(ĐSPL) - Đến một ngày, phạm nhân gần 50 tuổi đó nhận được cái vỗ vai của giám thị trại giam: “Sống đúng ở tuổi 47 đi Sơn. Hãy sống vì mọi người, đừng để mọi người phải sống vì mình!”.
Từ cái vỗ vai đầy tình người đó, người đàn ông bỗng giật mình nhận ra: Anh đã phí phạm cuộc đời mình phía sau song sắt, khiến mẹ già phải nhòe lệ, con thơ thiếu sự đùm bọc, che chở của cha và vợ phải thay chồng nuôi con ăn học. Anh quyết tâm đứng dậy để làm lại cuộc đời.
Đó là câu chuyện cảm động, thấm đẫm chất nhân văn đời thường, được chính phạm nhân Trần Hoàng Sơn kể lại trong lá thư gửi đến Ban giám thị trại giam Thủ Đức .
16 năm cải tạo chưa một lần được giảm án
Câu chuyện về những năm tháng cải tạo trong các trại giam được phạm nhân Trần Hoàng Sơn lần giở lại trong bức thư chất chứa tâm can của mình, khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ.
Phạm nhân ngang tàng năm nào, nay đã hoàn toàn trở thành một con người khác. Những lẫm lỗi cuộc đời được lột tả trong bức thư, giống như thước phim quay chậm về một quá khứ yêng hùng của phạm nhân:
“Ngày 27/9/1998, với tội danh “Mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy”, tôi đã bị TAND TP. Hà Nội tuyên phạt 20 năm tù giam. Sau đó, tôi được điều chuyển về trại giam Tân Lập, tỉnh Phú Thọ để chấp hành án tù. Thời gian đầu mới lên trại, tôi rất hoang mang và buồn chán với mức án 20 năm, một thời gian thật dài đối với tôi. Nhưng rồi từ từ tôi cũng thích nghi được với môi trường hiện tại. Khi ổn định, tôi cũng đã từng nghĩ như bao phạm nhân khác là phải chấp hành nội quy tốt mới có thể được giảm án, rút ngắn đoạn đường về với gia đình và xã hội”.
Bây giờ, khi đã hoàn lương, sống có mục đích, Sơn mới nghĩ được như thế, chứ thời đó, Sơn đã không chiến thắng được chính bản thân mình. Với bản tính hiếu thắng quá độ, Sơn muốn thể hiện với những người bạn tù rằng Sơn cũng có “số má” trong tù. Hồi tưởng về điều này, trong thư Sơn viết: “Nhưng rồi đoạn đường đó không đi theo chuỗi logic như tôi hằng mong muốn. Chính bản thân tôi đã không thắng nổi chính mình và đã lầm đường lạc lối, hơn thua cùng anh em phạm nhân cùng phòng giam.
Tôi đã vi phạm nội quy và bị kỷ luật. Thế rồi từ đó, tôi cứ buông trôi dài như chiếc xe lao dốc không phanh. Trước bản tính ương bướng không muốn bị ràng buộc của mình, cái ương ngạnh không chịu khuất phục, thích hưởng thụ đã làm tôi phải đưa chân vào cùm và phải tự giam mình trong buồng giam u tối. Tôi như con ngựa bất kham và ngày càng trở nên ma mãnh hơn. Rồi tôi đã bị chuyển đi nơi khác”.
Lần chuyển trại cuối, Hoàng Sơn được đưa đến trại giam Thủ Đức (Z30A, Bộ Công an). Tuy nhiên, “chú ngựa bất kham” này vẫn không thôi quậy phá.
Để chứng tỏ với các phạm nhân cùng buồng giam biết mình là ai, Sơn lại vi phạm kỷ luật: “Ngày đầu vào phân trại số 5, tôi như một kẻ xa lạ. Anh em phạm nhân khác nhìn tôi với cặp mắt đầy dò xét vì tôi là một tên tù chuyển từ Bắc vào Nam. Mặc dù tôi cũng đã được Ban giám thị cùng các cán bộ phân trại số 5 dành cho tôi một sự quan tâm rất lớn, nhưng vì một phần kỳ thị không đáng có, 1 phần vì cũng muốn chứng tỏ tôi là “một tên tù miền Bắc thế nào”, tôi lại vi phạm nội quy”.
Một lần nữa, Sơn phải chuyển đến phân trại 4 của trại giam Thủ Đức. Tại đây, Sơn không còn cảm thấy bị kỳ thị, dò xét, mà thay vào đó là tình người giữa các phạm nhân với nhau.
Và đặc biệt, lần đầu tiên Sơn cảm thấy không còn khoảng cách của một người đang thi hành pháp luật và một người phạm tội nữa. Chính cái cảm giác đó đã nhen nhóm trong Sơn ước mơ được làm lại cuộc đời.
Sơn day dứt về những năm tháng đã lãng phí cuộc đời mình. Anh bày tỏ: “Suốt chặng đường 16 năm qua, 1/3 quãng thời gian của đời người, tôi phải chôn chân nơi bốn bức tường lao lý này. Nay đã gần 50 tuổi, gần đi hết cuộc đời của chính mình, vậy mà tôi vẫn chưa trút bỏ được hết những day dứt, trăn trở, ân hận về những việc làm sai trái và những hành động vi phạm nội quy của mình”.
Lá thư Sơn viết gửi đến Ban giám thị trại giam Thủ Đức. Ảnh: Việt Thu |
Ước mơ làm lại cuộc đời
Rồi một ngày, Sơn nhận được lá thư của con gái gửi vào với nội dung: “Chị em con mong bố về từng ngày. Con muốn được kể thành tích học tập của chị em con cho bố nghe”. Lá thư ngắn ngủi nhưng chan chứa tình cảm và nỗi nhớ mong, trân trọng cha mình của con gái đã làm Sơn bừng tỉnh. Quyết tâm đứng lên làm lại cuộc đời thôi thúc trong anh.
Sơn viết: “Đọc từng dòng chữ của con mình tôi như uất nghẹn trong lòng. Đã rất rất nhiều đêm tôi không sao ngủ được và luôn tự hỏi sao tôi lại ích kỷ như vậy? Sao tôi lại có thể lãng quên đi những gì quý giá nhất đang thuộc về tôi? 16 năm dài đằng đẵng các con phải sống thiếu sự đùm bọc, che chở của cha, vợ phải sống thiếu chồng, phải thay chồng làm trụ cột trong gia đình, phải vất vả nhiều lắm mới nuôi được các con ăn học nên người. Nếu như tôi nhận thức được những điều này ngay từ đầu thì bây giờ tôi đã được tự do…”.
Để thực hiện ước mơ được sớm trở về mái ấm gia đình, được hít thở mùi nồng ngái của rơm rạ giữa bầu trời tự do, phạm nhân Sơn đã từng ngày, từng giờ cố gắng học tập, cải tạo để có cơ hội được giảm án, được trở về làm tròn trách nhiệm của người con, người chồng, người cha, mà anh đã đánh mất 16 năm nay.
Bà T., mẹ phạm nhân Sơn chia sẻ: “Người ta đi cải tạo, cố gắng cải tạo tốt để được trở về cùng với gia đình. Nhưng nó càng cải tạo càng đi xa, đến nỗi người thân muốn gặp mà cũng không gặp được. May mắn là cuối cùng nó cũng đã nhận thức được và quyết tâm làm lại cuộc đời. Gần 50 tuổi mới hồi tâm chuyển ý, nhưng vẫn chưa phải là muộn”.
Với Sơn, có lẽ chính anh cũng không thể ngờ, chính tình người ở nơi tưởng chừng như tăm tối nhất của bốn bức tường trại giam đã giúp một phạm nhân ngông cuồng, buông xuôi tất cả như anh phải thức tỉnh.
Gần 50 tuổi đầu, Sơn mới hiểu: Chỉ có tình cảm chân thành xuất phát từ con tim mới giúp con người sống tốt, có ý nghĩa hơn. Trong lá thư, Sơn đã thốt ra lời cảm ơn: “Hôm nay đây, qua trang giấy này, kính chuyển lời đến Ban giám thị và các cán bộ Phân trại 4 xin nhận ở tôi lời biết ơn sâu sắc. Xin chấp nhận lời hối lỗi từ sâu trong trái tim tôi. Xin cảm ơn các cán bộ đã cho tôi cảm nhận được cuộc đời mình có nhiều ý nghĩa hơn”.
Trao đổi với PV, một cán bộ phòng giáo dục thuộc trại giam Thủ Đức cho biết: Tháng 6/2010, phạm nhân Trần Hoàng Sơn được chuyển đến trại giam Thủ Đức. Sau hơn 4 năm cải tạo, bằng quyết tâm làm lại cuộc đời, từ một phạm nhân thường xuyên vi phạm kỷ luật, phạm nhân Sơn đã nỗ lực học tập rèn luyện. Hai năm liền Sơn đều đạt thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua của trại giam. Vì vậy, nhân dịp lễ Quốc khánh 2/9, Ban giám thị trại giam Thủ Đức đã chính thức đưa phạm nhân Sơn vào danh sách đề nghị xin giảm án và được Hội đồng xét duyệt giảm án – Bộ Công an giảm 14 tháng tù giam.