+Aa-
    Zalo

    Ủy ban Tư Pháp yêu cầu các đơn vị báo cáo cụ thể các vụ xâm hại tình dục trẻ em

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mới đây, Ủy ban Tư Pháp đã yêu cầu các đơn vị báo cáo cụ thể các vụ xâm hại tình dục trẻ em như thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

    Mới đây, Ủy ban Tư Pháp đã yêu cầu các đơn vị báo cáo cụ thể các vụ xâm hại tình dục trẻ em như thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

    Theo báo Pháp Luật TP.HCM đưa tin, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa ban hành kế hoạch tổ chức cuộc họp đánh giá việc thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp về nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội xâm hại tình dục trẻ em và giải pháp trong thời gian tới.

    Theo đó, cuộc họp nhằm đánh giá đầy đủ việc thực hiện của các bộ, ngành đối với các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp trước đây. Đồng thời, đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em nổi cộm, bức xúc được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm trong thời gian qua.

    Thời gian gần đây có nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em khiến dư luận bức xúc. Trong ảnh là vụ người đàn ông sàm sỡ bé gái trong thang máy.

    Bên cạnh đó, xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác này và kiến nghị, đề xuất các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em nói riêng và xâm hại tình dục nói chung.

    Trong đó, Ủy ban Tư Pháp yêu cầu các đơn vị báo cáo cụ thể các vụ xâm hại tình dục trẻ em như thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cụ thể, vụ Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) có hành vi dâm ô với nhiều học sinh nam của trường. Vụ Nguyễn Văn Viễn (quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) bị khởi tố do có hành vi hiếp dâm cháu bé ba tuổi.

    Vụ thầy giáo chủ nhiệm lớp 5A Trường tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên (Bắc Giang) bị tố có hành vi dâm ô 13 học sinh đang học lớp 5A. Vụ Hồ Trọng Đăng, Tổng phụ trách đội Trường THCS Phan Bội Châu (xã La Nan, huyện Đức Cơ) bị khởi tố do có hành vi dâm ô đối với một nữ học sinh lớp tám.

    Đặc biệt, gần đây có vụ Nguyễn Trọng Trình (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) bị khởi tố về hành vi hiếp dâm bé gái chín tuổi. Vụ án năm nam sinh của Trường THPT Nguyễn Hữu Thận, THPT Triệu Phong và một thanh niên lao động tự do huyện Triệu Phong (Quảng Trị) bị khởi tố về hành vi hiếp dâm nữ sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Hữu Thận.

    Vụ Đỗ Mạnh Hùng có hành vi sàm sỡ, cưỡng hôn nữ sinh trong thang máy tại chung cư Golden Palm (Thanh Xuân, Hà Nội). Vụ ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Phó Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng có hành vi sàm sỡ bé gái trong thang máy.

    Được biết, cuộc họp sẽ lắng nghe các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm như Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao, các Bộ LĐ-TB&XH, Giáo dục và đào tạo, Văn hóa - thể thao và du lịch… báo cáo. Chủ trì cuộc họp này là Ủy ban Tư pháp, thời gian dự kiến vào ngày 19/4 tới đây.

    Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao các ngành LĐTBXH, y tế, phụ nữ, Đoàn Thanh niên lập nhóm hạt nhân để hình thành mạng lưới những người tham gia bảo vệ trẻ em ở xã, phường. Ảnh: Báo Chính Phủ

    Trước đó, theo TTXVN, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu các cơ quan chức năng trong năm 2019 tập trung tăng cường phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

    Cụ thể, tại Thông báo số 117/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Quốc gia về trẻ em, hoàn thiện và thừa ủy quyền Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em ký Báo cáo kết quả công tác năm 2018, ban hành Kế hoạch công tác năm 2019 của Ủy ban, trong đó cần tập trung một số nội dung chủ yếu.

    Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách bảo đảm quyền trẻ em phù hợp với quy định của Luật Trẻ em; tăng cường thực hiện các chính sách đã ban hành; phối hợp hiệu quả trong xử lý các vụ việc vi phạm quyền trẻ em, bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, hỗ trợ tốt nhất cho trẻ em; phân công cơ quan, đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết, thông tin khi xảy ra vụ việc vi phạm quyền trẻ em.

    Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các cơ quan, tổ chức liên quan, các địa phương tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng của người dân và trẻ em về các biện pháp bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trực tiếp đến gia đình, cộng đồng, trường học và ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trực tuyến.

    Đồng thời, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Bộ Y tế, Bộ Công an, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hướng dẫn việc thành lập và hoạt động nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã do Chủ tịch UBND xã đứng đầu với thành phần gồm người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, công an xã, Đoàn thanh niên xã, Hội phụ nữ xã, nhân viên y tế thôn bản, nhân viên Hội chữ thập đỏ xã (nếu có); hình thành mạng lưới những người tham gia công tác bảo vệ trẻ em gồm các thành viên thuộc nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã và các thành viên tự nguyện; chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành, các thành viên Ủy ban Quốc gia về trẻ em xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm tra liên ngành của Ủy ban tại một số bộ, ngành, địa phương về việc triển khai thực hiện quyền trẻ em, nhất là phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, phòng, chống đuối nước trẻ em và an toàn thực phẩm cho trẻ em.

    Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo các địa phương rà soát tất cả cơ sở giáo dục mầm non, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, yêu cầu có biện pháp quản lý, giám sát, công khai hoạt động giáo dục, chăm sóc trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em.

    Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể về xác định mức độ tổn hại về sức khỏe tâm thần đối với trẻ em bị xâm hại; xác định mức độ khuyết tật đối với nhóm trẻ em mắc hội chứng rối nhiễu phổ tự kỷ làm căn cứ xử lý về tư pháp và xây dựng các chính sách hỗ trợ phù hợp.

    Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đẩy mạnh việc tập huấn phương pháp nghiệp vụ điều tra, truy tố, xét xử thân thiện với trẻ em và người chưa thành niên.

    Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan xây dựng các công cụ kết nối mạng lưới những người tham gia công tác bảo vệ trẻ em trong khung khổ Đề án Tri thức Việt số hóa.

    Nguyễn Phượng (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/uy-ban-tu-phap-yeu-cau-cac-don-vi-bao-cao-cu-the-cac-vu-xam-hai-tinh-duc-tre-em-a269921.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan