã đã lập biên bản. Bị cáo mời ông Thuận lên làm việc theo chỉ đạo của ông ông Vọng (Trưởng công an xã – PV)”.
Chuyển sang hỏi bị cáo Đoàn Trọng Kiên, vị chủ tọa lên tiếng: “Bị cáo trình bày rõ việc kêu oan của mình?”. Bị cáo Kiên: “Bị cáo chỉ dùng dùi cui đánh ông Thuận vào đùi. Bị cáo đánh cũng là làm theo chỉ đạo của của cấp trên là anh Tuyên. Các bị cáo đều đánh bằng nhau…?!”.
Chủ tọa quay sang yêu cầu bị cáo Tuyến trình bày lý do kháng cáo của mình, cũng như khai rõ hành vi phạm tội để được nhận sự khoan hồng của Nhà nước. Bị cáo Tuyến giọng lí nhí: “Bản án dành cho bị cáo là quá nặng, bị cáo xin tòa xem xét giảm mức án.Bị cáo không nhìn rõ ai đánh ông Thuận. Bị cáo cũng không nhìn thấy trói tay hay giữ ghế của ông Thuận”.
|
4 công an xã trước vành móng ngựa. |
Tòa tiếp tục hỏi bị cáo Hoàng Ngọc Thức lý do kháng cáo, kêu oan? Bị cáo Thức đáp: “Trước tiên bị cáo xin lỗi gia đình bị hại, mong tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo”.
Mặc dù các bị cáo đều xin giảm nhẹ hình phạt, nhưng vẫn loanh quanh không thành khẩn khai báo, chỉ nhận đánh có 3 cái vào đùi của ông Thuận và phủ nhận việc thúc dùi cui vào ngực bị hại. HĐXX đã phải lớn tiếng yêu cầu các bị cáo thành khẩn khai báo.
Luật sư Nguyễn Thị Nga – Trưởng Văn phòng luật sư Hằng Nga (Đoàn luật sư TP Hà Nội) bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình bị hại cho rằng: Quá trình điều tra đã bỏ lọt người lọt tội khi không truy cứu trách nhiệm của ông Nguyễn Đức Vọng - Trưởng công an xã Kim Nỗ.
Ông Vọng là người trực tiếp chỉ đạo cấp dưới đưa ông Thuận tới trụ sở công an xã. Và quá trình cấp dưới tra xét ông Thuận, ông Vọng không thể không biết khi ngồi ngay phòng bên, cùng một hành lang.
Hơn nữa, 2 lần bị cáo Tuyến gọi điện cho ông Vọng, xin ý kiến chỉ đạo. nghiêm trọng hơn, việc mời ông Thuận lên trụ sở công an xã không có bất kỳ một giấy mời nào? Theo lời khai của các bị cáo, ông Vọng còn chỉ đạo các bị cáo khóa tay ông Thuận lại…
Tránh bỏ lọt tội phạm, luật sư Hằng Nga nêu quan điểm: Cần khởi tố ông Vọng tại Tòa về tội danh đồng phạm với các bị cáo Và thêm một tội danh mới là “bắt và giam giữ người trái pháp luật”.
Hơn nữa, cách làm việc của cơ quan công an cũng còn nhiều điều khúc mắc, như biên bản lấy lời khai của công an xã với ông Thuận cũng “biến mất” một cách không rõ ràng, không được thu thập trong hồ sơ vụ án, trong khi đây là một chứng cứ quan trọng của hồ sơ vụ án. Hai bị cáo Tuyến và Kiên thừa nhận mỗi người chỉ đánh có 3 cái vào đùi.
Trong khi đó, ông Thuận bị thương tới 13 vết thương, có cả vết thương ở vùng đầu. Như vậy, những vết thương còn lại do ai gây nên, và vết thương ở đầu do tác động của cái gì cũng không được làm rõ.
Sau giờ nghị án, xét thấy vụ án không có tình tiết gì mới, nên HĐXX TAND Tối cao đã bác đề nghị của VKSND Tối cao về việc tăng mức án, quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm phạt Hoàng Trọng Tuyên 17 năm tù, Nguyễn Trọng Kiên 16 năm tù, Đoàn Văn Tuyến và Hoàng Ngọc Thức mỗi bị cáo 8 năm tù.
