+Aa-
    Zalo

    Vay lãi sắm 700 bộ đồ cắt tóc phòng tránh HIV cho dân nghèo

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Sinh ra ra và lớn lên ở một làng quê nghèo, anh Ngô Chất luôn mong sao sớm có đủ tiền đầu tư dụng cụ cắt tóc nhằm phòng tránh lây nhiễm HIV phục vụ cho bà con.

    (ĐSPL) - Sinh ra ra và lớn lên ở một làng quê nghèo của thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế), anh Ngô Chất luôn mong sao sớm có đủ tiền đầu tư dụng cụ cắt tóc nhằm phòng tránh lây nhiễm HIV phục vụ cho bà con.

    Với thiện chí ấy, trải qua 26 năm nỗ lực, anh Chất mới đạt được ý nguyện từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách của hội Nông dân tỉnh cho vay. Điều đặc biệt ở quán cắt tóc của anh là mỗi khách hàng đến đây, sẽ có một bộ dụng cụ cắt tóc riêng biệt để khỏi phải lo lắng chuyện lây nhiễm HIV.

    (bgiay)Lạ lùng người nông dân vay lãi sắm 700 bộ đồ cắt tóc phòng tránh HIV cho

    Anh Ngô Chất đang cắt tóc cho cụ Phan Viết Phong (74 tuổi) bằng những dụng cụ riêng biệt.

    Từ chuyện người trong làng nhiễm HIV

    Tiếp chúng tôi trong cơn mưa tầm tã, rét buốt của xứ Huế, anh Ngô Chất (SN 1970, trú tại thôn 8A, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) tâm sự: "Tôi xuất thân từ một gia đình nghèo khó nhưng gia đình tôi rất say mê thiện nguyện để lòng được thanh thản hơn".

    Nhấp ly trà đắng, anh Chất chia sẻ: "Tôi hành nghề cắt tóc từ năm 19 tuổi, sau 3 năm đi học nghề này. Quê tôi nghèo lắm, lúc đầu mỗi ngày chỉ vài người đến cắt tóc với thu nhập không đáng là bao. Tuy nhiên tôi vẫn luôn ấp ủ và đặt ra cho mình "tiêu chí" phải làm một việc gì đó thật có ý nghĩa giúp bà con và thanh niên ven sông Phú Bài. Nhưng "cái khó bó cái khôn", khiến tôi cặm cụi mãi cũng chỉ đủ ăn và cùng vợ lo toan việc gia đình. Vì yêu nghề cắt tóc từ nhỏ, tôi luôn tập trung vào công việc để tạo ra những mái tóc đẹp để mọi người vừa lòng. Vì thế, sau mỗi giờ làm tôi luôn tự tìm tòi học hỏi thêm trên mạng để cập nhật các kiểu tóc thời trang để tư vấn cho nhóm thanh niên trẻ tìm đến với mình. Từ đó, tiệm tóc của tôi dần dần đông khách hơn".

    Anh Chất chia sẻ thêm, trước đây người dân trong làng anh sống rất yên bình. Nhưng hơn chục năm trở lại đây rộ lên phong trào đi xuất ngoại qua nước bạn Lào làm ăn. Do cuộc sống ở xứ người phức tạp, nhiều lao động trở về và mang trên mình những căn bệnh vô phương cứu chữa, điển hình như HIV. Từ sự hoang mang của người dân, tiệm cắt tóc của anh cũng thưa dần khách do người dân sợ sẽ lây nhiễm HIV. Anh Ngô Chất trăn trở và không muốn tiệm tóc của mình bị xoá sổ chỉ vì sự hoang mang của người dân.

    Tiệm cắt tóc không bảng hiệu của anh Chất chỉ vỏn vẹn hơn 10m nhưng rất khang trang thoáng mát với máy điều hòa nhiệt độ để phục vụ người dân trong xã và các xã lân cận. Từ một tiệm cắt tóc được dựng lên bằng tre nứa, nhưng sau hơn 20 năm tích lũy cùng khoản vay của Ngân hàng Chính sách xã hội của hội Nông dân, tiệm cắt tóc của anh Chất trở nên "hoành tráng".

    Anh tươi cười chia sẻ: "Gần 30 năm làm nghề để phục vụ bà con trong làng, mãi đến đầu năm 2014 được sự quan tâm của chính quyền và hội Nông dân xã Thủy Phù mà mô hình “Cắt tóc với những dụng cụ riêng biệt từng người nhằm tránh lây nhiễm HIV” miễn phí mới được đưa vào áp dụng. Kể từ khi mô hình được triển khai và đưa vào sử dụng khiến bà con ven sông Phú Bài ai cũng vui mừng và thích thú vì bảo vệ được sức khỏe của mình.

    (bgiay)Lạ lùng người nông dân vay lãi sắm 700 bộ đồ cắt tóc phòng tránh HIV cho

    Sau mỗi lần cắt tóc, các dụng cụ được anh Chất tẩy rửa sạch sẽ.

