(ĐSPL) - Mở công ty làm ăn, rồi chuyển sang dịch vụ cho vay đáo hạn ngân hàng, song Hạnh liên tục thua lỗ dẫn đến mất khả năng chi trả. Nguy cơ lâm vòng lao lý, người đàn bà này lặng lẽ cùng chồng “cao chạy xa bay”.
Theo báo An ninh thủ đô, ngày 8/11, TAND TP mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Mai Thị Mỹ Hạnh (SN 1977) cùng chồng bị cáo tên Phạm Văn Thùy (SN 1972, đều trú ở phường Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội) về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Bị hại trong vụ án là hàng loạt cá nhân vốn có quan hệ thân thiết với các bị cáo.
Vợ chồng Mai Thị Mỹ Hạnh tại phiên tòa - Ảnh: báo ANTĐ |
Báo Giao thông đưa tin, trong thời gian (từ 2008 đến 2011) khi điều hành một doanh nghiệp trong lĩnh vực mua bán vật liệu xây dựng, vận tải và kinh doanh bất động sản trên địa bàn quận Long Biên (TP Hà Nội), Hạnh cùng với Thùy vay mượn của rất nhiều người với tổng số tiền hơn 14 tỷ đồng (Hạnh làm giám đốc, Thùy phụ giúp vợ ghi chép sổ sách và thanh toán tiền).
Đến năm 2011, nhận thấy công ty của mình đang đứng trên bờ vực phá sản và không còn khả năng trả nợ nữa, vợ chồng Hạnh và Thùy đã bỏ trốn và bị Công an TP Hà Nội phát lệnh truy nã.
Đến cuối tháng 12/2015, sau 4 năm trốn nã, hành tung của cặp vợ chồng này đã bị các trinh sát của Phòng Cảnh sát Truy nã Tội phạm, Công an tỉnh Bình Phước phát hiện khi đang làm công nhân cho một công ty ở địa phương này.
Ngày 27/12/2015, Hạnh và Thùy bị cơ quan công an bắt gọn và bàn giao cho Công an TP Hà Nội tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Điều 140. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009) 1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ một triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới một triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm: a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó; b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ trên năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; đ) Tái phạm nguy hiểm; e) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được dịch tử nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo. |
Xem thêm video:
[mecloud]xN70aTv50j[/mecloud]