(ĐSPL) - Thiếu nước sạch sinh hoạt không phải chuyện hiếm của người dân ở nhiều nơi. Ở xã Võ Xá, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), hàng chục năm nay, khi không còn sự lựa chọn nào khác, dân làng buộc phải dùng nước nhiễm phèn đỏ ngầu. Kéo theo đó là nỗi lo âu khi nhiều người thân của họ đều mắc căn bệnh ung thư và lần lượt qua đời.
Ngày chúng tôi ghé thăm, trong căn nhà vắng lạnh của chị Nguyễn Thị H, ở xã Võ Xá, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) vẫn còn phảng phất mùi nhang khói trên bàn thờ chồng chị. Cách đây 50 ngày, anh qua đời ở tuổi 41...
Nỗi đau lại chồng thêm nỗi đau khi cách đây chưa đầy 1 năm, anh trai chị cũng qua đời vì căn bệnh ung thư quái ác. Chứng kiến nỗi đau đớn của người thân khi bệnh tật dày vò, chị H. vẫn luôn cảm thấy hoài nghi, liệu nguyên nhân của bệnh tật có phải do nguồn nước mà gia đình chị sử dụng hàng chục năm nay?!
Chị H. cho hay: “Từ khi tôi lớn lên đều uống thứ nước nhiễm phèn đỏ ngầu này nên cũng đã thành quen, nếu không uống thì cũng không biết lấy nước sạch ở đâu. Cách đây cả chục năm , trong xã năm nào cũng có vài người chết vì bệnh ung thư và chúng tôi bắt đầu nghi ngờ, rất có thể nguồn nước mà người dân ở đây đang dùng là nguyên nhân gây ra bệnh tật. Chúng tôi cũng đã lo sợ và không ngờ tai họa lại ập đến gia đình tôi nhanh như thế”.
Chuyện sống chung với nước nhiễm phèn không phải chỉ riêng gia đình chị H. mà còn là tình trạng chung của cả xã Võ Xá và xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh suốt mấy chục năm qua.
Hầu hết người dân ở Võ Xá đều phải sinh hoạt bằng nguồn nước nhiễm phèn. |
Cả xã Võ Ninh có 7 thôn thì nước ở cả 7 thôn đều bị nhiễm phèn nặng. Có thôn nước có trong hơn nhưng lại nằm sát ngay khu vực nghĩa địa của xã. Trong khi đó, khu vực nghĩa địa của xã Võ Xá nằm ở cồn cát cao, cách nhà dân chỉ khoảng 200 mét.
Theo nhiều người dân địa phương ở đây, thì mỗi khi có mưa xuống, nước từ cồn cát nghĩa địa đều chảy xuống khu vực dân cư cho nên ngoài nhiễm phèn, thì không thể loại trừ khả năng mạch nước ngầm ở đây cũng bị ngấm nước từ nghĩa địa tràn vào.
Chị Hoàng Thị Lãnh, một người dân thôn 4, xã Võ Xá cho rằng: “Do năm nào trong xã cũng có vài người chết vì căn bệnh ung thư nên chúng tôi đều hoài nghi, vì ngoài thức ăn ngày nay toàn hóa chất, chất bảo quản thì biết đâu cũng một phần do nguồn nước tích tụ chất độc bao nhiêu năm nay bây giờ mới phát bệnh. Dân làng chúng tôi cũng từng đề nghị các cơ quan chức năng xét nghiệm nguồn nước nhưng đến bây giờ cũng chưa hề có hồi âm”.
Khu nghĩa địa của xã nằm sát khu dân cư khiến người dân càng lo lắng hơn về nguồn nước. |
Trong khi sống trong lo lắng và mòn mỏi chờ kết luận của cơ quan chức năng thì hàng chục năm nay, để đối phó với tình trạng nước nhiễm phèn đỏ ngầu, hầu hết các gia đình ở xã Võ Xá đều xây dựng một bể lọc để nước chảy qua cát cho bớt đục nhằm dùng cho sinh hoạt và ăn uống hàng ngày.
