+Aa-
    Zalo

    Vé xe giá cắt cổ ở Bệnh viện Nhi Trung ương, tiền vào túi ai?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Không chỉ công khai thu tiền giá vé gửi xe gấp đôi, gấp ba so với quy định của UBND TP Hà Nội, tổ trông xe ở Bệnh viện Nhi Trung ương còn không niêm yết giá theo quy định của Cục thuế Hà Nội.

    “Công nghệ” sản xuất vé thu tiền gửi xe "cắt cổ" ở các bệnh viện
    LTS: Dù đã có nhiều chiến dịch ra quân xử phạt, nhưng nạn trông xe quá giá vẫn ngang nhiên tồn tại ở nhiều nơi trên địa bàn TP Hà Nội. Nhìn vào số lượng xe gửi và khoản tiền chênh lệch trên mỗi tờ vé tại các bệnh viện trên địa bàn nội thành Hà Nội, nhiều người chắc hẳn sẽ sốc về số tiền họ thu chênh được mỗi ngày.
    Tuy nhiên, số tiền chênh lệch đó được những người thu vé ăn chia như thế nào và hàng ngày, hàng giờ đang chảy vào túi ai đang là câu hỏi nhức nhối dư luận. Vì sao, tại các bệnh viện tuyến Trung ương mà vẫn tồn tại những cảnh được coi là "địa phương" như thế? Ai tiếp tay cho tình trạng này tồn tại? Từ số này, báo ĐS&PL đăng tải loạt bài: "Cận cảnh thu phí "cắt cổ" tại bãi gửi xe ở các bệnh viện trên địa bàn nội thành Hà Nội, tiền vào túi ai?" nhằm phản ánh sự thật, những gì phóng viên chứng kiến được ở các bãi gửi xe tại bệnh viện và cố gắng làm sáng tỏ việc có hay không những kẻ chuyên mang danh Nhà nước ăn bám trên lưng người bệnh?
    Bài 1:  Đội giá vé xe ở bệnh viện Nhi Trung ương, tiền chui vào túi ai?
    (ĐSPL)- Không chỉ công khai thu tiền giá vé gửi xe gấp đôi, gấp ba so với quy định của UBND TP Hà Nội, tổ trông xe ở bệnh viện Nhi Trung ương còn không niêm yết giá theo quy định của cục Thuế Hà Nội.
    Một mảnh giấy sơ sài được họ gọi là vé chỉ ghi lờ mờ phía trên chữ tổ trông xe bệnh viện Nhi và được tách rời từ trước, không đi liền với cuống vé. Chẳng ai biết được, việc thu sai quy định của những người này được thực hiện từ bao giờ và có được những ai dung túng và dung túng ra sao?
    Bất chấp các văn bản quy định
    8h sáng một ngày đầu tháng bảy, PV báo Đời sống và Pháp luật có mặt trước cổng bệnh viện Nhi Trung ương (đường La Thành, Hà Nội). Mặc dù vẫn còn sớm nhưng đã có hàng trăm người đang tiến vào cửa gửi xe của bệnh viện này. Theo quan sát của PV báo ĐS&PL, bệnh viện Nhi Trung ương có hai bãi trông giữ xe. Một bãi ở gần khu khám bệnh và một bãi tại khu bệnh nhân lưu trú điều trị. Sau khi ghi vé xe cho khoảng 30 người, người đàn ông mặc áo đen, thuộc tổ trông giữ xe gần khu khám bệnh, kiểm soát luồng xe từ trong ngoài hất hàm bảo một nhân viên khác đóng gác, không cho bất cứ xe nào vào gửi thêm nữa. Bởi bên trong, lượng xe đã xếp kẹt cứng lối đi. Ngay lập tức, người thanh niên này cầm chiếc biển sắt ra đứng giữa lối đi. Hễ xe nào tiến vào, anh ta liền xua tay, đuổi khách về phía bãi gửi xe ở khu vực bệnh nhân lưu trú. Tuy nhiên, nhìn từ đằng xa, bãi gửi xe bên kia cũng đã trưng biển hết chỗ.
