Cùng sự đồng lòng của nhân dân, bằng những cách làm hay, áp dụng giải pháp đồng bộ để thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng huyện nông thôn mới (NTM) trong năm 2024. Văn Yên phấn đấu hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới, sớm hơn 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đã đề ra. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới(NTM), với quyết tâm, cùng tinh thần đổi mới, đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, huyện Văn Yên đã đạt và vượt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Đến nay, huyện Văn Yên đã có 20/24 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 83,3% tổng số xã toàn huyện; 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gồm Tân Hợp, Yên Hợp, An Thịnh, Đại Phác, Đông Cuông; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 30 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới; 46 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Kết quả thực hiện Chương trình đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn; đời sống của nhân dân được cải thiện.
Việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM đã từng bước khơi dậy được sự đồng thuận của toàn thể cộng đồng dân cư nông thôn, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo sức lan tỏa và phát huy được sức mạnh đoàn kết, tính chủ động, sáng tạo trong xây dựng NTM; nhận thức của người dân đã có thay đổi căn bản. Qua đó cũng đã xuất hiện nhiều nhân tố mới, nhiều gương điển hình tiên tiến; nhiều xã đã có chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân.
Như mục tiêu xây dựng xã An Thịnh đạt đô thị loại V, góp phần xây dựng huyện nông thôn mới trong năm 2024 đã được Đảng bộ xã đưa vào Nghị quyết Đại hội và được triển khai trong giai đoạn 2020-2025 với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo. Đồng thời có kế hoạch, lộ trình thực hiện cho từng giai đoạn, từng tiêu chí. Với sự hợp lực của các cấp ủy Đảng, bám sát và phát huy tốt lợi thế Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện An Thịnh đã nỗ lực, cố gắng để xây dựng hoàn thành 5 nhóm tiêu chí, tiêu chuẩn của đô thị loại. Với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020 - 2023 đạt trên 6,98%, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 50,2 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp, trong đó dịch vụ phát triển nhanh, đa dạng, chất lượng ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 giảm còn 5,44%; 100% đường giao thông của thôn đã được kiên cố hóa đảm bảo cho nhân dân đi lại thuận tiện, giao thương hàng hóa không ngừng phát triển; Các khu dân cư ở tập trung đều cải tạo, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp. Xã An Thịnh, huyện Văn Yên đã xây dựng hoàn thành và được UBND tỉnh công nhận là đô thị loại V kiểu mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái giai đoạn 2025.”
Với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự nỗ lực, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân trong xã, sau hơn 12 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), vừa qua xã vùng cao Phong Dụ Thượng là xã tiếp theo của huyện Văn Yên đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024. Tiêu biểu là xã đã có quy hoạch xây dựng chung được phê duyệt phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của xã giai đoạn 2021-2025, đến năm 2030 và tổ chức thực hiện theo đúng quy hoạch được UBND huyện phê duyệt; 100% tuyến đường trục huyện, trục xã, đường liên thôn và trên 98,76% kênh mương đã được kiên cố hóa. Trên địa bàn xã có 3 đơn vị hợp tác xã và 2 công ty hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã. Hiện xã duy trì hiệu quả vùng lúa trên 153 ha, vùng trồng ngô 157 ha, 10 ha nuôi trồng thủy sản, đồng thời duy trì nhiều mô hình chăn nuôi lợn bản địa, gà đen với quy mô vừa và nhỏ, nuôi dúi, nuôi dê, vịt cổ xanh. Toàn xã có 1.351 nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt chuẩn theo quy định, đạt tỷ lệ 98%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống còn 12,12%; thu nhập bình quân đầu người đạt 45,4 triệu đồng/năm. Giáo dục, y tế, văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống chính trị được củng cố và tăng cường, đáp ứng yêu cầu công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương...
Đặc biệt, trong quá trình triển khai xây dựng NTM, xã Phong Dụ Thượng đã huy động trên 123 tỷ đồng từ các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất…; trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ trên 108 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 14 tỷ đồng. Ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phong Dụ Thượng , UBND tỉnh, UBND huyện Văn Yên, UBND xã Phong Dụ Thượng đã tặng bằng khen, giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng xã đạt chuẩn NTM. Dịp này, UBND tỉnh đã tặng thưởng công trình phúc lợi trị giá 1 tỷ đồng cho xã Phong Dụ Thượng.
