Dòng nước suối đang trong vắt bỗng có màu đục đục, nhờ nhờ. Tiếng máy xúc, máy khoan ầm ầm từ trên đỉnh núi dội thẳng xuống cuộc sống yên bình của người dân thôn Hin Lò, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên.
Ác mộng “trắng”
Những ngày cuối thu, đầu đông, trời mưa nhiều cũng là lúc nỗi lo lắng, khiếp sợ của người dân các xã có mỏ đá đang khai thác tại huyện Lục Yên bắt đầu.
Vừa rẽ cây, chân lò dò từng bước men theo khe suối dưới chân núi đá Hin Lò, ông Lương Xuân Hề, người dân địa phương, vừa chỉ cho chúng tôi thấy dòng suối chảy từ trong núi, ngày ngày nuôi sống người dân trong thôn.
Ông Lương Xuân Hề chỉ cho PV khu vực dân sinh bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác đá. |
Theo hướng tay ông Hề chỉ, dòng suối từ trong hang núi vẫn êm đềm hiền hòa chảy về phía các thôn bản. Tuy nhiên, dòng nước chảy từ đất mẹ đáng ra phải trong vắt, nhìn thấy tận đáy lại có màu hơi trắng đục gây cảm giác sợ đặt chân xuống chứ không nói đến việc sử dụng làm nước sinh hoạt.
Dòng suối chảy vào bản Hin Lò mỗi khi trời mưa trở thành cơn ác mộng. |
Ông Hề lý giải: “Từ năm 2011, Công ty cổ phần luyện kim và khai khoáng Việt Đức khai thác đá trên đỉnh Hin Lò, mỗi khi trời có mưa, khiến đất bề mặt khu vực khai thác và một số bột đá, bụi đá hòa vào dòng suối khiến nước ô nhiễm, không thể sử dụng để sinh hoạt.”
Cũng theo ông Hề, nguồn nước từ hang núi đá còn được gia đình ông sử dụng để chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế. Ông Hề đã làm đất, đào một khu vực rộng tới xấp xỉ 8000 m2 để nuôi cá nhưng không dám dẫn nước vào vì sợ nước bẩn.
Khu vực rộng xấp xỉ 8000 m2 dự định làm ao thả cá của ông Hề phải để cỏ mọc do sợ nước bẩn. |
“Nuôi các loại cá phù hợp ở địa phương như trắm, bống cần có nguồn nước sạch, chỉ cần hơi ô nhiễm một chút cũng có thể làm chết hết. Tôi đã bỏ nhiều công sức và chi phí để đào ao, nuôi cá, mọi thứ đầy đủ chỉ thiếu mỗi nước.
Hiện tại, nước sinh hoạt hằng ngày chúng tôi còn phải đi xin chứ nguồn nước để làm ao thì không biết lấy đâu ra. Tình trạng kéo dài khiến đời sống người dân bấp bênh, tôi đã nhiều lần có đơn thư gửi các cấp chính quyền nhưng chưa được xử lý” – Ông Hề nói.
Bên cạnh Yên Thắng, xã An Phú cũng là một điểm nóng về hoạt động thăm dò, khai thác tại mỏ đá vôi trắng tại núi Bó Nỏ. Ông Hoàng Thân, 65 tuổi, người dân xã An Phú bức xúc kể:
“Việc các DN được cấp phép thăm dò, khai thác đá trắng tại đây nếu đúng quy định thì dân chúng tôi không phản đối gì. Các xe chở đá đi từ đường 170 vào xã dài 16 km mất một giờ, mà đường này dân hiến đất, huy động sức dân đóng góp 90% giá trị công trình, huyện chỉ cho xe lu làm phẳng để đi. Nay các DN cho xe tải trọng đến 50 tấn chở đá khối, phá nát hết đường, trẻ đi học mùa mưa trơn trượt ngã lên ngã xuống, lúc nào cũng phải mang hai bộ quần áo để thay!”.
Điều lạ là các DN này chỉ mới có giấy phép thăm dò, nhưng đã mở đường, mở rộng khai thác đến 5.000 m2 và đá khối khai thác được ồ ạt đưa đi khỏi địa bàn mà không thấy chính quyền các cấp có ý kiến gì.
