Trong số 52 tội phạm trốn truy nã bị Phòng Truy nã, truy tìm (Phòng 10), Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an bắt giữ từ giữa tháng 11/2022 đến đầu năm 2023, Trương Công Chức (55 tuổi, Thừa Thiên Huế) khiến trinh sát hình sự tốn nhiều công sức nhất.
Theo Đại tá Trần Ngọc Cường - Trưởng Phòng 10, khoảng tháng 9/2022, đơn vị đã lên kế hoạch truy tìm Trương Công Chức - đối tượng trốn truy nã 32 năm nay.
Tham gia giết người, vượt ngục
Theo báo Thanh Niên, cuối những năm 1980, Trương Công Chức tham gia một vụ án giết người và bị TAND tỉnh Sông Bé (nay tách thành Bình Dương và Bình Phước) tuyên án 6 năm tù giam.
Tháng 10/1990, khi đang chấp hành án, Chức đục tường vượt ngục, bị phát lệnh truy nã về tội trốn trại. Chức biến mất như một “bóng ma”. Công tác truy bắt khi ấy được tổ chức rất gắt gao nhưng không có kết quả.
Đến tháng 9/2022, tức 32 năm kể từ ngày Chức trốn khỏi nơi giam giữ, Phòng 10 Cục Cảnh sát hình sự trực tiếp xây dựng kế hoạch truy bắt Chức. Một tổ công tác được huy động làm nhiệm vụ, trong đó có 2 trinh sát dày dặn kinh nghiệm bậc nhất của Phòng 10 là Trung tá Phạm Ngọc Viết và Trung tá Hoàng Hoài Nam.
Giống như nhiều đối tượng truy nã lâu năm khác, khó khăn lớn nhất mà tổ công tác Phòng 10 phải đối mặt khi thụ lý vụ việc là thông tin về hành tung của Chức rất mơ hồ, ít ỏi. Tài liệu có được chỉ là tờ lệnh truy nã và tấm hình đen trắng của Chức khi còn đôi mươi, kèm theo một vài đặc điểm nhận dạng, như: cao khoảng 1 m 58, sống mũi lõm, trên mặt có một vết sẹo chấm...
Trung tá Phạm Ngọc Viết cho hay, bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, anh và đồng đội phán đoán rất có thể Chức chưa trốn khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, từng ấy năm biệt tích, chắc chắn Chức đã tạo cho mình một “vỏ bọc” rất kín kẽ bằng việc thay đổi họ, tên, lai lịch hoặc nơi ở.
Sau khi vạch ra kế hoạch truy tìm, Trung tá Viết và Trung tá Nam báo cáo chỉ huy, được đồng ý cho triển khai chuyến công tác dài ngày. Cả 2 di chuyển bằng ô tô, xuất phát từ Hà Nội hướng về miền Trung, với kỳ vọng tìm ra manh mối của Chức.
Dọc đường đi, tổ công tác Phòng 10 ghé từng địa điểm, rà soát từng vị trí nghi vấn, tiếp xúc hàng trăm người liên quan. Tuy nhiên, người thân hoặc bạn bè khi xưa của Chức đều cho đáp án chung, rằng suốt 3 thập kỷ qua họ không hay biết Chức đang ở đâu, làm gì.
Mọi phương án tưởng chừng bế tắc thì bất ngờ xảy ra. Một nguồn tin nhận định, nhiều khả năng Chức đang lẩn trốn ở khu vực Tây Nguyên. Phạm vi tìm kiếm lập tức được thu hẹp.
Lật tẩy bí mật của người đàn ông trồng hoa
Qua nhiều ngày sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, Trung tá Viết cùng đồng đội xác định Chức đang sinh sống tại Lâm Đồng. Hành tung của đối tượng này cũng dần lộ sáng.
Theo đó, sau khi vượt ngục, Chức lấy tên giả là Lê Danh, mua quần áo quân nhân giả, dùng giấy tờ của người khác để biến thành một con người hoàn toàn mới. Để trốn tránh sự truy bắt, Chức vào TP.HCM ít tháng rồi ngược ra Quảng Trị, cuối cùng “mai danh ẩn tích” ở TP.Đà Lạt (Lâm Đồng).
Chia sẻ trên báo Tuổi Trẻ, trinh sát Viết cho biết "Thời gian sống ở Đà Lạt, Chức lấy vợ và sinh hai người con. Người đàn ông này đăng ký thường trú một nơi, nhưng lại sống ở một khu vực khác.
Chức sống khép kín, ít giao du với người dân bản địa. Ông ta làm nghề trồng hoa để sinh sống qua ngày".
Từ thông tin quý giá này, các trinh sát đã tìm ra địa điểm Chức đang ẩn náu và tổ chức "quăng lưới" vây bắt.
Để tránh "rút dây động rừng", ba tổ công tác đã mai phục xung quanh căn nhà của Chức nằm sâu trong tiểu khu 40 của thành phố Đà Lạt nắm bắt tình hình.
Quá trình trinh sát, tổ công tác nhận thấy Chức có biểu hiện không bình thường về sức khỏe, từng bị tai biến.
Nhận thấy an toàn, một mũi trinh sát cùng công an địa phương đã đi vào nhà, nhẹ nhàng thuyết phục, mời Chức lên phường làm việc.
Tại trụ sở công an phường, Chức quanh co, giả vờ nói không rõ chữ vì vừa bị tai biến, một mực phủ nhận mình là Trương Công Chức.
Trước tình hình này, nhóm trinh sát đã sử dùng các "phép thử", gọi vợ con của Chức lên để "đánh đòn tâm lý". Bằng các chứng cứ không thể chối cãi, Chức đã phải cúi đầu nhận tội.
"Chức vừa trải qua cuộc tai biến, giọng nói cũng biến dạng. Tuy vậy, ông ta rất bình tĩnh, né tránh toàn bộ các câu hỏi mang tính lộ thân phận, lợi dụng việc bị tai biến để chối tội", trung tá Viết nói và đánh giá "bị can Chức là tội phạm thông minh, cực kỳ điềm tĩnh, ngoan cố".
Sau nhiều "đêm trắng" vượt núi băng rừng, "lật tung" từng ngõ ngách, chuyên án đã khép lại thành công, trung tá Viết cùng đồng đội phấn khởi lái xe trở về Hà Nội.
Mở định vị trên chiếc điện thoại, trung tá Viết "giật mình" vì hành trình khoảng một tháng truy bắt bị can Chức, anh cùng đồng đội đã đi qua 19 thành phố, 124 địa điểm với tổng số 4.882km.