Dòng sự kiện
    +Aa-
    Zalo

    Vắng mùa nước nổi, ĐBSCL “kiệt quệ”!

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Những ngày đầu tháng 9/2016, mùa nước nổi thật sự đã không về với ĐBSCL. Các nhà khoa học cảnh báo: Nguy cơ miền Tây sẽ “chìm” là có thật.

    Những ngày đầu tháng 9/2016, mùa nước nổi thật sự đã không về với ĐBSCL. Các nhà khoa học cảnh báo: Nguy cơ miền Tây sẽ “chìm” là có thật vì thiếu lượng phù sa bồi đắp hình thành vùng đất này như hàng nghìn năm qua. Mưu sinh là câu chuyện nóng của vùng đất này khi không còn được xem là trù phú!

    Xa vắng “lũ đẹp”!

    Vậy là một mùa “lũ đẹp” đã không đến! Bước sang tháng 9 (nhằm tháng 8 âm lịch) mà con nước ở các triền sông vẫn lờ đờ, chậm rãi như ngày thường. Các lão nông chuyên sống bằng nghề đánh bắt thủy sản ở đầu nguồn Tân Châu (An Giang), Hồng Ngự (Đồng Tháp)… gần như xếp xó bếp các dụng cụ đánh bắt. Đến thời điểm này có thể khẳng định “mùa nước nổi” ở ĐBSCL đang “kiệt quệ”.

    Các ngành nghề sản xuất đang rơi vào cảnh ế ẩm vì lũ không về.

    Cách đây 16 năm, năm 2000, lũ sớm ập về vào tháng 7 (nhằm tháng 6 âm lịch) nhấn chìm hàng ngàn héc ta lúa. Cảnh nhà dân chìm trong nước, người dân di dời đến các tuyến đê cao và gò đất để sinh sống, tràn ngập các phương tiện truyền thông. Dưới ruộng, bộ đội hì hục ngụp lặn cắt lúa chìm trong nước cho nông dân. Lúa nông dân phơi đầy các tuyến lộ, trong cả trụ sở chính quyền để lúa không bị lên mầm. Kèm theo đó, không ít người dân vùng lũ phải “chạy lũ” lên tận Sài Gòn tìm kế sinh nhai. Đó cũng là dấu mốc nhiều công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư cho khu vực ĐBSCL để “chung sống với lũ”.

    Còn trước năm 2000, chủ yếu theo phương châm né lũ. Từ hệ thống thủy lợi thoát lũ ra biển Tây, đê bao bảo vệ lúa, các tuyến, khu dân cư vượt lũ bắt đầu hình thành. Dần dần cuộc sống người dân được an cư và chủ động sinh kế trong mùa lũ. Đó là lúc các lão nông và truyền thông dùng từ “lũ đẹp” để chỉ mùa nước nổi về.

    Chỉ tính riêng Đồng Tháp và An Giang, các chương trình khai thác mùa nước nổi đã mang về giá trị 5.000 tỷ đồng/mùa. Thế nhưng trong gần 5 năm qua (từ năm 2011 – 2016), mùa nước nổi ở ĐBSCL gần như vắng bóng.

    Nguyên nhân nhiều người đã rõ: Các nước thượng nguồn sông Mekong đua nhau xây đập thủy điện làm nguồn nước đổ về hạ lưu sông Mekong suy giảm nghiêm trọng. Số liệu từ các nhà khoa học cung cấp cho thấy, mực nước và dòng chảy sông Mekong bắt đầu giảm từ năm 2000. Đó cũng là thời điểm các nước bắt đầu xây dựng nhiều đập thủy điện trên dòng Mekong.

    Trước đây, người dân Đồng Tháp xây mộ rất cao vì sợ lũ nhấn chìm mộ, nhưng khoảng 2-3 năm gần đây lũ gần như không về.

    Trong bối cảnh biến đổi khí hậu(BĐKH) ngày càng cực đoan, tình trạng thiếu nước ngọt từ sông Mekong đang gây hệ lụy “kép” đến ĐBSCL: Thiếu nước ngọt sản xuất, sinh hoạt, mùa khô mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Các nhà khoa học lo lắng cho tương lai của ĐBSCL: lượng phù sa theo con nước sông Mekong trôi về bồi lắng cho ĐBSCL ngày càng “xa vắng”.