    Quan sát ở cửa ghi vé xe của các tổ trông xe này, chúng tôi cảm thấy ngỡ ngàng trước số lượng xe ra vào. Chỉ đứng ở đó khoảng 15 phút, chúng tôi ghi nhận được khoảng hơn 100 lượt xe xuất bãi. Theo đó, cứ lượng xe nào vừa ra, tổ bảo vệ lại cho đúng lượng xe đang đợi ở phía ngoài vào gửi. Có nghĩa là, chỉ khoảng 15 phút mở cửa, những nhân viên ở đây lại phải bịt lối vào một lần. Có lẽ điều đáng nói ở chỗ, số tiền mà họ thu từ mỗi người gửi xe vượt gấp đôi so với quy định. Theo phản ánh của người nhà bệnh nhân và trực tiếp PV chứng kiến, các nhân viên thuộc tổ trông giữ xe của bệnh viện Nhi Trung ương đều thu 5.000 đồng/vé/lượt vào ban ngày. Liệu với lưu lượng xe và số tiền thu quá quy định như vậy, một ngày các nhân viên của tổ trông giữ xe ở bệnh viện này thu được bao nhiêu tiền từ bệnh nhân?
    Theo tìm hiểu của PV, tại kỳ họp thứ 8 HĐND TP.Hà Nội khóa XIV diễn ra cuối năm 2013 đã ra Nghị quyết 26/2013/NQ-HĐND về việc ban hành, sửa đổi một số loại phí, lệ phí trên địa bàn. Theo các chuyên gia ngành giao thông và người dân Hà Nội, sự điều chỉnh này được cho là phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với phí trông giữ phương tiện, có sự phân vùng để điều chỉnh mức thu trên cơ sở quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Ngay sau khi có Nghị quyết, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 60/2013/Qé-UBND về việc sửa đổi mức thu phí trông giữ xe đạp, xe máy. Theo đó, kể từ ngày 1/1/2014, tại địa bàn các quận nội thành và huyện Từ Liêm - bây giờ là quận Nam và Bắc Từ Liêm, phí trông giữ xe đạp (kể cả xe đạp điện, xe máy điện) là 2.000 đồng/lượt (ban ngày), 3.000 đồng/lượt (ban đêm). Đối với xe máy, mức phí trông giữ là 3.000 đồng/lượt (ban ngày), 5.000 đồng/lượt (ban đêm), 7.000 đồng cả ngày và đêm. Đối với các chợ, trường học, bệnh viện (không phân biệt địa bàn), phí trông giữ xe đạp (kể cả xe đạp điện, xe máy điện) là 1.000 đồng/lượt (ban ngày), 2.000 đồng/lượt (ban đêm). Đối với xe máy, mức phí trông giữ là 2.000 đồng/lượt (ban ngày), 3.000 đồng/lượt (ban đêm), 4.000 đồng cả ngày và đêm.
    Tuy nhiên, quy định là như vậy nhưng việc các bãi trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội có thực hiện đúng hay không lại là chuyện khác. Đơn cử như việc thu vé xe gấp đôi quy định ở bệnh viện Nhi Trung ương. Việc đội giá vé lên quá cao khiến nhiều người dân cảm thấy bức xúc mỗi khi gửi xe ở bệnh viện này, cơ quan chức năng có biết. Lãnh đạo bệnh viện Nhi Trung ương chắc chắn không thể không biết? Vì sao vẫn tồn tại tình trạng này?
    Đội giá vé xe ở bệnh viện Nhi Trung ương, tiền chui vào túi ai?

