Amiăng, thứ hợp chất có chứa trong tấm lợp Prô ximăng lại vô cùng độc hại, chứa nhiều tạp chất có thể gây ung thư cho người sử dụng và nó đã được cảnh báo trên toàn thế giới. Mặc dù vậy, ở Việt Nam, nhiều người vẫn coi thường và vẫn sử dụng thứ nguyên vật liệu đã cướp đi sinh mạng hàng ngàn người và vô cùng nguy hiểm với môi trường sống này.
Rất khó phát hiện
Theo tổ chức Y tế thế giới WTO, amiăng là loại hợp chất liên kết được dùng trong việc sản xuất loại vật liệu Prô ximăng mà nhiều nước, trong đó có Việt Nam vẫn đang sử dụng rộng rãi. Theo khuyến cáo của Tổ chức này, chất amiăng là cực kỳ nguy hại cho sức khỏe con người cũng như môi trường sống xunh quanh. Cụ thể, ngay từ khâu sản xuất, những công nhân, người trực tiếp tiếp xúc với loại vật liệu này chính là nạn nhân đầu tiên. Theo một thống kê, có đến 80\% số người tiếp xúc trực tiếp với amiăng sẽ bị mắc bệnh ung thư, chủ yếu là ung thư phổi. Thế nhưng, đó chưa phải là những nạn nhân duy nhất của thứ vật liệu tai hại này bởi khi được sử dụng trong cuộc sống với tác dụng là những tấm lợp trong các ngôi nhà, nó cũng gây lên những tác hại khôn lường. Theo đó, khi người dân sử dụng nước mưa trên những mái nhà có lợp tấm Prô ximăng, chất độc hại amiăng sẽ ngấm vào cơ thể bởi nó là loại hợp chất không bị hòa tan trong nước mưa. Hơn nữa, ngay cả khi nó ngấm xuống đất và môi trường sống xunh quanh nhà, chất amiăng này vẫn có thể gây hại cho sức khỏe của con người. Cuối cùng, đó chính là việc khi phá bỏ những tấm lợp Prô ximăng này, nếu không có cách bảo vệ sức khỏe, người dân cũng hoàn toàn có thể bị bụi amiăng xâm nhập vào cơ thể. Nói tóm lại, đây là loại chất độc hại khó bị biến mất trong điều kiện tự nhiên và nó có thể gây hại lên sức khỏe và môi trường ở bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, điều làm nhiều người tỏ ra thờ ơ với loại vật liệu xây dựng độc hại này là khả năng phát bệnh của nó khá lâu. Nghĩa là, kể từ khi ngấm vào cơ thể, chất này có thể tích tụ vào khiến con người bị mắc bệnh ung thư sau khoảng thời gian lên đến 10 hay 15 năm. Có lẽ chính vì vậy mà nhiều người, nhất là những người có tiếp xúc với loại vật liệu này vẫn tỏ ra thờ ơ với tác hại của nó.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, amiăng là một loại sợi khoáng vô cơ có cấu trúc dạng sợi dài và mảnh. Amiăng được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là vật liệu xây dựng, do một số tính năng đặc biệt của nó như độ bền kéo cao, bền hóa chất, bền nhiệt, độ dẫn điện thấp, cách âm, độ mềm dẻo lớn, phù hợp với nhiều yêu cầu trong xây dựng. Với chức năng là cốt liệu gia cường, amiăng có tác dụng tăng tính cơ lý nên vật liệu tổ hợp amiăng - ximăng vẫn giữ được độ nhẹ mong muốn, song độ bền cơ học lại được tăng lên đáng kể (hơn cả vật liệu cốt sợi kim loại nhiều lần). Vì vậy, từ amiăng, người ta đã sản xuất ra nhiều thành phẩm khác nhau phục vụ cho nhu cầu đa dạng của công nghiệp và đời sống, nhưng đáng kể nhất vẫn là các vật liệu xây dựng như tấm lợp, tấm lát, gạch ngói, ống đúc…chiếm đến 2/3 nhu cầu tiêu thụ amiăng trên thế giới.
Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 40 cơ sở sản xuất tấm lợp A-C đang hoạt động (trong đó có 17 doanh nghiệp nhà nước) với năng lực sản xuất khoảng 100 triệu mét vuông tấm lợp/năm, sử dụng hơn 10.000 lao động trực tiếp. Nhìn chung, ngoài một số cơ sở có công nghệ kín, còn hầu hết các cơ sở sản xuất tấm lợp A-C đều sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu. Nhiều công đoạn của dây chuyền sản xuất chưa được cơ giới hóa hoàn chỉnh, không ít công đoạn như vận chuyển amiăng sau nghiền, đóng bao, xé bao…gây phát tán ô nhiễm ra môi trường. Với thực trạng công nghệ như vậy nên môi trường lao động đều có nồng độ amiăng cao hơn gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép. Và đó chính là mối nguy hại khôn lường mà các chuyên gia môi trường cũng như chuyên gia khoa học đã cảnh báo tới mọi người.
