+Aa-
    Zalo

    Vạch trần thủ đoạn hoạt động “tín dụng đen” online mùa dịch Covid-19

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Do những ảnh hưởng đến an ninh trật tự liên quan đến “tín dụng đen”, Công an TP.HCM cảnh báo người dân về vấn nạn này.

    Người dân cần cảnh giác, đề phòng

    Thời gian vừa qua, cơ quan công an TP.HCM đã có khuyến cáo người dân không vay tiền qua các ứng dụng di động (App) hoạt động trái phép trên không gian mạng. Theo đó, thời gian qua xuất phát từ nhu cầu thực tế và cần thiết của xã hội về hoạt động cho vay, một số doanh nghiệp được thành lập hoạt động cho vay ngang hàng và đăng ký giấy phép kinh doanh để hoạt động cho vay.

    Bên cạnh đó, một số đối tượng đã lợi dụng tình hình trên để tạo các ứng dụng hoạt động trái phép và sử dụng thủ đoạn quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng xã hội, website với nội dung cho vay lãi suất thấp, không gặp mặt, thủ tục cho vay nhanh gọn, giải ngân từ 30 đến 60 phút và nhiều tiện lợi khác.

    Một số đối tượng là người nước ngoài cấu kết với số đối tượng trong nước thành lập các công ty trá hình cho vay tài chính, tín dụng phi ngân hàng để hoạt động cho vay qua ứng dụng di động nhằm thu lợi bất chính, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.

    Để vay tiền, người dùng chỉ cần tải ứng dụng cho vay về điện thoại di động, điền thông tin cá nhân kèm theo ảnh chụp Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, ảnh chân dung.

    Các ứng dụng cho vay khi được cài đặt vào điện thoại sẽ yêu cầu quyền truy cập vào vị trí, danh bạ, thư viện ảnh, quản lý cuộc gọi, tin nhắn trên điện thoại người vay (chủ yếu là các dòng điện thoại sử dụng hệ điều hành Android) với mục đích là để gây áp lực đòi nợ khi người vay quá hạn thanh toán.

    Nhằm chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, Công an TP.HCM chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an TP. Thủ Đức và Công an các quận, huyện tổ chức thực hiện các nội dung sau:

    Theo dõi, nắm tình hình, kịp thời phát hiện các website quảng cáo các ứng dụng cho vay có dấu hiệu vi phạm pháp luật; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an ninh mạng, tập trung kiểm soát, phát hiện xử lý các cá nhân, tổ chức đăng tải các thông tin liên quan đến việc quảng cáo, hướng dẫn, mời gọi, lôi kéo người vay tiền qua ứng dụng di động với lãi suất thấp nhưng che dấu dưới các loại phí dịch vụ.

    Kiến nghị các cơ quan ban ngành có thẩm quyền ngăn chặn, gỡ bỏ các website, ứng dụng có liên quan đến hoạt động cho vay trái phép, vi phạm pháp luật trên không gian mạng có công ty, văn phòng, cá nhân hoạt động tại địa bàn thành phố.

    Công an thành phố này đề nghị người dân cảnh giác, không nên vay tiền qua các ứng dụng di động “App” trên không gian mạng hoạt động trái phép. Nếu có nhu cầu vay tiền, người dân nên liên hệ các tổ chức tài chính được nhà nước cấp phép hoạt động.

    Lừa đảo vay tiền ngày càng phức tạp

    Cảnh báo của Công an TP.HCM phát đi trong bối cảnh thời gian gần đây, lợi dụng tình hình dịch bệnh kéo dài, không ít doanh nghiệp nhỏ, người lao động gặp khó khăn và nhu cầu vay vốn tăng, nhiều tổ chức, cá nhân chưa được cấp phép nhưng đã mạo danh các tổ chức tài chính, lợi dụng tính chất nhanh chóng, tiện lợi khi cho vay tiền qua app để tổ chức lừa đảo.

    Điểm chung của những trường hợp lừa đảo này là đều không quan tâm nhiều đến hồ sơ vay, lịch sử tín dụng, thu nhập để xem xét khả năng trả nợ - điều mà các ngân hàng, công ty tài chính luôn xem xét rất kỹ khi quyết định cho vay.

    Như trường hợp của anh M.C.N, sinh năm 1997, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM có đơn trình báo gửi Công an quận Tân Phú, về việc anh nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ, giới thiệu cho vay vốn.

    Do đang mất việc làm, phải ở nhà vì ảnh hưởng dịch Covid-19, anh N. đã liên lạc với người này qua tài khoản zalo tên "SKYE" để vay 35 triệu đồng. Người này giới thiệu là công ty tài chính SkyCredit, đồng thời hướng dẫn thủ tục vay tiền.

    Đối tượng yêu cầu anh N. tải ứng dụng SkyCredit về điện thoại di động và phải chuyển 3,5 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng chỉ định mang tên H.V.T. để làm hồ sơ vay, nhưng sau đó anh N. không nhận được tiền vay.

    Hay như chị N.T.T.L, sinh năm 1990, quê tỉnh Bắc Giang, trọ tại quận Bình Tân, TP.HCM vào tháng 7/2021 vừa qua đã nhận được 1 tin nhắn thông báo được vay số tiền tối đa 40 triệu đồng từ một số điện thoại giới thiệu công ty tài chính Sanv.

    Cũng biết về các app vay tiền lãi suất cao nhưng chị L. cứ nghĩ vay qua các công ty tài chính này sẽ ổn hơn nên liên hệ theo số điện thoại được nhân viên hướng dẫn, rồi cung cấp CMND và địa chỉ thường trú cùng tên và số điện thoại người thân trên một trang web.

    Sau đó, chị L. được 1 nhân viên liên hệ thông báo sẽ giải ngân cho vay số tiền 10 triệu đồng trong vòng 30 ngày nhưng số tiền vay sẽ bị trừ phí 700.000 đồng.

    Đến khi giải ngân tiền vay, chị L. nhận được thông tin thông báo về số tiền sẽ phải trả sau 30 ngày là 15.100.000 đồng, tức là lãi suất 51%/1 tháng, tương đương hơn 600%/1 năm.

    Theo các chuyên gia nhận định, tình hình gian lận và lừa đảo vay tiêu dùng có xu hướng diễn biến phức tạp hơn trong thời điểm phòng chống dịch Covid-19 hiện nay.

    Các thủ đoạn tinh vi như đánh cắp giấy tờ tùy thân để làm giả hồ sơ vay; lừa lấy mã OTP để rút tiền; giả danh nhân viên ngân hàng, công ty tài chính mà đối tượng lợi dụng đã nhắm vào người dân có nhu cầu vay nhưng thiếu hiểu biết về điều kiện, thủ tục vay để lừa họ vào bẫy.

    Luật sư Phan Anh Tuấn, đoàn Luật sư TP.Hà Nội nhận định: "Các hoạt động cho vay tiêu dùng qua app vay tiền online hiện nay mang tính rủi ro khá cao cho cả bên vay và bên cho vay. Việc này đã và đang phát sinh nhiều hệ lụy như tín dụng đen, đòi nợ thuê, lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ảnh hưởng và bức xúc trong dư luận xã hội". Vì thế, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cần sớm xây dựng hành lang pháp lý, quy định chặt chẽ điều kiện và cách thức hoạt động đối với dịch vụ cho vay tiền qua app vay tiền online.

    Cơ quan chức năng có thể xây dựng và công bố công khai danh sách các app vay tiền online hợp pháp để người dân nắm rõ app nào hợp pháp app nào không hợp pháp trước khi quyết định vay tiền.

    Việc xử lý các hành vi kinh doanh cho vay tiền qua ap vay tiền online bất hợp pháp, cho vay nặng lãi, đe dọa quấy rối hoặc có các hành vi xúc phạm uy tin, danh dự, nhân phẩm của người vay tiền một cách nghiêm khắc là bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động cho vay tiêu dùng nói chung và vay tiêu dùng qua các app vay tiền online nói riêng.

    H.L

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vach-tran-thu-doan-hoat-dong-tin-dung-den-online-mua-dich-covid-19-a523827.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.