Dốc toàn lực truy tìm con nợ
Trên các hội nhóm mạng xã hội, hàng ngày các con nợ truyền tai nhau câu chuyện vay nợ các app (ứng dụng) online đến hẹn không trả, sau đó bị con nợ truy tìm khắp nơi. Dù câu chuyện vay tiền của mỗi người khác nhau xong khi bùng nợ thì hầu như những người này đều “nếm qua” đủ cách đòi nợ giống nhau.
Chia sẻ trên nhóm “Hội Bùng App Và Chia Sẻ Cách Đối Phó” hiện có gần 12.000 thành viên, tài khoản N.P.B.H kể lại, khoảng 4-5 tháng sau khi vay và đóng đủ tiền thì H. bắt đầu bùng app, thời gian đầu thật sự khủng hoảng và sống trong sợ hãi do phía chủ nợ nhắn tin, gọi điện rất nhiều, ngày đến vài chục cuộc, thông báo qua gmail, đăng thông tin vay nợ tràn lan trên mạng xã hội như zalo, facebook.
Các con nợ bàn luận xôn xao xoay quanh việc bùng nợ app online.
Không chỉ điện thoại cho con nợ, chủ nợ còn tra cứu lịch sử cuộc gọi, liên lạc với tất cả danh bạ liên lạc của con nợ để thông báo về khoản vay, bao gồm người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác… đe dọa sẽ liên tục gửi tin nhắn đến toàn bộ danh bạ của người vay trong vòng 1 tháng, in dán hình ảnh vay nợ tại địa phương...
Sau khi thông báo đến hạn thanh toán mà khách hàng chưa thực hiện nghĩa vụ sẽ làm xấu lịch sử tín dụng hiện tại, phía app vay tiền nhắn tin cho biết sẽ cử nhân viên thu hồi nợ xuống làm việc trực tiếp tại địa chỉ thường trú của khách hàng.
Không dừng lại ở đó, bên đòi nợ còn nắm được các thông tin về nghề nghiệp, chức vụ, địa chỉ công ty nơi người vay đang làm việc, nếu con nợ tiếp tục “trốn tránh, chiếm đoạt” khoản vay, các đối tượng này sẽ đến tận cơ quan đòi nợ.
Con nợ hoang mang khi chủ nợ biết địa chỉ và chức danh nghề nghiệp.
Nhiều bên khác còn đưa ra cảnh báo, nếu khách hàng không thanh toán theo đúng kỳ hạn, họ sẽ chuyển hồ sơ về công an địa phương để xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp có đủ điều kiện, khả năng thanh toán nhưng cố tình không trả thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 Điều 175 Bộ luật Hình sự (tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản).
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, các app cho vay đa số lãi suất rất cao. Theo tài khoản T.K, lúc đầu chỉ vay số tiền 10 triệu đồng, sau 2 tháng chưa đóng tiền, tổng số nợ đã lên đến 32 triệu đồng. Hay tài khoản H.M, vay 9 triệu đồng, một tháng sau phải trả số tiền gấp đôi, 18 triệu đồng…
Trong khi đó, khoản 1, Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định lãi suất vay do các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 20%/năm. Trường hợp lãi suất phải trả vượt quá quy định này sẽ phạm vào tội “cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự” quy định tại Điều 201, Bộ luật Hình sự 2015, và khách vay chỉ phải trả lại số tiền đã vay của app và phần lãi suất tối đa là 20%.
Bùng hàng trăm triệu vẫn muốn vay thêm
Trong các hội nhóm chuyên bùng nợ app online có không ít các trường hợp vay số tiền lớn lên đến hàng trăm triệu đồng, không còn khả năng trả nợ song vẫn nung nấu ý định tiếp tục vay thêm, tiếp tục bùng nợ.
Tài khoản G.K mới đây chia sẻ, đã vay và bùng nợ 28 app tương đương số tiền 90 triệu đồng, trước đó vài ngày tài khoản này thông báo mới bùng được gần 20 app, đồng thời liệt kê hàng loạt ứng dụng như: DoctorDong; vĐồng; Robocash; Ví Hải Âu, Ví Liên Hoa… Sau đó tiếp tục xin link vay tiền.
Bùng nợ 28 app với số tiền lên đến 90 triệu đồng
Còn tài khoản P.T.T thì đã vay gần 30 app, tổng số nợ hơn 200 triệu đồng, do dịch bệnh khó khăn hiện không thể trả được nữa, bên cho vay đã gọi thông báo khoản vay này cho gia đình người vay, đồng thời con nợ cũng đã trốn khỏi nơi thường trú. Người này đang rất lo lắng việc chủ nợ báo Công an, làm phiền người thân, gia đình.
