Sáng 22/10, các thương hiệu vàng SJC, Bảo Tín Minh Châu, DOJI, Phú Quý đồng loạt niêm yết mức giá vàng SJC mua vào – bán ra ở mức 87 triệu đồng – 89 triệu đồng/lượng, tăng thêm 1 triệu đồng so với hôm qua và cũng là mức giá cao nhất kể từ tháng 6/2024.
Trong sáng cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thông báo giá bán vàng miếng SJC ở mức 88 triệu đồng/lượng. Cơ quan quản lý cũng khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình thu hẹp và kiểm soát chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới ở mức phù hợp.
Trong khi đó, lúc 10h, Công ty SJC giao dịch vàng nhẫn 9999 mua vào 85,5 triệu đồng/lượng, bán ra 86,8 triệu đồng/lượng. Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn mua vào – bán ra 86,08 triệu đồng – 87,08 triệu đồng/lượng (cập nhật lúc 9h56). Thương hiệu DOJI niêm yết giá vàng nhẫn 86,10 triệu đồng – 87,10 triệu đồng chiều mua vào – bán ra (cập nhật lúc 8h47). Còn Phú Quý niêm yết nhẫn tròn 9999 ở mức 86,20 triệu đồng – 87,30 triệu đồng chiều mua vào – bán ra (cập nhật lúc 10h29).
Giá vàng tăng nhanh song trên thực tế người dân rất khó mua vàng nhẫn và vàng miếng ở những thương hiệu lớn. Người dân muốn mua vàng đang có xu hướng lên các hội nhóm giao dịch trên mạng xã hội và chịu mức giá “chênh” từ 500 nghìn đồng – 1 triệu đồng/lượng. Câu hỏi đặt ra là giá vàng miếng còn tăng tiếp hay không?
Tại buổi Họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2024 diễn ra ngày 17/10, ông Đào Xuân Tuấn – Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hố (NHNN) cho biết vẫn chưa có kết luận chính thức về cuộc thanh tra 2 tổ chức tín dụng, 4 doanh nghiệp kinh doanh vàng. Cũng theo vị này, kết quả của cuộc thanh tra và các giải pháp điều hành thị trường vàng tạm thời trong thời gian vừa qua là cơ sở để NHNN báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhằm đưa ra các giải pháp căn cơ hơn đối với thị trường vàng trong thời gian tới.