Còn nhiều băn khoăn
Việc đánh giá môi trường lao động trong các cơ sở sản xuất có sử dụng amiăng hiện nay được tiến hành bằng cách đếm sợi bụi amiăng trong không khí qua kính hiển vi chuyên dụng. Hiện nay, ở Việt Nam có 3 đơn vị có năng lực cao trong việc xác định mức độ ô nhiễm bụi amiăng, đó là Viện nghiên cứu Khoa Học Kỹ Thuật Bảo hộ lao động (Bộ Lao động thương binh và xã hội), Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) và Bệnh viện Xây dựng (Bộ Xây dựng). Mặc dù vậy, do đặc thù của mỗi ngành nghề và các tổ chức này nên vừa qua, nhiều tranh cãi đã xảy ra trong việc công bố tác hại cũng như việc cấm sản xuất và lưu hành loại vật liệu xây dựng có chứa amiăng. Cụ thể, Viện nghiên cứu Khoa học và Vệ sinh môi trường thì cho rằng, vật liệu này rất độc hại, có ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài tới đời sống, sức khỏe người dân và môi trường sinh thái nên đề nghị Chính phủ hạn chế và cấm, thay bằng các loại vật liệu khác bền vững, trong sạch với môi trường hơn. Ngược lại, phía Bộ xây dựng, là nơi sử dụng nhiều loại vật liệu này nhất lại phản đối bởi đây là vật liệu đang được sử dụng rộng rãi, nếu cấm sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của ngành này. Vì thế, họ đề nghị cần có lộ trình để kịp thích nghi và duy trì các hoạt động xây dựng.
Mặc dù ở các nước phát triển, amiăng đã bị cấm sử dụng từ đầu những năm 70, song vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước người ta phát hiện ra hàng loạt bệnh nhân bị tử vong do các bệnh phổi đều đã từng làm việc ở các cơ sở sản xuất amiăng. Các nhà y học Việt Nam cũng đã phát hiện ra tiềm năng gây bệnh ung thư của amiăng nhất là amiăng amphibole vào năm 1976, Nhà nước đã đưa bệnh bụi phổi do amiăng vào danh mục các bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm. Cho đến năm 2006, Việt Nam mới công nhận 3 trường hợp bệnh bụi phổi amiăng được bồi thường. Tuy nhiên, vấn đề xác định bệnh nghề nghiệp do amiăng cho đến nay vẫn chưa làm được một cách hệ thống như khám định kỳ, khám chuyên sâu cho người lao động. Số trường hợp bị ung thư do amiăng mà chúng ta phát hiện ra được rất ít do thời gian ủ bệnh lâu, hầu như khó tìm được người lao động nào làm việc ở cơ sở sản xuất quá 5 năm và chúng ta không nắm bắt được sự dịch chuyển chỗ làm việc của họ.
Amiăng, kể cả amiăng nâu, amiăng xanh và amiăng trắng là chất độc hại, không có giới hạn an toàn khi sử dụng. Trong đó, đặc biệt là amiăng nâu và amiăng xanh cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe con người, nhất là những người lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất có sử dụng amiăng. Chính vì vậy, Chính phủ đã ra quyết định nghiêm cấm việc nhập khẩu và sản xuất amiăng nâu và xanh. Đối với amiăng trắng, do hoàn cảnh kinh tế xã hội ở nước ta hiện nay, Chính phủ tạm thời chấp nhận có thời hạn và kiểm soát gắt gao việc nhập khẩu và sử dụng. Các cơ sở sản xuất có sử dụng amiăng trắng cần nâng cao trách nhiệm xã hội trong việc nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức về tác hại của amiăng để người lao động biết tự bảo vệ mình cũng như cộng đồng, tích cực cải tiến công nghệ, áp dụng các giải pháp làm sạch môi trường lao động và xử lý chất thải, trang bị đầy đủ đúng chủng loại phương tiện bảo vệ cá nhân có chất lượng cho người lao động và cộng đồng, những người vừa là động lực vừa là mục tiêu của sự phát triển bền vững của đất nước.
CHÚNG TÔI TIẾP NHẬN TẤT CẢ CÁC THÔNG TIN PHẢN ÁNH VỀ VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG CỦA BẠN ĐỌC 24/24H
LIÊN HỆ: VIỆN NGHIÊN CỨU MÔI TRƯỜNG VÀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI\_PHÂN VIỆN PHÍA NAM
ĐỊA CHỈ: 58 Nguyễn Phi Khanh, Phường Tân Định, Quận 1
HOTLINE: 0988.66.66.88 - - 08.6683.7519
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vat-lieu-amiang-moi-nguy-hiem-bi-coi-thuong-a46026.html