(ĐSPL) – Mảnh kính sắc lẹm đã cắt đứt toàn bộ động mạch, dây thần kinh giữa, gân và cơ tay trái của cháu học sinh 10 tuổi ở Hoài Đức, Hà Nội.
Vietnamnet đưa tin, bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội vừa phẫu thuật phục hồi cánh tay cho bệnh nhi Trịnh Văn N. (10 tuổi, ở huyện Hoài Đức) bị tai nạn nặng tại trường học.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân với Giadinh.net, chiều ngày 7/10, em N chạy chơi va vào cửa kính ở trường học bị mảnh kính rơi vào cánh tay trái gây vết thương, máu chảy ồ ạt.
Theo PV Dân trí có mặt tại bệnh viện cho biết, bệnh nhân được chuyển đến viện chiều 7/10 trong tình trạng tỉnh táo, da xanh, niêm mạc nhợt, mạch quay tai trái không bắt được. Vết thương ở tay trái đã được băng ép, cầm máu sơ cứu tại y tế cơ sở.
Các bác sĩ phát hiện toàn bộ động mạch, dây thần kinh giữa, gân và cơ tay trái của bệnh nhi đã bị đứt rời.
Bệnh nhân đã ổn định sau khi phẫu thuật. mạch rõ, tay ấm. |
Ngay lập tức, BS Đào Duy Hùng, khoa Phẫu thuật tim mạch lồng ngực phối hợp cùng BS Tạ Thị Hồng Thuý, khoa Phẫu thuật tạo hình đã nối động mạch, thần kinh dưới kính vi phẫu, nối gân cơ, khâu bao khớp.
Sau mổ, bệnh nhân đã ổn định, tay hồng ấm trở lại, mạch quay bắt rõ.
Thông qua Dân trí, BS Hùng cảnh báo mọi người: “Động mạch cánh tay là động mạch lớn nhất nuôi toàn bộ cánh tay. Kích cỡ động mạch ở người lớn khoảng 7mm, ở trẻ em khoảng 5mm, tương đương chiếc đũa. Khi bị đứt nếu không được ga rô, băng ép kịp thời, máu sẽ chảy ồ ạt, dẫn tới tử vong”.
Đã có nhiều trường hợp bệnh nhân đứt động mạch bị tử vong do mất máu quá nhiều như trường hợp bà cụ và cháu bé vừa bị tôn cứa cổ ở Hà Nội vừa qua là một ví dụ. Do vậy công tác sơ cứu cho người bị đứt động mạch là hết sức quan trọng.
Trung bình mỗi cơ thể người lớn có khoảng 4-5 lít máu. Mỗi một nhịp tim máu sẽ được đẩy đi khoảng 50-60ml, do đó nếu bị tổn thương mạch máu lớn thì chỉ vài phút không được sơ cứu, bệnh nhân sẽ nguy hiểm tính mạng.
Do đó khi nạn nhân có tổn thương cắt vào mạch máu do tôn, kính, người dân có thể dùng bất cứ mảnh vải nào (có thể dùng áo, khăn, hoặc một sấp giấy) để áp chặt vào vết thương, buộc chặt phía trên vết thương và quan sát xem máu có chảy hay không. Nếu máu vẫn chảy có nghĩa là sơ cứu chưa thành công.