    Các nhà khoa học thừa nhận: Nỗi lo về sự phát triển của vùng đất trù phú ĐBSCL lớn hơn người ta nghĩ. Câu chuyện các nước thượng nguồn đua nhau xây đập thủy điện không chỉ làm suy kiệt nguồn nước, nguồn thủy sản mà còn tác động rất lớn đến “địa tầng” đã kiến thiết nên ĐBSCL trong hàng nghìn năm qua. Đó chính là nguồn dinh dưỡng phù sa nằm lại ở các đập thủy điện không thể về đến đồng bằng.

    Vì vậy, không khó hiểu khi xu hướng sụp lún diễn ra ngày càng nhiều trong vùng và không có khả năng hồi phục. Thậm chí có nhà khoa học cảnh báo: ĐBSCL đang chìm!

    Bảo vệ “mạch máu” châu thổ!

    Đáng lo hơn, theo Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL, nguồn nước mặt ở ĐBSCL bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng từ nhiều nguồn thải ra. Ở những vùng đê bao khép kín canh tác ba vụ lúa mỗi năm, nước bị tù đọng trong kênh rạch bên trong các ô đê bao, tích tụ nhiều hóa chất nông nghiệp. Các vùng nuôi thủy sản cũng thải ra một lượng lớn chất ô nhiễm hữu cơ và hóa chất vào nguồn nước.

    Sự phát triển nhanh các dự án công nghiệp, đặc biệt là các khu công nghiệp, nhà máy điện than… ven sông, ven biển, xả nước thải và nước làm mát vào nguồn nước đe dọa trực tiếp đến nguồn nước ĐBSCL. Hệ thống kênh rạch ĐBSCL cũng đang phải tiếp nhận một lượng lớn chất thải sinh hoạt và chăn nuôi từ các khu dân cư. Hệ sinh thái ĐBSCL chủ yếu là hệ sinh thái đất ngập nước, vì vậy ô nhiễm nguồn nước chính là ô nhiễm “máu” của hệ sinh thái.

    Hình ảnh đánh bắt trong mùa nước nổi như thế này trở nên xa vắng.

    Các nhà khoa học cho rằng, tới đây cần thực hiện đánh giá môi trường chiến lược cẩn trọng trong lựa chọn vị trí, công nghệ phù hợp đối với các khu công nghiệp lớn trước khi thực hiện đánh giá tác động môi trường một cách chặt chẽ cho từng dự án nhằm đưa ra những quyết định mang tầm chiến lược bảo vệ nguồn nước hay “mạch máu” của ĐBSCL. Đồng thời, xem xét lại chiến lược “an ninh lương thực”, giảm việc canh tác thâm canh ba vụ lúa mỗi năm để tăng không gian trữ lũ, hạn chế xâm nhập mặn và giảm sử dụng hóa chất nông nghiệp.

    Lũ không về, ĐBSCL đang “trơ bày” ra nhiều thách thức: không chỉ là chuyện giải quyết sinh kế cho hàng trăm ngàn lao động “hụt hẫng với con nước”; mà còn là chuyện nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp. Đa dạng sinh học suy kiệt, xu hướng đất đai cằn cỗi ngày càng lộ diện. Hoang hóa, sa mạc hóa - giờ người ta nói nhiều về điều đó ở một số vùng đất ở ven biển ĐBSCL.

    Không còn là chuyện cảnh báo, đã đến lúc các nhà khoa học, chính quyền nên bắt tay vào việc quy hoạch chi tiết để ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra sinh kế ổn định cho hàng triệu người dân trong vùng.

    Không có mùa nước nổi, miền Tây có nguy cơ “đang chìm”! Đây thật sự là một thách thức cho vùng đất châu thổ được xem là vựa lúa, vựa thủy sản, trái cây của cả nước!

    PHẠM TÂM - TƯỜNG VY

    Nguồn: Dân trí

    [mecloud]dW4Sp6MpOg[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vang-mua-nuoc-noi-dbscl-kiet-que-a147266.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan