+Aa-
    Zalo

    Vay tiêu dùng: Kinh hoàng cách đòi nợ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Theo các luật sư, người vay tiêu dùng thường xuyên bị gọi điện đe dọa, quấy rối để đòi tiền vào nửa đêm hay sáng sớm...

    (ĐSPL) - Theo các luật sư, trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, bức xúc nhất của người khiếu nại là cách thức đòi nợ của bên cho vay.

    Nói một đường, hợp đồng một nẻo

    Thông tin trên báo Dân trí, theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam là thị trường mới nổi và có tiềm năng lớn về tín dụng tiêu dùng. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường mà pháp lý chưa hoàn thiện, bản thân người tiêu dùng cũng chưa nhận thức đúng về quyền lợi của mình nên dễ sa vào “bẫy” của các công ty tài chính.

    Khi mời chào khách hàng, nhân viên tín dụng luôn dùng những lời "có cánh”: Nào là lãi suất thấp, nhiều ưu đãi, lịch thanh toán dài hạn… để lôi kéo người tham gia vay mua các sản phẩm tiêu dùng như xe máy, tủ lạnh, tivi, điện thoại.... Trong hợp đồng vay luôn có những điều khoản tưởng như có lợi cho bên cho vay nhưng thực tế lại có 1 số ràng buộc đẩy lãi suất lên rất cao.

    Ngày 22/7, tại TP HCM, Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo về thực trạng và giải pháp vay tiêu dùng. Các đại biểu đã nêu ra khá nhiều chiêu của các công ty cho vay tiêu dùng để dụ khách hàng sập bẫy khiến khiếu nại trong lĩnh vực này gia tăng.

    Ông Phan Thế Thắng, phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh, cho biết đa số người khiếu nại về vay tiêu dùng thời gian gần đây là người có tuổi. Nội dung khiếu nại chủ yếu là về lãi suất vay.

    Trong đó người tiêu dùng phản ánh họ được nhân viên của bên cho vay tư vấn mức lãi suất vay rất thấp nhưng đến khi phát hiện thì hợp đồng có lãi rất cao, có khi lên đến 60\%-70\%/năm, thậm chí cao hơn.

    Nhân viên tư vấn nói một đàng nhưng hợp đồng một nẻo. Cụ thể, để đưa khách hàng vào bẫy lãi suất cao, một số công ty tài chính có những hợp đồng in sẵn, với những điều khoản có lợi cho bên cho vay và bỏ trống hoặc viết mập mờ mức lãi suất cho vay.

    Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong bảy năm vừa qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đã tăng trưởng trung bình gần 20\%/năm. Uớc tính hiện có khoảng 15,8 triệu người là khách hàng tiềm năng của các công ty cung cấp tín dụng tiêu dùng.

    Hợp đồng chính thức thường gửi đến cho người tiêu dùng sau ba ngày. Nhiều người đã không để ý đọc lại hợp đồng, đóng tiền vài tháng mới phát hiện và phải ngậm quả đắng.

    “Thậm chí có trường hợp nhân viên tư vấn giới thiệu vay với lãi suất 0\%. Mức lãi suất này là có thật nhưng phải xem kỹ điều khoản kèm theo. Bởi mức lãi vay 0\% chỉ áp dụng cho sáu tháng đầu, còn từ tháng thứ bảy trở đi là bẫy lãi suất” - ông Thắng cảnh báo.

    “Bẫy” ở chỗ số lãi từ tháng thứ bảy trở đi được tính trên số tiền gì thì người tiêu dùng không hỏi cho rõ. Hóa ra lãi này tính trên tổng số tiền vay từ tháng thứ nhất chứ không tính trên dư nợ giảm dần (số tiền thực tế còn nợ), nên thực tế là lãi rất cao.

    Ví dụ người tiêu dùng mua điện thoại giá 18 triệu đồng, phải trả trước 50\% tương đương 9 triệu đồng, rồi mới được vay tiêu dùng để trả nốt phần 9 triệu đồng còn lại trong 12 tháng, lãi suất 2\%/tháng. Trong sáu tháng đầu, lãi suất 0\%, đã trả được 4,5 triệu đồng. Nhưng từ tháng thứ bảy trở đi phải trả lãi 2\%/tháng trên đúng 9 triệu đồng trong khi thực nợ chỉ còn có 4,5 triệu đồng.

    “Có những trường hợp vay tiêu dùng để mua tủ lạnh 10 triệu đồng, song tổng cộng phải trả lên đến 17-18 triệu đồng” - ông Thắng kể.

    Vay tiêu dùng đang len lỏi đến mọi ngõ ngách của các thành phố lớn. (Ảnh: Dân trí).

    Kinh hoàng cách thức đòi nợ

    Thông tin trên báo Người lao động, luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM, cho rằng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, bức xúc nhất của người khiếu nại là cách thức đòi nợ của bên cho vay. “Người vay thường xuyên bị gọi điện đe dọa, quấy rối để đòi tiền vào nửa đêm hay sáng sớm khiến họ bị khủng hoảng tinh thần. Không chỉ nhắc người vay trả nợ chậm, đôi khi việc nhắc nợ “khó nghe” được thực hiện trước thời điểm thanh toán 1-2 ngày.

