Theo Times of India, bên cạnh tiêm vaccine ngừa COVID-19, các chuyên gia đang nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm phòng bệnh cúm.
Với sự gia tăng của số ca mắc COVID-19 khi mùa cúm đang đến gần, các bác sĩ lo ngại một người có thể nhiễm cùng lúc hai bệnh này. Cả COVID-19 và cúm đều có thể trở nặng, khiến bệnh nhân gặp các vấn đề nghiêm trọng về hô hấp.
Vaccine phòng cúm và vaccine ngừa COVID-19 có tác dụng chống lại các loại virus khác nhau. Tuy nhiên, từ lâu, giới chuyên môn đã gợi ý rằng các biện pháp phòng ngừa cúm cũng có thể giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh khác.
Năm 2020, các biện pháp phòng chống COVID-19 nghiêm ngặt đã giúp giảm nguy cơ mắc cúm. Hiện, có một số bằng chứng cho thấy việc tiêm phòng cúm kịp thời thực sự có khả năng giảm mức độ nghiêm trọng của một số triệu chứng COVID-19 nhất định và hỗ trợ phục hồi.
Nghiên cứu gần đây nhất được công bố trên Tạp chí Y khoa PLOS có dữ liệu của hơn 37.000 bệnh nhân. Nghiên cứu này đã kiểm tra các thông số sức khỏe quan trọng cũng như nguy cơ nhâp viện của những người dương tính với SARS-CoV-2 vài tuần hoặc vài tháng sau khi tiêm phòng cúm.
Theo đó, tiêm phòng cúm không chỉ có hiệu quả đáng kể với căn bệnh này mà còn có khả năng giúp giảm nguy cơ trở nặng nghiêm trọng, tử vong do COVID-19 trong tối đa 120 ngày sau khi tiêm.
Đặc biệt, việc tiêm vaccine phòng cúm còn giúp giảm thiểu nguy cơ biến chứng do COVID-19 như nhiễm trùng máu, huyết khối tĩnh mạch sâu cũng như giảm thời gian nằm viên ở bệnh nhân COVID-19.
Cần lưu ý, tiêm phòng cúm có thể sẽ không giảm bớt hoặc ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ mắc COVID-19. Tuy nhiên, việc tiêm vaccine cúm vẫn có tác dụng phần nào đối với những người có nguy cơ cao khi tiếp xúc nguồn bệnh COVID-19 như người lớn tuổi, người mắc các loại bệnh khiến hệ miễn dịch suy yếu hoặc làm công việc có mức độ phơi nhiễm cao.
Bên cạnh đó, các bác sĩ cho rằng việc tiêm phòng cúm cũng cần thiết và hữu ích vì sẽ giúp mọi người giảm nguy cơ mắc cùng lúc cả cúm và COVID-19 với các tác động nặng nề.
Đinh Kim(Theo Times of India)