Vụ 4 công an dùng nhục hình đánh chết người ở Đông Anh
Tóm tắt cáo trạng Theo đó, khoảng 12h30 ngày 30/8/2012, Công an xã Kim Nỗ nhận được đơn trình báo của ông Nguyễn Mậu Phú (thôn Đoài, xã Kim Nỗ) về việc vợ ông là bà Đoàn Thị Bút bị ông Nguyễn Mậu Thuận (trú cùng thôn) dùng gạch đánh gây thương tích phải đi cấp cứu. Sau khi tiếp nhận đơn, ông Nguyễn Đức Vọng, Trưởng Công an xã Kim Nỗ, đã điện thoại chỉ đạo Hoàng Ngọc Tuyên tập trung lực lượng xuống hiện trường giải quyết. Tuyên điện thoại yêu cầu Đoàn Văn Tuyến, Hoàng Ngọc Thức đến nhà mời ông Thuận về trụ sở làm việc. Khoảng 14h cùng ngày, ông Thuận được đưa tới trụ sở UBND xã Kim Nỗ và đã chửi bới, định lao vào đánh ông Nguyễn Đức Vọng. Ông Vọng lập tức hô: “Khóa tay nó lại, đưa vào trong phòng kia!”. Tại phòng làm việc, ông Vọng ra lệnh mở khóa tay để ông Thuận viết kiểm điểm. Nguyễn Trọng Kiên mở khóa còng bên tay phải của ông Thuận và bấm đầu còng này vào chiếc ghế gỗ. Sau khi trao đổi nội dung vụ việc và giao cho Hoàng Ngọc Tuyên chỉ đạo lực lượng công an viên làm rõ việc ông Thuận đánh bà Bút, ông Vọng còn phân công một số công an viên khác xuống hiện trường ghi lời khai của nhân chứng và xác minh thương tích của bà Bút tại Bệnh viện huyện Đông Anh. Sau đó, ông Vọng đi giải quyết vụ việc khác. Hoàng Ngọc Tuyên đã xét hỏi việc ông Thuận đánh bà Bút, nhưng ông này không nhận mà có lời chửi bới lực lượng làm nhiệm vụ. Tuyên tát ông Thuận 2 cái vào mặt. Thấy vậy, Kiên đứng dậy lấy dùi cui trên nóc tủ đưa cho Tuyên. Tuyên cầm dùi cui vụt mạnh vào đùi ông Thuận 2 cái, rồi đưa cho Kiên cầm và tiếp tục tra hỏi. Thấy ông Thuận vẫn không khai mà còn chửi bới, Kiên cầm dùi cui vụt mạnh nhiều cái vào 2 bên đùi ông Thuận, vừa vụt vừa hỏi: “Có đau không?”. Đến 15h, ông Thuận vẫn không khai nhận và luôn miệng chửi bới nên Kiên đã thúc dùi cui vào ngực làm ông ngã ngửa ra phía sau. Tuyên bảo Thức, Tuyến, Kiên dựng ông Thuận ngồi dậy. Thấy ghế bị gãy, Tuyên yêu cầu lấy một chiếc ghế gỗ khác thay thế và khóa 2 chân, 2 tay ông Thuận vào rồi phân công Tuyến đứng phía sau giữ cho ông Thuận ngồi; Thức đứng bên cạnh quan sát, nếu có người đi qua thì báo cho Tuyên biết. Sau đó, Tuyên và Kiên vừa hỏi vừa dùng dùi cui đánh mạnh vào 2 bên đùi ông Thuận, dùng bút bi kẹp vào khe các ngón tay của ông bóp mạnh. Đến 16h, ông Vọng nhận được điện thoại của Tuyên báo cáo ông Thuận say rượu không làm việc được. Ông Vọng sang kiểm tra, thấy ông Thuận bị khóa chân, tay vào ghế nên yêu cầu mở khóa và đưa ông lên giường nằm, lấy dầu xoa cho ông; đồng thời điện thoại trạm y tế xã đến cấp cứu. Khi cán bộ trạm y tế tới thì không đo được các chỉ số sinh tồn (không nghe được nhịp tim, không đo được huyết áp). Sau đó, ông Thuận được lực lượng Công an xã Kim Nỗ đưa tới Bệnh viện huyện Đông Anh cấp cứu nhưng đã tử vong. |
PHAN TUẤN – HÀ PHONG
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vet-thuong-chi-mang-to-cao-4-cong-an-dung-nhuc-hinh-a94821.html