Ở các cửa hàng bình dân và phòng tranh, nguồn gốc những tác phẩm mỹ thuật là vấn đề không dễ tìm được câu trả lời. Vậy, tại các cuộc triển lãm ở Bảo tàng Mỹ thuật thì chất lượng tác phẩm thế nào? Cơ quan quản lý có ý kiến gì về thị trường tranh giả - tranh thật ở Việt Nam?
Câu hỏi chất lượng tranh ở triển lãm, bảo tàng...
Năm ngoái, giới mỹ thuật cũng ồn ào khi tranh giả, tranh nhái được mang đi triển lãm. Cụ thể, tháng 7/2016, tại cuộc triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu ở bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, nhiều người phát hiện có 15 bức tranh được cho là tranh giả (không phải bản vẽ do tác giả đứng tên thực hiện), 2 bức bị mạo danh chữ ký tác giả (họa sĩ Tạ Tỵ và họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc).
Mới đây, vào tháng 7/2017, tại Chọn Auction House (Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn – PV) trưng bày 12 tác phẩm của hai bộ tứ hội họa Việt Nam là Trí - Lân - Vân - Cẩn và Nghiêm - Liên - Sáng - Phái. Bức tranh Phố cũ được giới thiệu là của Bùi Xuân Phái với chất liệu sơn dầu, kích thước 50x40cm có mức giá khởi điểm 8.000 USD. Điều khiến giới truyền thông đặt ra nhiều thắc mắc, bởi, bức tranh này khá giống với bức Phố cũ xuất hiện trong phiên đấu giá của Sotheby’s (tại Singapore) bán 11.443USD năm 2006 và sau đó nhà Christie’s (Hồng Kông) bán 12.804 USD vào 2014.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - nơi diễn ra nhiều triển lãm có tiếng trong giới mỹ thuật. |
Chia sẻ với PV báo ĐS&PL, họa sĩ Trần Khánh Chương – Chủ tịch hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Hàng năm, các triển lãm cá nhân được tổ chức khá nhiều tại các bảo tàng mỹ thuật. Ở bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, các cuộc triển lãm này cũng thu hút được nhiều khán giả yêu mến mỹ thuật. Quy trình để tổ chức triển lãm cũng rất đơn giản, các đơn vị cá nhân có nhu cầu làm triển lãm sẽ ký hợp đồng với bảo tàng, sau đó lên cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm xin giấy phép. Quy trình này diễn ra nhanh chóng, đảm bảo cho họa sĩ có một cuộc triển lãm đúng luật”.
Trước câu hỏi, các bức tranh được trưng bày ở triển lãm, bảo tàng có đảm bảo về chất lượng và là tranh gốc của họa sĩ hay không? Ông Chương cho biết: “Cái này tôi cũng không chắc chắn, bởi mỹ thuật là một lĩnh vực rất đặc biệt. Lịch sử các cuộc triển lãm cũng ghi nhận một vài trường hợp dùng tranh nhái, tranh chép mang đi triển lãm. Chất lượng của các bức tranh ấy do cá nhân họa sĩ và bảo tàng chịu trách nhiệm thẩm định...”.
Cơ quản quản lý nói gì về tranh giả - tranh thật?
Họa sĩ Bùi Thanh Phương – con trai danh họa Bùi Xuân Phái cho biết: “Bức tranh mang tên Phố cũ xuất hiện trong triển lãm ở Nhà đấu giá nghệ thuật chọn vào tháng 7 vừa qua chính là tranh chép. Tôi có chút ít am hiểu về nghệ thuật, và theo bố từ nhỏ nên chỉ “liếc qua” là biết đó là tranh gốc hay không. Cụ Phái vẽ nhiều tranh phố cổ Hà Nội nhưng không bức nào giống bức nào và tôi nhìn vào là nhận ra ngay đâu là tranh thật, đâu là tranh giả”.
Họa sĩ Công Được chia sẻ thêm: “Hầu hết những trường hợp tranh giả ở triển lãm, bảo tàng là những vụ việc mua lại tranh rồi đem đi triển lãm. Vì thế, đôi khi người mua cũng không xác thực được nguồn gốc. Họ mua tranh giả mà cứ ngỡ là thật nên mới bị “hớ” như vậy. Các triển lãm cá nhân thì tin cậy hơn một chút. Vì đây là những tác phẩm mà tác giả đó vẽ rồi mang đi trưng bày. Tuy nhiên, hiện tượng tranh giả - tranh thật còn có sự “nhập nhèm” làm nhiều người nản lòng, và giới mộ điệu đang chờ các cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ chuyện này”.
Ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết: “Việc quy định về quản lý tranh giả - tranh thật đã có, nhưng vấn đề là các cơ quan chức năng không kiểm tra thường xuyên được để xem các cửa hàng tranh, các phòng tranh có chép đúng quy định hay không. Theo quy định, việc chép tranh phải được chủ sở hữu tác phẩm cho phép, giữa họ phải có những thoả thuận dân sự như hai bên có quyền lợi và nghĩa vụ gì. Bây giờ, cơ quan chức năng nên tăng cường kiểm tra để giảm thiểu tình trạng tranh chép, tranh nhái tràn làn trên thị trường”.
“Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm không có chức năng kiểm tra hoạt động của các phòng tranh mà là việc của Thanh tra văn hoá. Theo công ước Berne, sau 70 năm từ khi tác phẩm ra đời, người khác có quyền sao chép tác phẩm gốc, nhưng trong thời gian vẫn còn bảo hộ thì phải tuân thủ việc xin phép tác giả. Tuy nhiên, có chép lại cũng phải theo quy định, bức tranh phải to hơn hoặc nhỏ hơn tranh gốc và phải ghi rõ đây là bản chép. Chính vì không kiểm tra được điều này nên thị trường tranh hiện nay đang “trôi nổi” và khó kiểm soát được”, ông Vi Kiến Thành cho biết thêm.
Trước câu hỏi, bộ VH,TT&DL đã từng lập đoàn thanh tra để kiểm tra thị trường tranh giả - tranh thật lần nào chưa? Thứ trưởng bộ VH,TT&DL Vương Duy Biên cho biết: “Từ trước đến nay, Thanh tra bộ VH,TT&DL chưa có cuộc kiểm tra nào trên thị trường về tranh giả - tranh nhái. Cái khó nhất là trình độ thẩm định tranh, có thể tìm ra được những người có kiến thức về mỹ thuật là việc vô cùng khó. Vì thế, bộ VH, TT&DL cũng đang xem xét về việc này”.
Khó mà thẩm định được tranh của người khác Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Thanh tra bộ VH,TT&DL cho biết: “Việc thành lập đoàn kiểm tra cần nhiều yếu tố. Vì mỹ thuật là lĩnh vực cá nhân cần nhiều sáng tạo. Một người có thể thẩm định được tranh của chính mình, hoặc tranh của người thân, người bạn tri kỷ nhưng chưa chắc có thể thẩm định được tranh của người khác. Không phải vì họ không có trình độ mà thẩm định tranh cần các điều kiện rất đặc trưng. Vì thế, cũng còn nhiều vấn đề để bàn. Nếu thành lập được Hội đồng thẩm định thì việc đi kiểm tra thị trường tranh là điều cần thiết”. |
Lạc Thành
Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật số 105