+Aa-
    Zalo

    Ước mơ giản dị của người phụ nữ nghèo

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Phận già neo đơn, phải kiếm ăn từng bữa, nhưng bà Bộ vẫn đi khắp nơi quyên góp tiền mua len đan áo ấm gửi tặng các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa.

    (ĐSPL) - Phận già neo đơn, phải kiếm ăn từng bữa, nhưng bà Bộ vẫn đi khắp nơi quyên góp tiền mua len đan áo ấm gửi tặng các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Đến thôn Hải Nam (xã Nhơn Hải, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), chúng tôi mới biết, người phụ nữ nghèo này đã nổi tiếng khắp vùng với những việc làm từ thiện trong 10 năm qua.

    Quyên góp tiền đan áo lính

    Đến đầu xã Nhơn Hải, hỏi bà Bốn Bộ (tức bà Mang Thị Bộ, 66 tuổi), cựu thanh niên xung phong thì người người đều biết. Trong căn nhà cấp bốn tuềnh toàng, nằm sát bờ biển Nhơn Hải, người phụ nữ gần 70 tuổi đang ngồi trên chiếc võng đong đưa với đôi que đan và cuộn len.

    Thấy chúng tôi, bà Bộ cười hiền, rồi đứng dậy tiếp khách. Nói về việc đan áo tặng các chiến sỹ ở Trường Sa, bà Bốn Bộ cười bảo: “Tôi đan mấy tấm áo thôi, có chi to tát đâu. Nhiều người còn làm những việc tốt đẹp hơn tôi. Tôi chỉ bỏ công đi quyên góp tiền mua len rồi đan áo cho các chiến sỹ ngoài đảo xa”.

    Bà Bộ nói rằng, chưa từng tới Trường Sa, nhưng qua ti vi, bà biết được công việc cực nhọc, gian khổ của các chiến sỹ nơi đầu sóng ngọn gió.

    Bà nghe đứa cháu từng đi làm nghĩa vụ ở Trường Sa kể rằng, ở ngoài đó lạnh lắm nên bà mường tượng nếu có thêm chiếc áo len, các chiến sỹ sẽ ấm áp hơn khi thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ chủ quyền biển đảo.

    Bà Mang Thị Bộ. (Ảnh: Dân Trí)

    Bà nghĩ ngay đến việc đan áo ấm cho các chiến sỹ. Vì điều kiện kinh tế không cho phép, bà tìm đến những gia đình có kinh tế khá giả trong xã để quyên góp. Thấy việc làm có ý nghĩa, nhiều người ủng hộ bà.

    Quyên góp được 2 triệu đồng, bà Bộ chi thêm 1 triệu đồng tiền tích góp lâu nay, bắt xe đò lên chợ trung tâm thành phố mua len.

    Ngày ngày, rảnh lúc nào, bà lại ngồi đan áo. Hơn 10 tháng cặm cụi, bà hoàn thành được 30 chiếc áo len. Mới đây, bà Bốn Bộ mang 30 chiếc áo này lên trụ sở UBND xã Nhơn Hải, nhờ đồng chí Chủ tịch hội Phụ nữ xã gửi tặng chiến sỹ Trường Sa, khiến ai cũng bất ngờ và xúc động.

    “Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đi vận động sự hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức để có tiền mua len, đan áo ấm gửi tặng các chiến sỹ Trường Sa. Tôi ước mong, trời cho sức khỏe để có thể đan tặng mỗi chiến sỹ ở đảo Trường Sa một chiếc áo”, bà Bốn Bộ tâm sự.

    Để có thời gian ngồi đan áo, bà Bộ “phân công” bà Mang Thị Bích Hoa (em gái, 64 tuổi) lo việc đi chợ, nấu cơm, làm việc nhà. “Tôi thấy việc làm của chị mình rất có ý nghĩa nên giúp được chị việc gì, tôi giúp ngay. Nhưng, tôi cũng lo cho sức khỏe chị lắm. Tuổi cao rồi, chị ngồi lâu một chỗ là bị đau xương khớp, tê mỏi chân tay, thậm chí nếu ngồi lâu quá, không đứng dậy được. Tôi không biết đan nên chỉ biết làm hết việc nhà để chị yên tâm, chú tâm đan áo cho các chiến sỹ ngoài đảo xa”, bà Hoa bộc bạch.

    Mới đây, nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước cho cựu thanh niên xung phong, bà Bộ lập tức lên chợ trung tâm thành phố mua 10 ký len về đan áo.

    Hiện có thêm 14 áo len đã hoàn thành được bà Bộ đóng gói cẩn thận và sắp tới sẽ gửi ra cho các chiến sỹ ở Trường Sa. “Tôi còn có nguyện vọng là Tết năm nay sẽ gửi tặng cho mỗi gia đình ngoài đảo Trường Sa 1 ký bánh. Mấy hôm trước, tôi lên UBND xã nhờ họ hỏi giúp thông tin là ngoài Trường Sa có bao nhiêu gia đình, sau đó sẽ về chuẩn bị quà gửi ra.

