Hôn nhân khó tránh khỏi những va chạm, nhưng làm sao để chúng trở thành "gia vị" thúc đẩy mối quan hệ phát triển cần sự nỗ lực từ hai phía.
Để tránh "lửa cháy đổ thêm dầu" cho cuộc hôn nhân của mình, mỗi người cần biết bình tĩnh xử lí những mâu thuẫn, sự cố... để gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Dưới đây là những bí quyết khiến bạn biến "chuyện lớn hóa nhỏ" cho cuộc hôn nhân của mình.
Không đùn đẩy trách nhiệm hay trách móc
Điều chúng ta thường nghe khi có sự cố xảy ra là "Anh/em đã nói với em/anh bao nhiêu lần rồi". Khi bạn kết hôn, xui xẻo sẽ không còn riêng cho một người nên dù có trách móc hay đùn đẩy thì cả hai người đều phải đối mặt để giải quyết.
Hai người cùng đồng lòng sẽ nhanh giải quyết được vấn đề. Ảnh minh họa |
Do vậy hãy nói: "Chúng ta sẽ ổn thôi" để cùng nhau chia sẻ và vượt qua sóng gió. Đằng nào việc cũng xảy ra rồi nên đừng mất thời giờ vào việc tranh cãi, tìm cách huy động tối đa nguồn lực giải quyết vấn đề rồi cùng nhau rút kinh nghiệm sau.
Không chiến tranh lạnh
Những vẻ mặt hờ hững, lời nói lạnh nhạt là điều giết chết tình yêu nhanh hơn bất kỳ điều gì khác. Cuộc chiến tranh lạnh không khoan nhượng này sẽ là đầu mối gây nên những vết rạn hôn nhân. Người ta bị đẩy vào tình huống "thi gan" xem ai đầu hàng trước mà ai cũng không nghĩ người thua là mình.
Nếu ngay sau thời điểm cãi vã bạn muốn có không gian riêng của mình thì hãy chia sẻ với anh ấy rằng bạn cần thời gian để tĩnh tâm và cân bằng cuộc sống vợ chồng.
Đừng để chiến tranh lạnh giết chết dần tình yêu của bạn. |
Không kiềm chế được lời nói
Rất nhiều cặp đôi khi bình thường thì xưng hô tình cảm, nhưng khi có "chiến tranh" thì một trong hai người ngay lập tức chuyển sang xưng "tôi", hoặc tệ hơn là "mày, tao" với người còn lại.
Ngôn từ có khả năng gắn kết nhưng cũng có công lực phá bỏ một mối quan hệ. Vì vậy, bạn nên thận trọng. Hãy nhớ, vợ chồng đã là một thể thống nhất. Đối phương là một phần quan trọng trong cuộc đời bạn, không bao giờ tách rời được. Đó là thứ tình cảm gắn kết với nhau, cùng nhau chia sẻ, chịu trách nhiệm cho cuộc sống hôn nhân của chính mình.
Thù dai
Bạn sẽ bị đánh giá là con người nhỏ nhen, hẹp hòi nếu bạn luôn “khắc cốt ghi tâm” từng từ khi tranh cãi. Cần hiểu rằng những lời nói khi ấy đôi khi không phải những lời nói đã được suy tính trước sau mà có thể chỉ là lời bộc phát.
Vậy nên bất cứ điều gì bạn và chàng thốt ra trong lúc nóng giận chỉ nên giữ nó trong phạm vi cuộc tranh cãi mà thôi, đừng nên vin vào đó để dằn vặt nhau.
Nếu những lời nói của đối phương khiến bạn bị tổn thương thì hãy cho anh ấy/cô ấy biết điều này. Nếu những lời nói đó khiến bạn chưa thể quên ngay được thì đừng nên nói chuyện trở lại với người ấy quá sớm vì có thể đây lại là “mồi châm” cho một cuộc tranh cãi mới và có thể cuộc tranh cãi này còn tệ hơn những gì xảy ra trước đó.
Không lắng nghe nhau
Khi mâu thuẫn càng lớn, khoảng cách giữa hai vợ chồng càng xa thì cả hai sẽ chỉ biết bảo vệ quan điểm của mình. Vợ chồng sẽ dần quên việc có thể lắng nghe, hay thể hiện sự tôn trọng nhau bằng cách lắng nghe. Nhưng trong hôn nhân, nếu không có lắng nghe thì sẽ không có thấu hiểu, từ đó vợ chồng cũng không thể giải quyết những mâu thuẫn.
