Không chỉ có đàn ông, những ngày giáp Tết phụ nữ cũng liên tiếp nhập viện cấp cứu vì uống quá nhiều rượu. Nhiều bệnh nhân hỏng tuỵ, viêm gan, hôn mê, bất tỉnh, suy thận, xơ gan...
BS. Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, những ngày qua có gần 10 bệnh nhân chuyển đến điều trị do liên quan tới rượu bia, hầu hết đều nặng.
Bệnh nhân P.T.T. (46 tuổi, TP. Vinh, Nghệ An) nhập viện do uống rượu liên tục dịp cổ vũ U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á vừa qua. Ông bị ngộ độc rượu, phải nhập viện cấp cứu. Khi kiểm tra, BS phát hiện 1 phần tụy đã bị hỏng, gan to kèm viêm gan.
Bệnh nhân ngộ độc rượu điều trị tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai. Ảnh: T.Hạnh |
Một bệnh nhân nữ 31 tuổi tại Bắc Giang chuyển đến Trung tâm Chống độc khi đã hôn mê, bất tỉnh, tụt huyết áp, phải đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp. Bố mẹ bệnh nhân cho biết, do buồn chuyện tình cảm nên con gái tìm đến rượu để giải sầu, không ai ngăn được. Sau 1 ngày điều trị, tình trạng vẫn chưa cải thiện.
Một trường hợp khác là Bệnh nhân T. V. L., 47 tuổi ở Mê Linh, Hà Nội làm thợ xây tại Lập Thạch, Vĩnh Phúc, nhập viện trong tình trạng ngộ độc, nôn nhiều. Bệnh nhân được chẩn đoán suy thận cấp, xơ gan, tiền sử đái tháo đường. Sau 17 ngày điều trị (trong đó 5 ngày phải cấp cứu tích cực), bệnh nhân đã qua giai đoạn nguy kịch tuy nhiên vẫn cần tiếp tục theo dõi và điều trị lâu dài.
Chị L.T. H vợ của bệnh nhân cho biết, mỗi ngày anh uống khoảng nửa lít rượu vào bữa trưa và tối. Anh uống đã hơn 10 năm rồi. Vợ con can ngăn nhưng anh không nghe, mỗi lần can ngăn lại bị anh chửi, đánh thậm tệ, nên không dám khuyên can nữa.
Cách đây không lâu bệnh nhân T. M. D 56 tuổi (ở Đống Đa, Hà Nội) cũng được đưa vào bệnh viện trong tình trạng viêm gan, ung thư niệu quản. Bệnh nhân có tiền sử chức năng miễn dịch giảm do uống rượu thường xuyên. Vợ của bệnh nhân này, chị L.T.Ng cho biết: chồng chị uống rượu nhiều năm qua, mỗi ngày khoảng nửa lít. Mặc dù đã nhiều lần phải vào viện điều trị vì viêm gan do rượu với tình trạng men gan cao nhưng anh vẫn uống.
BS. Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc cho hay lạm dụng rượu bia lâu ngày sẽ gây các bệnh về gan, thần kinh và làm giảm miễn dịch của cơ thể.
Đáng lưu ý, nhiều người vẫn sai lầm cho rằng, uống rượu “xịn”, uống bia không hại gan nhưng thực chất dù rượu bia “xịn” thì cũng vẫn là gánh nặng cho gan. BS. Nguyên nhấn mạnh: Rượu được xác định có liên quan đến 200 loại bệnh, là chất gây nhiều bệnh nhất trong các chất nguy hại cho sức khỏe. Sử dụng rượu lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức chống đỡ của cơ thể. Người uống rượu lâu ngày khi bị viêm phổi và bị nhiễm trùng nói chung rất dễ trở nặng, tăng nguy cơ tử vong so với bệnh nhân không dùng rượu ở cùng mặt bệnh.
BS. Hoàng Nam, Khoa Tiêu hoá - BV Bạch Mai, khuyến cáo: Rượu là tác nhân hàng đầu gây viêm gan, (biểu hiện tăng men gan), gan nhiễm mỡ lâu ngày dẫn đến xơ gan, rồi biến chứng hôn mê gan; Không có rượu bổ, đã là rượu thì đều nguy hại cho sức khỏe, đặc biệt là chức năng gan; Mỗi ngày một người chỉ dùng 1- 2 chén rượu nhỏ, tương đương 1-2 cốc bia, không lạm dụng và ỉ vào các thuốc giải rượu bia chưa được chứng minh tác dụng rõ rệt; Những người thường xuyên tiếp khách, phải uống rượu bia nên khám sức khoẻ định kỳ, chú ý kiểm tra men gan.
Mỹ An (T/h)