     Quà giá trị vật chất không đáng là bao nhưng đó là tấm lòng của người dân đất liền gửi đến người dân trên đảo”, bà Bốn Bộ thật thà nói.

    Truân chuyên phận má hồng

    Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, suốt mấy chục năm qua, bà Bộ và người em gái Bích Hoa sống với nhau trong căn nhà nhỏ hướng mặt về phía biển.

    Đưa mắt hướng về phía biển, bà Bốn Bộ trầm ngâm kể với chúng tôi về cuộc đời truân chuyên của mình. Năm 29 tuổi, bà đi thanh niên xung phong.

    Sau đó, bà trở về quê và đi buôn cá. Vốn là người con gái có nhan sắc, nhưng do duyên phận đẩy đưa, đến năm 36 tuổi, bà Bốn Bộ mới lấy chồng.

    Chung sống với nhau được 2 năm, người chồng bỏ bà đi lấy vợ khác. Từ đó, bà không còn nghĩ đến chuyện sẽ đi thêm bước nữa. Cùng lúc đó, người em gái bà cũng gặp rắc rối về chuyện chồng con.

    Bà Bộ bảo em về ở với mình. Cả hai chị em bà Bộ đều chưa có con, nên họ phải nương tựa vào nhau để sống. Bà Bộ là người phụ nữ năng động, giỏi giang, cả làng chài ai ai cũng biết.

    Ban ngày, hai chị em đi bán cá trên chợ, đêm thì bán trứng vịt lộn và rượu nếp. “Hồi ấy, mỗi ngày, hai chị em tôi bán được đến 500 quả trứng vịt lộn và 10 lít rượu nếp. Đến mùa trăng, tàu bè cập bờ nhiều, chúng tôi bán còn được nhiều hơn”, bà Bộ nhớ lại.

    Dù không có con cái giúp đỡ nhưng nhờ chịu khó làm ăn, năm 1988, hai chị em bà Bộ xây được căn nhà khang trang, dân làng ai cũng nể phục.

    Nhà cửa xây lên rộng rãi nhưng thấy neo người, bà Bộ nhận nuôi một cô bé. Đến tuổi trưởng thành, cô con gái nuôi mang bầu, sinh con để lại cho bà Bộ nuôi rồi bỏ đi biệt tích.

    Bồng đứa cháu mới sinh trên tay, bà Bộ chạy khắp xóm làng để xin sữa. “Cháu ngoại tôi giờ đã khôn lớn rồi. Nó đi làm trong TP.HCM cũng đủ sống, lâu lâu mới trở về thăm hai chị em tôi. Còn đứa con gái thì biệt tăm từ hồi đó. Tôi ngày nào cũng mong ngóng tin của con. Tôi mong một ngày nào đó, nó nhớ đến tôi mà trở về”, bà Bộ chia sẻ.

    Hơn 1 năm nay, vì tuổi già sức yếu nên hai chị em bà Bốn Bộ không buôn bán được gì nữa. Khi chúng tôi thắc mắc là cả hai chị em đều không lao động, không có con cháu giúp đỡ thì lấy tiền đâu để lo cho cuộc sống hàng ngày, bà Bộ bộc bạch:

    “Sau khi xây dựng căn nhà, chị em tôi vẫn còn dành dụm được mấy chục triệu đồng. Số tiền này hiện giờ tôi cho một hộ nuôi tôm hùm trong làng vay làm vốn. Mỗi tháng họ đưa tôi chút tiền lãi. Tuổi cao rồi, hai chị em ăn uống chẳng bao nhiêu, chi tiêu dè sẻn nên cũng đủ”.

    Theo lời kể của người dân Nhơn Hải, tuy nghèo nhưng bà Bốn Bộ vẫn thường giúp đỡ người dân ở địa phương. Gần 10 năm nay, Tết nào bà cũng đi quyên góp tiền, rồi lấy thêm tiền dành dụm trong nhà mua bánh kẹo tặng các cụ già neo đơn và các gia đình.

    Việc làm đầy ý nghĩa

     Trao đổi với PV báo ĐS&PL, bà Huyền Nga, Chủ tịch hội Phụ nữ xã Nhơn Hải ghi nhận: “Ở vùng biển Nhơn Hải này, hầu như ai cũng phải chật vật mưu sinh.

    Bà Mang Thị Bộ cũng là hộ nghèo nhưng đã bỏ tiền và công sức để đan áo len gửi tặng các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ ngoài đảo Trường Sa.

    Qua việc làm đầy ý nghĩa của bà, chúng tôi tin, việc kêu gọi ủng hộ kinh phí để mua len đan áo ấm tặng cho chiến sỹ Trường Sa trong thời gian tới chắc chắn sẽ thuận lợi hơn. Chúng tôi rất khâm phục tấm lòng của chị em bà Bộ”. khó khăn trong xã. D.

    Dương Kha

    Xem thêm video tin tức:

    [mecloud]RxBiTmEh1p[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/uoc-mo-gian-di-cua-nguoi-phu-nu-ngheo-a119617.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.