Vì thế, đừng bịt miệng vợ/chồng với câu: "Anh/em đừng nói nữa", hãy để họ bộc lộ cảm xúc của mình bằng thái độ lắng nghe hợp tác.
Cái khó nhất trong hôn nhân không phải là bạn không thể hiểu người kia, mà là liệu bạn có thể lên tiếng để mở đường cho cả hai hiểu nhau không.
Ngủ riêng
Hoan ái vợ chồng là liều thuốc giải quyết mọi mâu thuẫn. |
Sự va chạm thể xác sẽ khơi gợi những cảm xúc đặc biệt trong cơ thể, khiến khoảng cách giữa bạn và người ấy được thu hẹp. Nó cũng là cách hóa giải tuyệt vời mọi rắc rối.
Ngay cả khi bạn và chàng vừa trải qua một cuộc tranh cãi kịch liệt thì cũng không có lý do gì để hai bạn phải ngủ riêng. Lời khuyên dành cho bạn là vẫn nên tiếp tục ngủ chung giường và đây có thể là “cầu nối” để hai bạn dễ làm hòa với nhau hơn.
Chẳng thế mà ông bà ta có câu "Vợ chồng cãi nhau đầu giường, làm hòa cuối giường".
Không tôn trọng nhau
Dù có yêu đến mấy thì hai người vẫn là hai chủ thể khác biệt, từ ngoại hình đến tính cách, sở thích... nên tôn trọng sự khác biệt của nhau là điều bắt buộc.
Trong hôn nhân, bạn không thể mong bạn đời thay đổi, bạn chỉ có thể dùng sự tôn trọng của mình để cùng họ tìm cách hòa hợp. Mọi cá thể đều cần được đối xử chu đáo, lịch sự ngay cả khi ta thấy họ khác biệt. Huống hồ, đã là vợ chồng, thay vì chối bỏ nhau, đồng hành và cùng nhau thay đổi mới là biện pháp tốt nhất.
Và khi đối phương thấy sự tôn trọng từ bạn, họ cũng sẽ muốn lắng nghe bạn nói hơn, tôn trọng quan điểm của bạn hơn. Nếu hôn nhân không còn sự tôn trọng thì chính là hôn nhân "chết".
Quá cứng nhắc, không chịu thỏa hiệp
Với một cuộc hôn nhân đang bế tắc, thỏa hiệp là sự cần thiết. Thay vì chất vấn, đả kích, hay đổ lỗi, vợ chồng nên nói với nhau về những điều bản thân cần để cùng tìm ra phương án giải quyết chung. Nếu quá nhiều vấn đề mâu thuẫn, thì hãy đi từ những điều nhỏ nhất, đến những khúc mắc lớn nhất. Quan trọng là phải luôn cân bằng mong muốn của cả hai, có sự thỏa hiệp nhất định để cùng thay đổi.
Coi sự trả giá của vợ/chồng là đương nhiên
Hãy hành động chứng tỏ bạn vẫn còn rất yêu vợ/chồng mình, đừng lo bị chê "sến súa". |
Để có thể chung sống hòa hợp, cả hai người đều phải thu liễm bớt cái "tôi" của mình, thêm nhiều nỗi bận tâm mới. Nếu khi còn yêu, một sự chăm sóc nhỏ của chàng/nàng cũng khiến bạn cảm động, hạnh phúc thì khi lấy nhau rồi, người ta lại có xu hướng coi đó là sự đương nhiên.
Khi sự trả giá đơn phương mà không có được sự hồi đáp tương ứng sẽ làm lòng nhiệt tình chết dần. Nhiều người cho rằng "vợ chồng già đầu rồi còn sến súa làm gì?", nhưng chỉ khi bạn thể hiện ra, đối phương mới cảm nhận được và yêu bạn nhiều hơn. Còn nếu mãi cất giấu trong lòng sẽ khiến mối quan hệ ngày càng tẻ nhạt.
Một câu cảm ơn có thể cải thiện mọi tình huống xấu nhất. Lòng biết ơn sẽ đem lại sự tích cực cho mối quan hệ vợ chồng. Với nền tảng tích cực này, những tranh cãi, mâu thuẫn cũng sẽ dịu đi để cả hai dần mở lòng hơn.
Minh Khôi(T/h)