Người ta vẫn thường nói "giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng", và câu chuyện dưới đây là một minh chứng rõ ràng nhất.
Theo đó, ngày về ra mắt, dù đã ghi được thiện cảm trong mắt mẹ người yêu nhưng cô gái vẫn không thể vượt qua được cửa ải của cô em chồng tương lai.
'Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng" - Ảnh: Minh họa |
Nguyên văn bài chia sẻ như sau:
"Người yêu em làm nhà nước nên đợt dịch này vẫn phải đi làm. Nay ngày nghỉ anh có gọi em qua ăn cơm. Em và anh ấy quen nhau gần một năm rồi mà hôm nay em mới về nhà anh ấy.
Về phía gia đình thì em và mẹ anh ấy có kết bạn với nhau trên mạng xã hội. Chắc là anh ấy cho hay gì đó. Và em cũng nói chuyện với mẹ anh ấy qua mạng rồi.
Nay em sang thì nhà anh ấy cũng làm cơm bình thường thôi chứ không phải cỗ bàn gì cầu kỳ nên em cũng không quá khó khăn trong việc giúp bác ấy.
Nhà người yêu thì chỉ có ba người là bác gái, người yêu em và cô em gái của anh ấy. Chuẩn bị gần hết còn nồi canh nữa thì bác gái bảo em nấu giúp để bác đi tắm rồi ăn cơm. Nói chung bữa ăn vui vẻ chứ cũng không gặp vấn đề gì. Nãy người yêu em chở em gái đi mua đồ linh tinh nên em tự bắt xe về.
Về đến nhà thì người yêu em nhắn như này ạ: 'Sau em nấu canh em đừng cho nước mắm vào nhé. Cái Giang nó bảo nấu kiểu nhà quê, chỉ có bọn nhà quê mới ăn cái kiểu đấy thôi. Vừa khắm vừa quê'.
Từ bé đến giờ nấu canh em vẫn hay bỏ 1/2 giọt mắm vào cho thơm và đậm vị, chưa bị ai nói hay gì cả. Hôm nay em bị nói thế này thấy tủi thân quá. Chẳng biết phải nói gì mọi người ạ".
Kèm theo bài đăng là đoạn tin nhắn của cô với người yêu. Trong tin nhắn anh chàng cũng an ủi bạn gái rằng do em gái hay nói thẳng thôi chứ không có ý gì sâu xa, mong cô đừng buồn.
Đoạn nói chuyện giữa cô gái và bạn trai. |
Đọc xong bài tâm sự của cô gái, hội chị em ai cũng "nóng mặt". Song người bị chỉ trích nhiều nhất trong câu chuyện này lại chính là nhân vật bạn trai. Bởi, có thể em gái anh không vừa lòng nhưng chàng trai nên biết cách diễn giải cho bạn gái hiểu. Thay vì bê nguyên xi câu nói "sát thương" của cô em nói với người yêu mình.
Việc nấu canh có cho thêm 1 vài giọt mắm vào hay không là do khẩu vị của mỗi nơi. Nên không thể dựa vào đó mà miệt thị, dè bỉu người khác như vậy.
- "Quan trọng là cách nói thôi, chứ mỗi nơi một khách. Nhận xét cũng phải biết lựa lời mà nói chứ."
- "Ăn uống là tùy vùng miền, tùy gia đình, không phải nhà quê mới cho mắm nhé. Nói như kiểu kinh thường người khác ấy."
Trong khi đó, một số chị em còn khuyên cô gái "phản pháo" lại cực chất như thế này.
"Mẹ anh khen em khéo là mẹ biết nhìn người đấy. Còn nấu ăn mỗi nơi một khẩu vị khác nhau em sẽ học hỏi thêm để trở thành cô vợ hoàn hảo của anh. Còn hôm nào anh sang chơi, em gửi cho Giang cái dũa nhé. Chắc con bé sẽ cần để dũa lại cái nết".
Lời tư vấn của hội chị em khá thâm thúy và "cao tay" khi đối phó với cô em khó tính của anh chàng trong câu chuyện. Mong rằng cô gái sẽ tìm được cách giải quyết hợp tình hợp lý và ít mất lòng mọi người.
Quỳnh Chi(T/h)