    Đến 700 bộ dụng cụ cắt tóc riêng biết

    Theo anh Chất, mới đầu nhận được nguồn vốn, anh đầu tư mua dụng cụ như banh, kẹp gấp ráy tai, dao cạo, móc ráy tai và bông ráy tai có giá trị gần 50.000 triệu đồng. Mỗi bộ nhằm phục vụ miễn phí cho hơn 300 người dân trong xã, nhưng đến nay đã lên đến 700 lượt khách được phục vụ chu đáo để đảm bảo an toàn trong việc lây nhiễm phòng tránh HIV. Để tạo điều kiện thuận lợi và nhanh chóng trong việc phục vụ người dân, anh Chất phải sắp xếp họ tên khách hàng theo vần hoặc theo thôn rồi bỏ vào trong lọ thủy tinh. Đặc biệt có gia đình có đến 5 người đến cắt tóc, anh Chất phải chia ra 5 bộ dụng cụ riêng chứ không dùng chung một bộ.

    Từ phong cách đặc biệt của mình, anh Chất đã thu hút được nhiều khách đến làm tóc. Có những vị khách đến từ xã Thủy Thanh, phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy và thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang (Thừa Thiên- Huế) cách tiệm cắt tóc của anh Chất 30 - 40km. Điều đáng nói hơn, trong 700 bộ dụng cụ phục vụ khách thường xuyên, có hơn chục bộ dụng cụ của các vị khách làm ăn ở Lào lâu lâu về một lần được anh Chất cất riêng chứ không để chung một tủ kính. Với mục đích nhằm bảo vệ sức khỏe cho mọi người dân trong làng, sau mỗi lần "làm đẹp" xong cho họ, anh Chất sát trùng dụng cụ rất cẩn thận.

    Trò chuyện với chúng tôi, bác Đoàn Văn Hương (56 tuổi), trú tại thôn 8B, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy cho biết: "Tôi cắt tóc ở tiệm anh Chất kể từ khi anh ấy ra nghề mở tiệm riêng đến giờ. Tuy nhiên, gần một năm trở lại đây anh ấy mới phổ biến mô hình "Cắt tóc với những dụng cụ riêng biệt từng người nhằm tránh lây nhiễm HIV" cho mọi người biết. Chúng tôi rất thích thú với phong cách này".

    Cũng theo ông Hương: "Cách thời điểm anh Chất triển khai mô hình cắt tóc "kiểu mới" này hơn một năm, bạn của anh trú tại thôn 6 đang làm ăn ở nước bạn Lào bất ngờ qua đời do HIV khiến anh ấy trăn trở nên cho ra đời mô hình "độc nhất vô nhị" này. Chỉ 20.000 đến 25.000/lần cắt tóc, người dân chúng tôi luôn ủng hộ và rất thích thú mỗi khi đến đây để "làm đẹp" vì bảo đảm được vệ sinh, lại an toàn".

    Chị Lê Thị ánh Tuyết (SN 1970), vợ anh Chất cho biết: "Mô hình này ạnh Chất đã ấp ủ khá lâu nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên đầu năm 2014, anh ấy mới triển khai được từ nguồn cho vay của Hội nông dân xã nhà. Tôi luôn ủng hộ và chia sẻ để anh ấy có thêm động lực nhằm tập trung vào công việc cắt tóc được tốt hơn. Do công việc ngày càng nhiều, phải cần thêm người phục vụ khách hàng nên con trai đầu của chúng tôi là Ngô Đăng Nguyên (23 tuổi) học hết lớp 12 cũng theo nghề của bố".

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Châu Văn Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thủy Phù cho biết: "Anh Chất là một hội viên thuộc chi hội Nông dân thôn 8A, luôn đi đầu trong công tác xây dựng hội và là hội viên điển hình tiên tiến của xã nhiều năm liền. Với mô hình đầy ý nghĩa, anh Chất luôn được chính quyền và ban Chấp hành hội Nông dân xã tạo mọi điều kiện". Hàng năm hội Nông dân xin ý kiến lãnh đạo xã để phối hợp với trung tâm Y tế và trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thị xã tổ chức nhiều buổi diễn đàn tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, KHHGĐ và phòng tránh lây nhiễm HIV đến từng hội viên.

    "Nhờ được tư vấn kỹ càng qua các diễn đàn này, anh Chất đã truyền đạt lại với hội viên trong chi hội, đặc biệt anh tuyên truyền phổ biến ngay tại tiệm cắt tóc của mình mỗi khi khách lạ đến. Ngay sau khi mô hình này đưa vào phục vụ khách, tiệm cắt tóc đã có 700 khách được anh Chất đầu tư miễn phí dụng cụ làm tóc, trong đó có tôi. Đây là một mô hình "độc nhất vô nhị" của thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) nói riêng và cả nước nói chung", ông Hồng nhấn mạnh.

    Mô hình sẽ được nhân rộng ra toàn xã

     Trao đổi với PV, ông Lê Văn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Phù cho biết: "Hiện tại trên địa bàn xã có 6 người bị lây nhiễm HIV khiến lãnh đạo xã luôn lo lắng. Thế nên mô hình tiệm cắt tóc đặc biệt của anh Chất được lãnh đạo xã luôn ủng hộ. Chúng tôi cũng rất vui mừng có một nông dân tự sáng kiến ra việc làm đầy ý nghĩa này nhằm đem lại sức khỏe và an toàn trong phòng tránh lây nhiễm HIV một cách hiệu quả cho bà con. Qua đó, thời gian tới lãnh đạo xã sẽ tuyên truyền nhân rộng mô hình này ra toàn xã để đáp ứng phục vụ cho người dân".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vay-lai-sam-700-bo-do-cat-toc-phong-tranh-hiv-cho-dan-ngheo-a74011.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.