(ĐSPL) – Người dân Vanuatu có tục lệ nhảy "lao đầu xuống đất" mạo hiểm bằng những phương pháp thô sơ, thách thức cả tử thần trước cái chết cận kề.
Vanuatu là đảo quốc nằm ngoài khơi Thái Bình Dương, cách phía đông Australia 1.750 km và không quá xa về phía nam quần đảo Solomon. Dù nền kinh tế chưa phát triển, Vanuatu vẫn được biết đến với trò chơi mạo hiểm thách thức cả tử thần. Đó là nghi lễ truyền thống "Lao mình xuống đất" (Nagol), được tổ chức từ tháng 4 tới tháng 6 hàng năm ở phía nam đảo Pentecost. Sở dĩ nghi lễ này diễn ra vào thời điểm này vì đây là tháng sau mùa mưa khi những cây dây leo dùng để buộc cổ chân có độ dẻo dai và tính đàn hồi tốt nhất.
Nghi lễ thách thức tử thần
Trong nghi lễ truyền thống này, những người đàn ông trong vùng sẽ trèo lên một cái tháp gỗ có độ cao khoảng 100 bước chân và nhảy xuống đất với hai dây leo cây quấn quanh mắt cá chân. Theo tín ngưỡng, cú nhảy từ độ cao càng lớn thì mùa màng càng bội thu.
|
Nghi lễ thách thức tử thần của người dân Vanuatu. |
Cú nhảy lý tưởng là nhảy từ độ cao lớn và vai phải tiếp đất. Người thực hiện sẽ bắt chéo hai tay trước ngực để tránh chấn thương tay, đầu cúi xuống để vai có thể chạm đất. Vì thực hiện nhảy ở độ cao lớn và không có thiết bị bảo vệ an toàn, trò chơi này được xếp vào danh sách những tục lệ nguy hiểm nhất thế giới.
Đối với những du khách tham quan, ban tổ chức địa phương chỉ đồng ý cho 50 du khách may mắn tham gia nghi lễ mạo hiểm này bởi họ không muốn mang nghi lễ truyền thống ra để kinh doanh.
"Lần đầu tiên bạn làm điều đó, bạn sẽ lo lắng đôi chút. Nhưng sau hai hay ba lần, điều đó sẽ trở nên hoàn toàn bình thường", Fidael Beaf - một người dân bản địa 44 tuổi tiết lộ với báo chí.
Tháng 2/1974, nữ hoàng Elizabeth đệ nhị tới thăm Pentecost và tới xem nghi lễ nhảy này, một người đã chết vì thực hiện cú nhảy. Nhưng người dân ở Vanuatu coi đó chỉ là tai nạn đáng tiếc.
|
Người dân Vanuatu hiểu được mức độ nguy hiểm của nghĩ lễ nhưng vẫn hào hứng tham gia. |
Vì mức độ nguy hiểm của trò lao mình xuống đất, các nhà truyền giáo châu Âu cấm tổ chức trò này vào đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, nghi lễ này vân được bí mật tiến hành ở miền nam đảo Pentecost cho đến ngày nay.
Nguồn gốc của nghi lễ
Nghi lễ này gắn bó với một huyền thoại bất hạnh trong hôn nhân của một cặp đôi. Ngày xưa ở vùng đất Vanuatu có một người phụ nữ đã bỏ trốn vào rừng nhằm thoát khỏi chồng. Khi thấy người chồng đuổi theo, cô đã trèo lên một cái cây và sau đó buộc dây leo vào hai cổ chân mình rồi nhảy từ trên cao xuống một cách an toàn nhằm tiếp tục chạy trốn. Người chồng cũng làm tương tự vợ nhưng không có sự trợ giúp của những sợi dây leo, anh lao xuống đất và chết thảm.
Lấy "cảm hứng" từ hành động nhảy từ trên cao xuống của người phụ nữ, những người dân Vanuatu đã học theo và nhanh chóng trở thành một nghi lễ phổ biến. Qua thời gian, việc nhảy từ trên cây xuống được người dân cải tiến thành nhảy từ một tháp gỗ.
Chiếc tháp gỗ ngày nay được người dân sử dụng để thực hiện nghi lễ truyền thống do 30 người đàn ông trong vùng dựng lên trong vòng một tháng. Thời điểm xây dựng tháp, họ sẽ sống cùng nhau trong một túp lều và tránh tiếp xúc với phụ nữ.
Ngày nay phong tục này nhằm đánh dấu sự trưởng thành để trở thành một người đàn ông chân chính của các thanh niên.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vanuatu---vung-dat-cua-nhung-ke-thach-thuc-tu-than-a54258.html