Chị Lê Thị Mận, thôn Tây, xã Võ Xá cho biết: “Ở đây, khoan một cái giếng để lấy nước thì rất khó khăn, bởi nếu khoan cạn thì nhiễm phèn mà khoan sâu thì nhiễm mặn. Do đó, chúng tôi đành phải lựa chọn nguồn nước nhiễm phèn về còn lọc được mà sử dụng, còn nhiễm mặn thì chịu rồi. Đã thế lấy nước nhiễm phèn phải qua công đoạn lọc một lớp cát dày, gạn bớt cặn thì mới dùng được. Tuy nhiên, lọc rồi cho dù nước có trong hơn nhưng vẫn còn một lớp váng nổi lên trên mặt nước. Không còn sự lựa chọn nào khác nên dùng mãi, chúng tôi cũng thấy quen”.
"Dùng mãi, chúng tôi cũng thấy quen”. |
Chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng Xuân Xướng, Trưởng thôn Tây, xã Võ Xá cho hay: “Bao đời nay người dân vẫn dùng nguồn nước giếng khoan nhưng càng ngày mức độ nhiễm phèn thì ngày càng nặng. Cộng với việc năm nào trong thôn, trong xã đều có vài người mắc bệnh ung thư, nhất là ung thư gan là nhiều nhất nên nhiều người dân hoài nghi là do nguồn nước bị ô nhiễm.
Ai cũng mong muốn có cơ quan chức năng về lấy mẫu nước để đánh giá mức độ có ô nhiễm hay không để được trấn an tinh thần. Còn như hiện nay, cứ hễ thấy ai mắc bệnh ung thư thì hầu hết người dân đều lo sợ nguyên nhân từ nguồn nước. Cách đây 2 năm cũng có một đoàn kiểm tra của huyện về lấy mẫu nước nhưng cũng từ đó không thấy phản hồi nên tâm lý người dân vẫn rất hoang mang, lo sợ”.
Qua tìm hiểu được biết, hiện xã Võ Xá có 7 thôn có nguồn nước bị nhiễm phèn nhưng chỉ có một công trình nước sạch công suất nhỏ, phục vụ đủ cho một thôn là thôn Trúc Ly. Tuy nhiên, nhiều người dân lại cho rằng, do công trình nước sạch này được xây dựng gần kho thuốc trừ sâu trước đây của huyện Quảng Ninh nên thay vì dùng nước sạch, người dân lại phải quay sang dùng nước giếng khoan nhiễm phèn.
Mặc dù có một trạm cung cấp nước sạch nhưng cũng chỉ đủ cấp cho một thôn. |
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Võ Xá cho rằng: “Việc người dân lo sợ bệnh tật từ nguồn nước là do tâm lý nghi ngờ khi có nhiều người trong xã mắc bệnh ung thư. Lâu nay cả xã vẫn phải dùng nguồn nước nhiễm phèn này, còn những người dân sống gần nghĩa địa lo sợ nguồn nước bị ảnh hưởng thì đây là tình trạng chung ở nông thôn rồi, chúng tôi cũng không có cách nào khác. Đúng là cách đây 2 năm cũng có đoàn kiểm tra lấy mẫu nước nhưng rồi cũng không có hồi âm. Do đó, chúng tôi cũng mong muốn phòng Tài nguyên và Môi trường của huyện, tỉnh về lấy mẫu nước để xét nghiệm xem liệu có phải như lo lắng của người dân hay không để người dân an tâm sinh sống”.
Ông Nguyễn Viết Gai, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quảng Ninh thông tin: “Tình trạng nước nhiễm phèn, nhiễm mặn xảy ra hầu hết các vùng ven sông Nhật Lệ. Tuy nhiên, người dân cho rằng việc nguồn nước nhiễm phèn, hay ảnh hưởng từ nghĩa địa, kho thuốc trừ sâu trước đây chỉ là phỏng đoán. Việc lấy mẫu xét nghiệm nguồn nước chỉ được thực hiện khi có yêu cầu từ chính quyền địa phương, sau đó Sở Tài nguyên môi trường sẽ yêu cầu các nhà khoa học lấy mẫu xét nghiệm làm rõ. Phòng Tài nguyên và Môi trường của huyện chưa lần nào lấy mẫu nước ở Võ Xá để xét nghiệm cả, chỉ có Trung tâm khí tượng thuỷ văn về lấy mẫu nước để đo độ nhiễm mặn khi thuỷ triều lên xuống mà thôi”.
XUÂN HƯƠNG
[mecloud]qU2qTDuUql[/mecloud]