“Loạn” khai thác khoáng sản
Tại địa bàn huyện Lục Yên, không chỉ có 2 mỏ đá Hin Lò và Nà Khao của xã Yên Thắng và xã An Phú xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong dư luận. Tại các xã Minh Tiến, Tân Lĩnh, Liễu Đô hay mỏ Cốc Há ngay tại thị trấn Lục Yên cũng thường xuyên nhận được phản ánh về tình trạng ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống dân sinh.
Mỏ đá Cốc Há, thị trấn Lục Yên là nỗi ám ảnh đối với người dân nơi đây. |
Mới đây, ngày 27/9, Cty TNHH đá cẩm thạch R.K (Cty R.K) vào khoan thăm dò mỏ đá tại thôn Nà Kèn, xã Lâm Thượng đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân.
Bà Hoàng Thị Nhuệ, người dân bản Trang, cũng gần mỏ đá Nà Kèn cho biết, sở dĩ người dân có sự phẫn nộ như vậy vì vào năm 2014 Cty R.K từng vào khoan thăm dò, gây ô nhiễm, làm chết cá trong ao của dân. Bên cạnh đó, "thảm cảnh" của các xã có mỏ đá đang khai thác cũng khiến người dân xã Lâm Thượng lo ngại về vấn đề môi trường.
Đông đảo người dân Nà Kèn, bức xúc kể với chúng tôi về việc Cty TNHH đá cẩm thạch R.K Việt Nam (Cty R.K) đưa máy móc, người, vào khoan thăm dò tại núi đá Nà Kèn, nơi được cho là có trữ lượng lớn đá hoa trắng.
“Bản nằm sát chân núi, đá lở rơi xuống sập nhà chúng tôi thì sao. Nguồn nước duy nhất để sinh hoạt, tưới tiêu, nuôi cá, cũng từ khe núi chảy ra. Bao đời nay ngọn núi này được gọi là núi Cha, núi Mẹ, vì nó nằm chắn ngang những quả đồi đất, tránh cho dân bị lũ ống, lũ quét”, bà Hoàng Thị Với - người dân bản Nà Kèn nói với giọng bức xúc.
Ông Trần Thanh Trúc, Chủ tịch UBND xã Lâm Thượng, cho biết các sự việc diễn ra ở Nà Kèn ngày 27/9, được báo chí phản ánh là chính xác.
Sự kiện ngày 27/9, gây bức xúc dư luận tại Nà Kèn. |
Chủ tịch xã Lâm Thượng thông tin thêm, nguồn nước từ “núi Cha, núi Mẹ” (Nà Kèn) chảy ra cung cấp nước sạch cho UBND xã, trạm y tế, trường trung học cở sở cùng 200 hộ dân. Việc trên địa bàn huyện có nhiều mỏ đá khai thác gây ô nhiễm nguồn nước khiến người dân lo lắng là có cơ sở.
Mặt khác, trong buổi trao đổi ngày 28/9, ngay sau sự kiện ngày 27 tại Nà Kèn, ông Bùi Văn Thịnh, chủ tịch UBND huyện Lục Yên xác minh thông tin các mỏ đá khai thác trên địa bàn gây ô nhiễm đã có tiền lệ.
Ông Thịnh cho rằng tất cả việc khai thác khoáng sản có tác động đến đời sống dân sinh đều đã được đền bù thỏa đáng. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, hầu hết các hộ bị ảnh hưởng chưa nhận được sự quan tâm. Một số hộ dân có diện tích đất thuộc dự án cũng chưa nhận được đền bù thỏa đáng.
Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái) cho biết, UBND tỉnh Yên Bái đã ra quyết định tạm dừng hoạt động thăm dò khoáng sản đá hoa trắng tại khu vực bản Nà Kèn, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên; giao UBND huyện phối hợp các đơn vị chức năng tổ chức đối thoại với người dân xã Lâm Thượng trong thời gian sớm nhất. Quyết định này đã được công bố công khai tới người dân xã Lâm Thượng. |
Thanh Phong