Để xây dựng huyện nông thôn mới đạt hiệu quả, thời gian qua huyện đã vận dụng sáng tạo những cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh Yên Bái. Ngoài những giải pháp chung thì huyện chủ trương tập trung vào việc xác định cụ thể lộ trình xây dựng nông thôn mới hàng năm để tập trung nguồn lực đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Đặc biệt huyện đã chú trọng vận động để nâng cao nhận thức của người dân trong xây dựng huyện nông thôn mới bằng việc đóng góp công sức, tiền của, hiến đất, dịch rào, xây dựng hệ thống thắp sáng đường quê, làm đường hoa. Bên cạnh đó, huyện cũng đã tập trung chỉ đạo phát động, hưởng ứng và tổ chức thực hiện hiệu quả hàng loạt phong trào như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Dịch rào, hiến đất, mở rộng, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn”; “Mỗi người - mỗi ngày một việc, góp phần làm sạch môi trường”; “2 chung, 5 cùng, 1 đích đến”… qua đó đã tạo khí thế, quyết tâm và thu hút được đông đảo người dân, các tổ chức xã hội tham gia vào phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới.
Trong xây dựng huyện nông thôn mới, Văn Yên đã và đang tiến hành cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, đồng bộ, hiệu quả, giá trị gia tăng, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững. Trong tâm là phát triển sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị; Duy trì, phát triển vùng nguyên liệu chuyên canh với các sản phẩm chủ lực, đặc sản, được cấp chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng, mã vạch sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng (VietGAP, GlobalGAP,...), Với các sản phẩm chủ lực được đưa vào thị trường tiêu thụ ổn định trong nước và xuất khẩu.
Hiện đã hình thành và phát triển 3 vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa rõ nét gồm: vùng thâm canh lúa với diện tích 3.000 ha; vùng trồng màu và cây ăn quả; vùng trồng cây Quế với diện tích gần 60.000 ha mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân trên địa bàn huyện. Toàn huyện đã có 38 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm 4 sao. Riêng năm 2023, Văn Yên đã phát triển thêm được 10 sản phẩm OCOP mới, trong đó có 9 sản phẩm xếp hạng 3 sao và 01 sản phẩm 4 sao. Văn Yên luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định với tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 5,6%.
Trao đổi với Đồng chí Luyện Hữu Chung - Bí thư Huyện ủy Văn Yên được biết: “ Qua thực tế cho thấy, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, về cơ bản đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn huyện Văn Yên. Đời sống của người dân được cải thiện tích cực; cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp; đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được nâng lên. Đặc biệt, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã từng bước khơi dậy được sự đồng thuận của toàn thể cộng đồng dân cư nông thôn, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ đó tạo sức lan tỏa và phát huy được sức mạnh đoàn kết, tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện xây dựng nông thôn mới; nhận thức của người dân đã có bước thay đổi căn bản rõ rệt…
Tính đến nay, trên địa bàn huyện đã có 20/24 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 62 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn chỉ còn 11,07%. Huyện đã đầu tư nâng cấp, cứng hóa 591,497 km, kiên cố mở rộng mặt đường đạt 23,938 km; làm mới và mở rộng được 560,644 km đường giao thông nông thôn; vận động nhân dân đồng thuận, ủng hộ hiến trên 980 nghìn m2 đất các loại để làm đường giao thông nông thôn; hệ thống thủy lợi được quan tâm hoàn thiện với 328 công trình. Toàn huyện đã đầu tư cải tạo, nâng cấp 63 trường học, trên 98 nhà văn hóa. Cùng với đó, huyện đã hình thành được một số vùng sản xuất như: vùng lúa chuyên canh trên 1.000 ha; vùng ngô trên 6.000 ha; vùng trồng sắn 4.500 ha; vùng quế trên 52.000 ha. Tập trung phát triển các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp quy mô...”
Để đạt được kết quả hôm nay là sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, cùng nhân dân huyện Văn Yên, quyết tâm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. Đảng bộ huyện luôn xác định rõ lộ trình thực hiện, cùng cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Chúng tôi tin rằng huyện Văn Yên sẽ ngày càng thay da đổi thịt và sớm về đích mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới trong năm 2024./.