    Với số lượng xe lớn, mỗi ngày không biết bệnh viện này thu được bao nhiêu tiền trông xe quá giá vé quy định.

    Thu tiền "khủng" từ vé giữ xe tự tạo
    Phải chờ đến 10h30, ở bãi gửi xe gần khu khám bệnh, khi nhiều người nhà bệnh nhân lấy xe ra, PV mới được một nhân viên của tổ trông xe bệnh viện Nhi Trung ương cho vào. Khi vào gửi xe, chúng tôi nhận được một mẩu giấy ghi biển kiểm soát của xe mà nhân viên ở đây gọi đó là vé. Chiếc vé này được tự làm với nội dung sơ sài. Trên vé chỉ ghi dòng chữ: Vé trông giữ xe, Vé chỉ có giá trị trong ngày và một dòng chữ lờ mờ được đóng thành khung đỏ Tổ trông xe Viện Nhi. Ngoài ra, trên tờ giấy này không thấy niêm yết giá của cục Thuế Hà Nội, mã số thuế của đơn vị.
    Sau khi để xe trong bãi, chừng 10 phút sau, chúng tôi quay vào dắt xe ra về và lấy vé trả lại thì được một nhân viên trông xe yêu cầu trả phí 5.000 đồng. Dù biết trước sẽ bị thu và phải nộp cái mức giá đó mới được dắt xe ra khỏi bãi, nhưng tôi vẫn thắc mắc: "Quy định của TP. Hà Nội ban hành phí gửi xe ở bệnh viện chỉ có 2.000 đồng, sao ở đây lại thu đến 5.000 đồng?". Một nhân viên trông giữ xe thản nhiên trả lời: "Quy định ở đây nó thế, lần sau không gửi thì đi chỗ khác". Khi chúng tôi hỏi, phí gửi qua đêm ở đây là bao nhiêu, thì anh ta đáp lí nhí trong cổ họng: 10.000 đồng. Như vậy, so với Quyết định số 60 của UBND TP.Hà Nội, số tiền mà tổ trông giữ xe của bệnh viện Nhi Trung ương đã thu đội lên 3.000 đồng/vé/lượt/ngày và 6.000 đồng/vé/lượt/đêm.
    Thấy tôi tỏ ra khó hiểu, chị Nguyễn T.T. (ngụ quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đi ngay đằng sau cười bảo: "Có gì mà bức xúc hả chú. Họ thu 5.000 đồng tiền vé xe là chuyện thường mà. Hai tuần nay, tôi trông con ốm ở viện, mỗi lần chạy ra ngoài là họ lại thu 5.000 đồng/vé. Còn gửi xe qua đêm là 10.000 đồng. Có hôm đi nhiều, vợ chồng tôi mất cả 60-70.000 đồng tiền vé xe. Biết là họ thu sai nhưng mình làm gì có chỗ nào gửi nữa nên đành im lặng. Không những thu quá quy định, họ còn đuổi khách xơi xơi". Cũng theo chị T. thỉnh thoảng cũng có người gửi lần đầu, thấy tổ trông xe thu tiền vé gấp đôi quy định cũng lời to tiếng nhỏ, phản ứng lại. Tuy nhiên, dù có phản ứng đến đâu đi chăng nữa thì họ vẫn phải móc 5.000 đồng ra trả. Bởi theo người phụ nữ này, "luật ở đây nó vậy. Chúng tôi có bệnh mới phải đến bệnh viện thăm khám, điều trị. Ai cũng khốn khổ, tiền ăn uống phải tiết kiệm từng đồng thế mà những người này còn bóc lột tiền vé xe thậm tệ đến như vậy. Chẳng hiểu lương tâm họ để ở đâu nữa", chị T. bức xúc.
    Sau khi rời bãi gửi xe này, PV tiếp tục sang bãi gửi xe gần khu bệnh nhân lưu trú. ở đây, giá vé gửi ban ngày cũng bị các nhân viên đẩy lên 5.000 đồng/lượt và 10.000 đồng qua đêm. Khi chúng tôi phản ứng, nhân viên của bãi gửi xe này trả lời rằng: "Quy định là như thế, không muốn gửi thì đi chỗ khác".           

    Có dấu hiệu hình sự

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, luật sư Nguyễn Huy An (đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng: Năm 2013, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 60/2013/Qé-UBND về việc sửa đổi mức thu phí trông giữ xe đạp, xe máy. Theo đó, phí trông giữ xe đạp (kể cả xe đạp điện, xe máy điện) là 2.000 đồng/lượt (ban ngày), 3.000 đồng/lượt (ban đêm). éối với xe máy, mức phí trông giữ là 3.000 đồng/lượt (ban ngày), 5.000 đồng/lượt (ban đêm), 7.000 đồng cả ngày và đêm. Tuy nhiên, tình trạng thu phí quá quy định vẫn diễn ra ở hầu hết các bến xe và ngang nhiên thách thức quy định của UBND TP. Hà Nội và bất chấp sự phản ứng của người dân. Đối với các đơn vị thu tiền vé sai quy định phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền thu sai này cho các đơn vị kinh doanh vận tải. Nếu không hoàn trả, người dân có quyền khởi kiện ra tòa án để được giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự. Ngoài ra, việc các bãi gửi xe thu tiền quá quy định, chiếm đoạt số tiền lớn, trong một thời gian dài, có hệ thống, có dấu hiệu của vi phạm hình sự.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ve-xe-gia-cat-co-o-benh-vien-nhi-trung-uong-tien-vao-tui-ai-a44644.html
    Bến xe áp giá

    Bến xe áp giá "trên trời" vì độc quyền

    Tăng đột biến giá dịch vụ xe ra, vào bến, áp thêm các loại dịch vụ mới, 1 phương tiện phải chịu hai khoản thu ở cả hai bến là thực trạng đang diễn ra tại Bến xe Cần Thơ.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Bến xe áp giá

    Bến xe áp giá "trên trời" vì độc quyền

    Tăng đột biến giá dịch vụ xe ra, vào bến, áp thêm các loại dịch vụ mới, 1 phương tiện phải chịu hai khoản thu ở cả hai bến là thực trạng đang diễn ra tại Bến xe Cần Thơ.