Bao quanh mình cả một cung điện lộng lẫy, loài larvacean khổng lồ dưới đáy biển sâu ngày đêm cần mẫn lọc nước và giúp duy trì cuộc sống cho các sinh vật ở tầng đáy.
Sâu bên dưới đại dương tồn tại một loài sinh vật chỉ nhỏ hơn lòng bàn tay nhưng được mệnh danh là "anh nuôi" của đáy đại dương.
Chân dung Larvacean. |
Với đầu to tròn và đuôi dẹt, những động vật không xương sống trong suốt này trông như những con nòng nọc ma khổng lồ.
Tuy kích thước nhỏ bé như vậy nhưng "ngôi nhà" của sinh vật màu xanh dương này có thể dài tới 1m. Trông giống như chúng tự mang cả một cung điện lộng lẫy di động theo mình vậy.
Cận cảnh chiếc tổ tuyệt đẹp của ấu trùng khổng lồ với sinh vật larvacean màu xanh dương ở giữa. |
Loài larvaceans sống cách mặt nước khoảng vài trăm mét. Bằng cách hấp thụ, xử lí tất cả các chất dinh dưỡng trôi nổi trên bề mặt đại dương, Larvaceans đã giúp duy trì cuộc sống của các sinh vật ở tầng đáy.
Theo công bố mới nhất trên Nature, bằng công nghệ laser, các nhà khoa học đã đưa robot xuống vùng biển cách mặt nước 400m để chụp những “ngôi nhà siêu sang” của sinh vật phù du này. Những bức ảnh thu được đã cho thấy loài larvacean khổng lồ sống trong cái tổ 2 lớp lồng vào nhau: 1 tổ ở bên trong và 1 tổ bọc ngoài.
“Hãy hình dung ngôi nhà của sinh vật này giống như bộ não với não ở trong và phần sọ bọc ngoài”, Kakani Katija, trưởng nhóm nghiên cứu, làm việc tại Viện Nghiên cứu đại dương vịnh Monterey (MBARI), cho biết hôm 4/6.
Tổ bên ngoài có nhiệm vụ bảo vệ sinh vật khỏi các kẻ thù - làm cho kẻ săn chúng khó phát hiện hơn đồng thời là một hàng rào bảo vệ tổ bên trong với cơ chế lọc nước, giữ lại các chất không cần thiết. Tổ bên trong sẽ thu thập tất cả các thức ăn thông qua một ống nhỏ mà tổ ngoài đã lọc. Katija đánh giá cơ chế lấy thức ăn này rất tinh vi.
Trong 1 giờ, một con larvacean có thể lọc sạch gần 19 lít nước như loại nước chúng ta hay sử dụng hàng ngày. Những larvaceans khổng lồ có thể lọc toàn bộ nước xung quanh chúng trong Vịnh Monterey (Mỹ) trong vòng 500 ngày. Nếu toàn bộ cá thể cùng làm việc một lúc với năng suất đều đặn, lượng nước tương tự sẽ được lọc sạch chỉ trong vỏn vẹn 13 ngày. Và thông qua năng lực này, các thức ăn đi theo luồng nước cũng sẽ được thanh lọc để di chuyển giữa các tầng của đại dương.
Điều khiến các nhà khoa học vô cùng ngạc nhiên là khả năng xây tổ của larvacean. “Thuộc loài động vật có dây sống nhưng larvacean chỉ có các tế bào đơn giản ở đầu có nhiệm vụ tiết ra các chất nhầy rồi làm phồng nó lên thành một “lâu đài phao”, giống như quả bóng xẹp rồi được bơm căng một lần duy nhất. Mọi thứ diễn ra chưa đầy trong 1 giờ”, Katija cho biết.
Các nhà nghiên cứu đã có thể tạo được mô hình không gian 3 chiều ngôi nhà của sinh vật phù du bằng laser. |
Một điều bất ngờ khác là chiếc tổ này chỉ có giá trị trong 1-2 ngày, khi bộ lọc bị tắc và tổ ngoài chứa đầy các chất bẩn thì sinh vật larvacean sẽ rời khỏi đó và làm một chiếc tổ đôi mới. Ngôi nhà cũ chứa đầy các chất bẩn sẽ chìm xuống đáy biển, trở thành thức ăn của các loài sinh vật khác.
Mặc dù tổ làm bằng chất nhầy của larvacean được quan sát từ những năm 1960 nhưng các nhà khoa học rất khó khăn để hiểu được cơ chế hình thành. Những cấu trúc gelatin này mỏng manh đến mức bạn không thể lấy mẫu để phân tích.
Nhờ máy quét laser MBARI, các nhà khoa học đã có thể quan sát được chi tiết hoạt động của sinh vật này thông qua các bức ảnh chụp liên tục bằng laser và dùng kỹ thuật dựng lại hình ảnh không gian 3 chiều.
Larvaceans được xem như một hệ thống tiêu hóa khổng lồ kỳ diệu của đại dương, tái sử dụng và vận chuyển hiệu quả toàn bộ chất dinh dưỡng mà không hề lãng phí. Và với tình trạng thức ăn khan hiếm ở các tầng đáy, sự tồn tại quan trọng của chúng là không thể bàn cãi.
Minh Khôi(T/h)