Nhiều người ở trong tâm lý cực đoan, sẵn sàng đi tù vì đã không còn khả năng trả nợ, tài khoản X.L.V là một ví dụ. Người này đăng: “Con Shinhan Finance 100 triệu thì đi mấy năm vậy anh em? Mình vay 4 năm phải trả 180 triệu, trả được 2 tháng rồi, giờ mình không có khả năng nữa, chờ họ kiện thôi, tâm lý sẵn sàng đi tù rồi”.
Rất nhiều con nợ lão làng khuyên các thành viên mới nên trả đúng hạn các khoản vay từ tổ chức, đơn vị được cấp phép hoạt động, vì nếu không trả đúng hẹn sẽ bị liệt vào danh sách nợ xấu, sau này khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đồng thời tránh câu chuyện liên quan đến pháp luật. Còn các app cho vay tiền tràn lan trên mạnh xã hội thì vay được càng nhiều càng tốt nếu có cơ hội, bởi hoạt động cho vay nặng lãi là hành vi vi phạm pháp luật.
Để tiếp tục vay app, người vay chỉ cần thiết lập danh bạ điện thoại ảo, tài khoản zalo, face ảo; có giấy tờ tùy thân như CCCD/CMTND, thẻ tài khoản ngân hàng chính chủ; khai báo công việc, lương ổn định và chờ thời gian thẩm định.
Khi quá hạn và bị chủ nợ đăng thông tin bùng nợ, chủ tài khoản chỉ cần đăng thông báo nhầm lẫn thông tin, thường xuyên bị các đối tượng lạ gọi điện, nhắn tin đe dọa vì liên quan đến khoản vay không rõ ràng. Chủ tài khoản đã yêu cầu bên đòi nợ cầm hợp đồng vay nợ đến để giải quyết song các đối tượng này không phản hồi, mong bạn bè, gia đình thông cảm và bỏ qua các tin nhắn, cuộc gọi như trên.
Thị trường ngày càng xuất hiện nhiều app cho vay tiền online.
Bên cạnh luồng ý kiến khuyến khích bùng nợ app online, cũng có quan điểm khuyên mọi người không nên dấn thân vào con đường nợ nần, nhất là những người trẻ tuổi, tương lai còn dài. Bởi con đường này làm mất hết danh dự, uy tín và một khi đã sa ngã thì khó có thể làm lại cuộc đời.
Chia sẻ câu chuyện của mình, tài khoản T.T cho biết đã vay 5 app online với tổng số tiền phải trả là 30 triệu. Người này đã trả được 10 triệu, hiện đang cố gắng để trả tiếp 20 triệu đồng còn lại mong có thể trở lại cuộc sống bình thường.
Sau khi được gia đình trả nợ thay số tiền lên đến 150 triệu đồng chỉ trong 1 tháng vay tiền qua app online, một tài khoản khác tên L.L khẳng định không bao giờ dính vào con đường vay nợ vì thời gian qua gia đình đã rất khổ sở, mất danh dự uy tín với bà con hàng xóm, bản thân cũng phải sống trong chuỗi ngày lo lắng, bất an và khó tìm việc làm.
Thiếu quy định đối với hoạt động cho vay tiền qua app
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các quốc gia đều xem cho vay qua app là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, cần được cấp phép. Việc chậm trễ trong ban hành quy định quản lý dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng tài chính và gây bất ổn kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên tại Việt Nam, hiện thời chưa có quy định pháp luật quản lý chuyên ngành về hoạt động này, do vậy các cơ quan quản lý cần phối hợp rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định về điều kiện kinh doanh đối với hoạt động cho vay qua app.
Các chuyên gia tài chính, pháp lý đã nhiều lần lên tiếng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng ban hành khung pháp lý thí điểm cho các mô hình dịch vụ mới này chứ không nên kéo dài, tránh để hoạt động này ở ngoài vòng pháp luật lâu. Khung pháp lý sẽ tạo cơ hội công bằng cho các công ty được tiếp cận lẫn tham gia cung ứng dịch vụ tài chính qua app.
Thực tế, thông qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Trung tá Phạm Văn Thịnh – (Đội phó thuộc Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội) cho biết, hiện nay tình hình hoạt động vay tiền online qua app, web đang có những diễn biến khá phức tạp.
Ngày càng có nhiều app cho vay tiền với lãi suất cắt cổ, đồng thời xuất hiện nhiều hội nhóm dạy nhau cách lừa đảo chiếm đoạt tiền vay trên mạng xã hội. Cả hai hiện tượng cho vay lãi nặng và quỵt tiền vay đều đáng lên án và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Cao Thị Hoa