Xảy ra va chạm trên đường, Tuấn đã sai "đàn em" đe dọa, đánh đập tài xế taxi rồi ép giết giấy nợ 10 triệu đồng.
Theo báo VOV, Phòng Cảnh sát hình sự (PC45, Công an tỉnh Nghệ An) vừa bắt giữ đối tượng Trần Anh Tuấn (44 tuổi, trú tại phường Đội Cung, TP Vinh, Nghệ An) về hành vi Cướp tài sản.
Trần Anh Tuấn tại cơ quan điều tra - Ảnh: báo Phụ nữ TP.HCM |
Báo VnExpress thông tin, trong vụ va chạm ôtô vào tháng 7/2016 với Tuấn, anh Phan Đình Hùng (47 tuổi) phải đưa xe của Tuấn đi sửa khắc phục tai nạn. Hai bên hoàn tất việc tự thỏa thuận dân sự.
Tuy nhiên hôm 18/2, Tuấn liên lạc với anh Hùng qua điện thoại hẹn đến một khách sạn ở thành phố Vinh "nói chuyện". Khi giáp mặt, Tuấn dùng gậy đánh anh Hùng, cùng đàn em ép Hùng lên ôtô đưa về nhà Tuấn.
Tuấn bị cáo buộc đã đe dọa, đâm kéo vào tay và tát buộc anh Hùng viết giấy trả nợ 10 triệu đồng tiền sửa ôtô. Nạn nhân gọi điện thoại cho người nhà mang 7 triệu đồng tới đưa cho Tuấn để được thả về lo tiếp số tiền còn lại.
Tiếp nhận trình báo, vài ngày sau cảnh sát hình sự đã bắt Tuấn tại nhà riêng, thu 2 khẩu súng (khẩu tự chế và khẩu súng Colt), hơn 70 viên đạn, 3 cây kiếm, gậy và bộ sử dụng ma túy đá...
Cảnh sát cho hay, Tuấn nghiện ma tuý, có một tiền án cố ý gây thương tích và nhiều tiền sự, vài năm gần đây nổi lên là giang hồ "có số má" tham gia đòi nợ thuê và bảo kê.
Ba năm trước, trong vụ thanh toán với băng nhóm giang hồ tại nhà mình, vợ của Tuấn không may bị đạn từ súng của đối phương găm vào người khiến tử vong...
Điều 133. Tội cướp tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009): 1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)