    Do quá mệt mỏi, người vay muốn trả nợ sớm một lần thì được thông báo số tiền phải đóng để chấm dứt hợp đồng sớm quá cao, tương đương trả chậm, với lý do “vi phạm hợp đồng” khiến họ thêm bức xúc. Khi mời 2 bên đến làm việc thì mới biết công ty tài chính không trực tiếp thu hồi nợ mà thuê một công ty khác đòi nợ. Công ty tài chính cũng không biết nhân viên đòi nợ đối xử ra sao với người vay. Thực tế khá phổ biến là người tiêu dùng không đọc hợp đồng mà ký đại, đến khi xảy ra chuyện mới lôi hợp đồng ra xem” - bà Thu nhận định.

    Cục Quản lý cạnh tranh dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, 7 năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đã tăng trưởng trung bình gần 20\%/năm, ước tính hiện có khoảng 15,8 triệu người là khách hàng tiềm năng của các công ty cung cấp tín dụng tiêu dùng. Còn theo báo cáo của một công ty hoạt động trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, trong 2 năm 2013-2014, lợi nhuận của công ty này tăng 38,7\%; tổng tài sản tăng 124,7\% từ 2.611 tỉ đồng lên 5.867 tỉ đồng.

    Ông Phan Thế Thắng, Phó Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Cục Quản lý cạnh tranh), cho biết cùng với sự phát triển nóng của thị trường thì các khiếu nại của người tiêu dùng cũng gia tăng. Tại nhiều nước, dịch vụ tài chính luôn dẫn đầu danh sách khiếu nại của người tiêu dùng với khoảng 50\%.

    Theo TS Phan Thế Công (Khoa Kinh tế và Luật Trường ĐH Thương mại Hà Nội), pháp luật chưa có quy định riêng về điều kiện, giới hạn, quy trình cho vay tiêu dùng. Nhìn chung những quy định hiện hành đã lạc hậu so với thực tế đa dạng của tín dụng tiêu dùng. Về lãi suất cho vay, các công ty tài chính đang áp dụng mức quá cao, từ 20\%-60\%/năm và áp dụng nhiều khoản phí, khoản phạt để lách quy định của pháp luật.

    Luật gia Phan Thị Việt Thu đề xuất: “Nên buộc doanh nghiệp phải cho người vay biết chi tiết các khoản cần đóng nhằm khuyến khích thị trường phát triển lành mạnh, cân bằng lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp và xã hội”.

    Hợp đồng vay tiêu dùng chính thức thường gửi đến cho người tiêu dùng sau ba ngày. Nhiều người đã không để ý đọc lại hợp đồng, đóng tiền vài tháng mới phát hiện và phải ngậm quả đắng. (Ảnh minh họa).

    Cẩn trọng khi vay

    Theo ông Thắng, pháp luật hiện hành đã có đầy đủ các quy định để bảo vệ người tiêu dùng khi tham gia vay mua hàng tiêu dùng như: bên cho vay phải công bố đầy đủ, rõ ràng tất cả các thông tin (lãi suất cho vay, các loại phí, tổng số tiền phải trả, các điều khoản về vỡ nợ, chậm trả…); nêu rõ phương thức cho vay...

    Tuy nhiên, các công ty tài chính cũng có đủ cách để lách luật nhằm lừa người tiêu dùng lọt vào “bẫy” lãi suất cao. Thủ thuật thường dùng nhất là bố trí các điều khoản lắt léo trong hợp đồng. Các công ty này cũng thường hối thúc và không cho người tiêu dùng thời gian đọc kỹ hợp đồng, thậm chí là yêu cầu người tiêu dùng ký nhận mua hàng trước và gửi hợp đồng sau qua đường bưu điện…

    Do đó, ông Phan Thế Công kiến nghị: “Để bảo vệ người tiêu dùng thì phải tăng cường tuyên truyền về quyền lợi của người tiêu dùng, tăng hiểu biết pháp luật về hoạt động tín dụng và hợp đồng, quyền khởi kiện của người tiêu dùng. Ngoài ra, pháp luật cũng cần có quy định cụ thể về “thời gian hợp lý” nghiên cứu hợp đồng”.

    Theo ông Công, nếu người tiêu dùng phát hiện mình mắc “bẫy” vay lãi suất cao hoàn toàn có thể nhờ cơ quan bảo vệ người tiêu dùng can thiệp, khởi kiện dân sự để buộc trả mức lãi về mức lãi trần (20\%/năm) như Bộ luật Dân sự 2015 quy định. Thậm chí, nếu cấu thành yếu tố phạm tội thì người cho vay còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “cho vay nặng lãi” với mức phạt từ 6 tháng đến 5 năm.

    Ông Phan Thế Thắng, Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng khuyến cáo người tiêu dùng cẩn trọng khi vay tiêu dùng: “Khi chúng ta tham gia vay tiêu dùng cần lập kế hoạch mua sắm cụ thể, đảm bảo nguồn thu nhập ổn định để trả, lựa chọn công ty tài chính uy tín, kiểm tra mẫu hợp đồng vay đã được cơ quan bảo vệ người tiêu dùng chấp nhận hay chưa…”.

    Ông cũng khuyến cáo người tiêu dùng những điều tuyệt đối không nên làm như: vay để trả cho 1 khoản nợ khác, vay để mưa sắm tài sản chưa cần thiết, vay mua giùm người khác..

    Ngọc Anh (Tổng hợp)

    Nguồn: Người đưa tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vay-tieu-dung-kinh-hoang-cach-doi-no-a140852.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan