(ĐSPL) - “Trên địa bàn huyện Thường Tín không có chỗ nào tổ chức khám chữa nghiện cả. Đây là cơ sở khám chữa bệnh chui, ngấm ngầm truyền tai nhau thôi, chứ không đăng ký khám chữa bệnh...”, ông Nguyễn Hữu Luân (Trưởng phòng Y tế huyện Thường Tín, Hà Nội) cho biết.
Thời gian qua, không ít phương tiện thông tin đưa tin về “thầy lang vườn” có khả năng cai nghiện trong vòng 20 ngày, khiến nhiều người trên khắp cả nước vui mừng. Tuy nhiên, PV báo Người Đưa Tin đã vào cuộc và vạch mặt thầy lang có tài... “nổ” này.
Thầy lang Hiệp và biển hiệu quảng cáo. |
“Tôi từng chữa bệnh cho lợn nái…”
Trong vai người nhà bệnh nhân nghiện ma túy, tìm đến thôn Văn Giáp (xã Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội) hỏi ông lang Hiệp “cai nghiện”, PV được chỉ đến căn nhà cấp 4 ba gian cũ kỹ đến mức lạc lõng giữa những ngôi nhà cao tầng khang trang. Dãy nhà ngang - nơi các bệnh nhân và cũng là con nghiện cư ngụ chỉ được sắp xếp sơ sài bằng 4 tấm phản có chiếu, mỗi phản liền kề nhau ẩm mốc trong không gian chật hẹp tối tăm. Phía bên ngoài, dưới mái hiên được che chắn bằng lều bạt vẫn là dãy phản dài được kê liền nhau. Ngay phía trước dãy phản là một chiếc chuồng cũi, có lẽ để khống chế những con nghiện nặng khi lên cơn. Xuất hiện trước mặt chúng tôi là người đàn ông tất tả, nhỏ thó, quần xắn quá đầu gối, đấy chính là thầy lang Nguyễn Hữu Hiệp.
Ai cũng thế, cứ tìm đến gặp thầy lang này đều được tiếp đón rất nhiệt tình. Nhâm nhi chén trà, chúng tôi được thầy lang này kể về con đường học tập chữa nghiện. Con đường đông y bắt đầu khi ông lên Tràng Tiền mua mấy quyển sách đông y với ý định học các bài thuốc để chữa bệnh cho mình và cho vợ con. Sau đó, ông lại tìm thêm các thầy lang để học các bài thuốc. “Mới đầu, tôi áp dụng vào chăn nuôi, sau thì chữa bệnh cho mình và người thân. Tôi nuôi lợn nái không phải mời thú y về bao giờ, vợ con cũng chưa mất đồng tiền thuốc nào cả”, ông Hiệp nói.
Khi được hỏi về phương pháp chữa nghiện, ông Hiệp cho biết: Phải áp dụng rất nhiều bài thuốc, vì cơ thể người nghiện suy nhược, nhiều người còn mắc HIV/AIDS. Đa phần họ bị đau do kẹt thần kinh tọa vì khi hút thuốc, cơ thể rất nóng, họ lại tắm lạnh ngay, lúc này phải châm cứu thông cho họ hết đau. Có người bị loét dạ dày thì phải cho họ uống thuốc dạ dày, người ta hen có cả cục đờm ở cổ thì phải làm cho họ nôn hết đờm ra, có người táo bón cả chục ngày, lại có người tiêu chảy đi ngoài mỗi đêm cả chục lần thì phải chữa cho họ hết bệnh. Thậm chí, có bệnh nhân nhiễm HIV, cũng phải tìm cách chữa trị. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận chưa có nhiều người phản hồi nên ông chưa khẳng định hiệu quả chữa HIV của mình…
Những thư cảm ơn treo trong căn phòng chữa bệnh của ông Hiệp. |
Hỏi về phương pháp chữa nghiện, ông Hiệp cho biết, ông tự nghiên cứu và mỗi khi người nghiện lên cơn đau đớn, chỉ cần 3 phút thủy châm là họ khỏi đau và dễ dàng chìm vào giấc ngủ, mà không vật vã.
Theo tìm hiểu, chi phí cho một lần chữa bệnh nghiện tại đây là 18 triệu đồng/người/đợt 20 ngày, bao gồm tiền châm cứu, đấm bóp và “thuốc chữa nghiện”. Thuốc ở đây do chính tay ông sản xuất “vỏ Trung Quốc, ruột của thầy Hiệp” và nhất quyết ông không nói thuốc có nguồn gốc từ đâu? Ngỏ ý muốn mua thuốc về sử dụng nhưng PV nhận được lời từ chối thẳng thừng. Hỏi về các chi phí khác, ông Hiệp cho biết, nếu chữa thêm các bệnh khác nữa như: Gan, mật, thần kinh…, ông sẽ lấy thêm một triệu nữa, tiền ăn tiêu thì gia đình bệnh nhân tự túc, còn chỗ ở sẽ được “khuyến mãi”.
Tỏ vẻ nghi ngờ về khả năng chữa khỏi bệnh, chúng tôi nhận được những lời mắng khó chịu và thầy Hiệp buông một câu: “Tôi đã chữa cho cả trăm người, họ viết thư cảm ơn dán đầy tường nhà kia kìa, tin tưởng thì đến chữa không thì thôi!”.
Tại đây, qua trao đổi nhanh với người nhà bệnh nhân N.T.T quê ở Nghệ An ra chữa bệnh được hơn chục ngày thì hằng ngày, tất cả các bệnh nhân đều bị “nhốt” ở đây, sau đó được uống thuốc và ngủ thường xuyên. Cứ ngủ khoảng một tuần như vậy, người bị suy nhược lờ đờ và ngay sau đó bắt buộc phải dùng “Đông trùng hạ thảo” có giá trên hai triệu đồng do chính tay thầy Hiệp kê đơn. Chính người nhà bệnh nhân này hoài nghi cho rằng, ông Hiệp cho người nghiện uống thuốc ngủ liên tục…
Người dân đồng loạt phản đối
Tìm hiểu tại địa phương, ông Hiệp gặp không ít điều tiếng, dị nghị, thậm chí là phản đối gay gắt của người dân. “Có lúc, dân làng xung quanh “phát sốt” vì số người nghiện ở trong nhà ông ấy quá đông, dân làng họp hành bảo nghiện ngập về làng, thế nào cũng sinh ra trộm cắp, cướp bóc, rồi có khi làng này lại trở thành “làng nghiện” không biết chừng, họ kiên quyết không cho ông đưa người nghiện về nhà nữa. Thậm chí, ngay vợ con ông cũng ra sức phản đối, vợ ông cũng vì vậy mà bỏ về nhà ngoại, sau thì sang ở với con trai, chứ nhất quyết không dám ở căn nhà ấy”, bà T.C bán quán ngay cổng làng Văn Giáp bức xúc.
Nhiều hộp thuốc không nguồn gốc, nhãn mác. |
Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Văn Bình xác nhận, trên địa bàn xã có cơ sở chữa nghiện của ông Nguyễn Hữu Hiệp, tuy nhiên việc chữa được bệnh hay không vẫn chưa được cơ quan chức năng công nhận.
Trao đổi với ông Nguyễn Hữu Luân (Trưởng phòng Y tế huyện Thường Tín, Hà Nội) cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện Thường Tín không có cơ sở khám chữa bệnh nghiện nào, ngoài bệnh viện Tâm thần TW.
Hỏi về cơ sở khám chữa của thầy lang Hiệp, ông Luân cho biết: Đây là cơ sở khám chữa bệnh chui, chưa được cấp phép, ngấm ngầm truyền tai nhau thôi, chứ không đăng ký khám chữa bệnh với phòng y tế Thường Tín. “Chúng tôi sẽ thành lập đoàn kiểm tra để tiến hành kiểm tra ngay sau khi báo chí cung cấp thông tin này”, ông Luân khẳng định.
Ông Nguyễn Trác Trung (Phó Chánh Thanh tra sở Y tế Hà Nội) cho biết: “Cơ sở khám chữa của thầy lang Nguyễn Hữu Hiệp hoàn toàn chưa được cấp phép, chúng tôi sẽ giao phòng Y tế huyện Thường Tín kiểm tra ngay và sẽ trả lời trong thời gian sớm nhất”.
Ông Trung cũng cho biết thêm: Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị, chỉ có phương pháp thay thế giảm hại bằng Methadone, phương pháp này có ưu điểm là có tác dụng dung nạp chéo với các chất dạng thuốc phiện, do đó người bệnh không xuất hiện hội chứng cai và thèm chất ma túy. Tuy nhiên, trên địa bàn Hà Nội phải những cơ sở y tế có điều kiện mới được sử dụng phương pháp này.
Các chuyên gia về y tế xác nhận: Việc chữa trị được nghiện cho bệnh nhân không thể kết thúc bằng việc cắt cơn ngay tại cơ sở chữa trị mà chỉ có thể kiểm chứng ở môi trường xã hội. Người nghiện chỉ có thể cai được khi thật sự có quyết tâm. |
ĐỨC ANH
Xem thêm video: